Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đề nghị đơn giản hóa, rút gọn có thể đối với các thủ tục, quy trình hỗ trợ người dân, DN khó khăn do Covid-19.
Sáng 6/5, tại trụ sở Chính phủ, Văn phòng Chính phủ tổ chức cuộc họp về cung cấp dịch vụ công trực tuyến và tiếp nhận phản ánh, kiến nghị trên Cổng Dịch vụ công quốc gia trong thực hiện hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc - (Ảnh: VGP)
Để tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, nhất là các đối tượng gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19 khi thực hiện các thủ tục hành chính bảo đảm kịp thời, thuận lợi, công khai, minh bạch, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng, tích hợp cung cấp một số dịch vụ công trực tuyến và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về thực hiện hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia theo hướng liên thông điện tử việc xác nhận, xét duyệt, thẩm định giữa các cơ quan nhằm đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian, chi phí thực hiện, hạn chế đi lại, tiếp xúc cho người dân, doanh nghiệp.
Theo đó, các thủ tục thực hiện trên cổng dịch vụ công quốc gia gồm: Gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất của người dân, doanh nghiệp; Hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương; Hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động; Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; Tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về khó khăn, vướng mắc trong thực hiện hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người người dân và doanh nghiệp khi thực hiện các dịch vụ công, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ đạo các Sở, Phòng lao động, thương binh và xã hội phối hợp với Bảo hiểm xã hội, Ngân hàng Chính sách để triển khai thực hiện các dịch vụ công trực tuyến nêu trên thông suốt, hiệu quả. Bảo hiểm Xã hội Việt Nam sớm hoàn thành để tích hợp, cung cấp dịch vụ tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; đảm bảo các điều kiện để thực hiện thông suốt, hiệu quả việc xác nhận trong quá trình cung cấp các dịch vụ công hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Phát biểu kết luận phiên họp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, việc hỗ trợ cho các đối tượng ảnh hưởng do dịch Covid là chính sách rất ưu việt của Đảng, Nhà nước. Vì vậy khi thực hiện chi trả phải nhanh, kịp thời và chính xác. Muốn vậy các đơn vị thực hiện phải xác định nhanh các đối tượng và đúng đối tượng trên cơ sở giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan. Sau khi xác định xong phải chi trả kịp thời.
Trên tinh thần đó, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ Lao động Thương binh và xã hội chủ trì xem lại toàn bộ quy trình để xác định đối tượng người lao động mất, hoãn việc làm, các doanh nghiệp, người sử dụng lao động vay vốn để trả lương… trên cơ sở thủ tục hành chính gọn, đảm bảo quy định pháp luật và phải có một mẫu chung.
Liên quan đến quy trình của từng ngành, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị các ngành phải kiểm soát lại toàn bộ quy trình làm sao vừa đảm bảo quy định của pháp luật nhưng phải thực sự cải cách. Theo đó, phải cắt giảm tất cả những giấy phép con, tất cả những rào cản không cần thiết theo nguyên tắc người dân, doanh nghiệp chỉ đăng nhập một lần, không phải đăng nhập lần thứ hai và không được mang giấy tờ trực tiếp đến đã kê khai điện tử.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị: “Những thủ tục nào cần đơn giản hóa, cần phải rút gọn và quy trình thủ tục năm bước nếu thấy cần rút thành ba bước thì tích hợp lại. Phải nhất quán là người sử dụng lao động và người lao động, người hưởng chính sách chỉ cần kê khai một lần và dữ liệu sẽ làm giàu dần khi dư địa đó phục vụ cho mục đích mới. Thứ hai là sẽ có sự kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan không để chủ sử dụng lao động phải đến từng cơ quan để làm thủ tục hành chính. Đồng thời yêu cầu người lao động. Thống nhất yêu cầu các doanh nghiệp và người hưởng chính sách này thực hiện trực tuyến trên cổng dịch vụ công của tỉnh, thành phố và của quốc gia”.
Về vấn đề phân quyền, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu dẫn chứng khi liên quan đến Bộ Lao động, đến Sở Lao động, Phòng Lao động, như vậy có phân quyền hay không nếu không phân quyền rất khó. Bởi nếu không phân quyền cho cấp dưới như cấp chứng thư, cấp chữ ký để ký số. Còn ở trên nói phân cấp rồi nhưng không có văn bản hướng dẫn thì dưới không thể làm được. Vì vậy, các bộ phải sẵn sàng kết nối và chia sẻ. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị các cơ quan thực hiện các dịch vụ công này trong ngày mùng 8/5 phải hoàn thành mọi thủ tục để đến ngày 9/5 khi Thủ tướng gặp mặt doanh nghiệp toàn quốc có thể công bố Bộ Lao động đã sẵn sàng chi trả 62.000 tỷ đồng cùng các địa phương. Đồng thời để nghị Cục Kiểm soát thủ tục hành chính xuống các địa phương để kiểm tra xem thực tế thực hiện và những phát sinh để kịp thời giải quyết../.
Nguồn VOV1