Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Bộ Công an cùng các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan thông tin và truyền thông vào cuộc, tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến...
Đây là một trong những nội dung được nêu trong Thông báo số 16 kết luận hội nghị sơ kết một năm triển khai Đề án 06 và tổng kết hoạt động của Uỷ ban quốc gia về chuyển đổi số vừa được Văn phòng Chính phủ ban hành.
Lấy dấu vân tay để làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân gắn chip cho công dân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, năm 2030 là năm “tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới”, trọng tâm là số hoá, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương; tăng cường bảo vệ dữ liệu cá nhân; khai thác, sử dụng dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.
Chuyển đổi số nói chung, trong đó có Đề án 06 là nhiệm vụ trọng tâm, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục ở các cấp, các ngành, các địa phương trên cơ sở huy động sự tham gia tích cực của toàn dân, sức mạnh của hệ thống chính trị nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm; dễ làm trước, khó làm sau, từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp, bảo đảm phương châm dữ liệu phải “đúng, đủ, sạch, sống”, an toàn thông tin, tránh chồng chéo, dàn trải, lãng phí, hình thức.
Chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, làm mục tiêu, động lực, là nguồn lực chuyển đổi số; bảo đảm người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng thực chất, hiệu quả và hướng tới việc hình thành công dân số, xã hội số. Chính phủ số là động lực chính, then chốt, dẫn dắt việc xây dựng nền kinh tế số, công dân số, xã hội số, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo thúc đẩy chuyển đổi số và Đề án 06 với quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt, hiệu quả.
Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan liên quan trình, xin chủ trương Chính phủ về đề xuất xây dựng Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia; khẩn trương hoàn thành cung cấp thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip, mã định danh cá nhân; chuẩn hoá, cập nhật và chia sẻ thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các bộ, ngành, địa phương.
Công chức thành phố Tây Ninh hướng dẫn người dân đăng ký tài khoản dịch vụ công quốc gia
Bên cạnh đó, tăng cường hỗ trợ người dân thực hiện các dịch vụ công có sử dụng thông tin về công dân- nhất là thời gian đầu bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy. Bộ Công an cùng các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan thông tin và truyền thông vào cuộc, tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, để người dân an tâm, sử dụng bảo đảm mọi quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân.
Tiếp tục hoàn thiện ứng dụng định danh, xác thực điện tử (VNeID), tích hợp các dịch vụ thiết yếu để dần thay thế các giấy tờ liên quan đến công dân, phấn đấu đến quý II-2023 cấp được 40 triệu tài khoản định danh điện tử cho người dân.
Được biết, theo quy định tại Luật Cư trú, kể từ ngày 1.1.2023, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú chính thức hết giá trị sử dụng. Người dân có thể sử dụng 7 phương thức thông tin công dân để thay cho sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, gồm: CCCD gắn chip; sử dụng thiết bị đọc mã QR trên thẻ CCCD gắn chip; sử dụng thiết bị đọc chip trên thẻ CCCD; khai thác thông tin cá nhân trực tuyến trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để sử dụng khi thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự (địa chỉ: https://dichvucong.dancuquocgia.gov.vn); sử dụng VNeID; sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú hoặc sử dụng thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Phương Thuý