Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Hỗ trợ người nông dân tham gia chiến lược ‘thuận thiên’
Thứ sáu: 09:18 ngày 12/03/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Trước đây, chúng ta “đổ thừa” cho nhà nước ép dân trồng lúa, lúa và lúa, nhưng bây giờ nhà nước đã đổi mới tư duy cho chính quyền địa phương lựa chọn đa dạng hơn cây lúa, thì người nông dân nhỏ lẻ cũng phải tham gia với nhà nước trong chiến lược mới đã được chỉ ra trong Nghị quyết 120.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tôm Bạc Liêu, ngày 30/1/2018. - Ảnh: VGP

Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL được Chính phủ ban hành vào cuối năm 2017 đã mở ra một chân trời hy vọng cho vùng châu thổ này cũng như toàn bộ nền kinh tế nước ta, với mục tiêu sản xuất có giá trị cao hơn, thay vì chỉ sản xuất lúa quá nhiều.

Năm 2017, chúng tôi đã hoan nghênh Chính phủ gỡ “vòng kim cô” an ninh lương thực cho nông dân và thay vào một tư duy mới rất phù hợp trong thời biến đổi khí hậu, là bớt diện tích lúa để dành đất và tiết kiệm nước ngọt trồng những cây ăn trái có giá trị cao hơn, không coi nước mặn là một trở ngại nữa mà biến nó thành cơ hội.

Gần đây nhất, Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định 555/QĐ-BNN-TT phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 và 2030.  Đây là một đề án rất phù hợp trong bối cảnh hiện nay khi các địa phương đang thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ.

Chúng tôi đồng tình với những mục tiêu của Đề án như chỉ tiêu xuất khẩu gạo đến năm 2025 đạt 5 triệu tấn và đến năm 2030 đạt 4 triệu tấn (tức giảm 1 triệu tấn so với năm 2025). Đến năm 2025 sẽ giữ diện tích lúa ở mức 3,6 đến 3,7 triệu ha, tương đương diện tích gieo trồng là 7 đến 7,2 triệu ha/năm; đến năm 2030, diện tích đất lúa là 3,5 triệu ha (tức giảm 100.000 đến 200.000 ha so với chỉ tiêu đến năm 2025), tương đương diện tích gieo trồng khoảng 7 triệu ha/năm. Đề án cũng nêu rất rõ, chúng ta sản xuất những loại gạo khác nhau để đáp ứng nhu cầu của từng thị trường…

Đây là những chỉ tiêu tích cực, khi nhìn lại Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam giai đoạn 2016-2020 trước đây đã chú trọng quá nhiều vào mục tiêu diện tích lúa cho an ninh lương thực, dẫn tới nhiều vùng không phù hợp trồng lúa nhưng nông dân không được chuyển đổi cây trồng, từ đó không có cơ hội để làm giàu.

Chẳng hạn như, ở vùng nhiễm mặn dọc bờ biển, rõ ràng không thích nghi với cây lúa trong mùa nắng nhưng chúng ta vẫn cố biến chúng thành vùng ngọt hóa để trồng lúa, tốn rất nhiều tiền ngân sách để đắp đập ngăn mặn, đào kênh cả trăm cây số đưa nước ngọt hiếm hoi trong mùa nắng về tưới. Nhưng trồng lúa như vậy không cho kết quả tốt và rất nhiều rủi ro cho người nông dân trong khi nông dân ngoài vùng ngọt hóa hưởng lợi nhờ nuôi thủy hải sản trong mùa nắng.

Viễn cảnh của một tương lai xán lạn của nền nông nghiệp mới của Việt Nam đang bày ra trước mắt chúng ta với những doanh nhân năng động gặp gỡ những nhà lãnh đạo năng động của các tỉnh cùng nhau quyết tâm thực hiện Nghị quyết 120 với trợ lực từ các Bộ, ngành.

Tuy nhiên, tất cả những cố gắng đổi mới của nhà nước và doanh nghiệp đều sẽ như công dã tràng nếu không có sự đổi mới của người nông dân. Phần lớn nông dân Việt Nam ngày nay vẫn là những người làm ăn nhỏ lẻ trên diện tích đất đai manh mún của mình, nhất là nông dân trồng lúa. Dĩ nhiên chúng ta cũng có một số nông dân giàu, nhưng đây là những nông dân thấy xa hiểu rộng. Làm sao cho người nông dân nhỏ lẻ chịu thấy xa hiểu rộng để tự họ cũng sẽ làm giàu được? Có lẽ, đây là một thách thức lớn nhất đối với xã hội nông thôn nước ta hiện nay.

Trước đây, chúng ta “đổ thừa” cho nhà nước ép dân trồng lúa, lúa và lúa; nhưng bây giờ nhà nước đã đổi mới tư duy cho chính quyền địa phương lựa chọn đa dạng hơn cây lúa, thì người nông dân nhỏ lẻ cũng phải tham gia với nhà nước trong chiến lược mới đã được chỉ ra trong Nghị quyết 120.

Mặt khác, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và để tận dụng được các lợi thế từ các hiệp định, không có cách nào khác là liên kết nông dân – doanh nghiệp phải kiên quyết giữ cho bằng được chất lượng gạo ngon và an toàn, có thể truy nguyên nguồn gốc để xuất khẩu.

Trong điều kiện thuận lợi của Nghị quyết 120, chúng tôi đề nghị một cách tiếp cận thực tế và bước đi cần thiết nhất ngay lúc này để gắn nông dân và doanh nghiệp theo chuỗi giá trị. Tái cơ cấu ngành lúa gạo chỉ thật sự hiệu quả khi giải quyết đồng bộ các thành phần tham gia chuỗi liên kết.

Theo đó, người nông dân đổi mới mà đất nước ta cần trong thời đại này là những người nông dân tuy diện tích đất manh mún nhưng biết tự giác thỏa thuận đứng chung nhau trong những hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới để tạo thành một cánh đồng lớn, sẵn sàng liên kết với các nhà đầu tư lớn xây dựng vùng công nghiệp sản xuất rau quả chế biến, hoặc vùng công nghiệp thủy sản chế biến cung cấp cho thị trường trong nước và thị trường quốc tế.

Với sự tổ chức hợp lý của nhà đầu tư và nhà nước, những người nông dân đổi mới này sẽ không bị mất đất, mà đất của mọi người trong hợp tác xã kiểu mới sẽ được phá bỏ bờ ruộng manh mún, cày xới và trang bằng thành cánh đồng lớn được phân lô ngay ngắn theo hệ thống kênh mương đúng theo kỹ thuật khoa học, có hệ thống giao thông thuận tiện cho việc chăm sóc và vận chuyển cây trồng hoặc thủy sản của bà con đến khu chế biến và bảo quản trước khi xuất kho giao cho khách hàng.

Mỗi nông dân xã viên của hợp tác xã kiểu mới đều được chia lại diện tích (trừ tỉ lệ bỏ ra để làm kênh mương và đường giao thông) để canh tác, chăm sóc cây trồng, vật nuôi của mình dưới sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp. Người nông dân đổi mới cộng tác trong môi trường mới này cũng không lo bị thương lái ép giá. Người nông dân đổi mới sẽ thật sự đổi đời, lợi tức thu nhập ổn định cao hơn. Doanh nghiệp cũng có thu nhập ổn định cao hơn, nên sẽ làm nghĩa vụ đóng góp vào GDP của địa phương tốt hơn.

Trên thế giới, thí dụ điển hình nhất là hệ thống hợp tác xã nông nghiệp của Nhật đã giúp nông dân Nhật thoát cảnh nghèo nàn của những tá điền ngày xưa, trở thành những hộ nông nghiệp giàu sang.

Đối với các nhà nông, mục tiêu cuối cùng là làm sao bán được sản phẩm có lời nhất để làm giàu, cho nên hợp tác xã nào tạo điều kiện cho nhà nông đạt mục tiêu đó sẽ được nông dân hăng hái tham gia. Thực tế, đã có một số mô hình tương đối thành công hơn tại một số tỉnh, nhất là An Giang và Cần Thơ, khi doanh nghiệp gắn kết chặt chẽ với hợp tác xã nông nghiệp thay vì với nông dân cá thể.

Hội nhập kinh tế thế giới sẽ đưa đến những thách thức rất gay gắt đối với lao động Việt Nam, nhất là khu vực nông nghiệp. Nhất định nhà nông Việt Nam của thế kỷ 21 phải là những người nông dân đổi mới, được đào tạo với kỹ thuật cao hơn. Nhưng làm sao trong một thời gian ngắn mà chúng ta có thể nâng cao trình độ kỹ thuật của hàng triệu nông dân? Một cách đi tắt đón đầu nhanh nhất là tổ chức cho nông dân thành lập các hợp tác xã kiểu mới, gắn kết một doanh nghiệp với một hay nhiều hợp tác xã.  

Nông nghiệp Việt Nam sẽ phát triển thành công trong thời hội nhập kinh tế toàn cầu nếu Nhà nước tạo chính sách phù hợp để gắn kết nhà nông và nhà doanh nghiệp.

GS. Võ Tòng Xuân

Hiệu trưởng Đại học Nam Cần Thơ

Nguồn chinhphu

Tin cùng chuyên mục