Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Họa sĩ Tạ Huy Long vừa có cuộc gặp gỡ giao lưu với bạn đọc TP.HCM tại Trung tâm sách Kim Đồng vào sáng 24-6 để giới thiệu ra mắt quyển sách Lĩnh Nam Chích Quái nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập NXB Kim Đồng.
Tạ Quốc Kỳ Nam (phải) đang giới thiệu các tranh do Tạ Huy Long thực hiện theo anh là rất kỳ công - Ảnh: L.Điền
Quyển sách huyền thoại Lĩnh Nam Chích Quái do NXB Kim Đồng thực hiện lần này là ấn phẩm đặc biệt theo phong cách art-book với hơn 200 bức tranh minh họa.
Những bức vẽ này được Tạ Huy Long vẽ tay tỉ mẩn, tạo hình và kỹ thuật mỹ thuật được bạn đọc đánh giá rất đẹp, nên sách vừa in ra đã cháy hàng. Hiện Kim Đồng đã in thêm để bổ sung cho thị trường.
Buổi giao lưu được họa sĩ, nhà thiết kế Tạ Quốc Kỳ Nam tham gia với vai trò dẫn chuyện. Tạ Quốc Kỳ Nam cũng chính là người cộng sự đắc lực với Tạ Huy Long trong việc thiết kế quyển Lĩnh Nam Chích Quái, và trong từng phương án chọn tranh, góp ý về màu sác, con chữ...
Tạ Quốc Kỳ Nam cũng có những góp ý đáng kể.
Theo Tạ Huy Long, lúc bắt đầu dự án làm sách tranh Lĩnh Nam Chích Quái, anh cảm nhận sự thú vị của công trình này, nhưng lại đắn đo giữa việc làm vừa phải để tiết kiệm giấy, tiết kiệm công in, hay làm cho thực sự mãn nhãn với mỗi trang truyện, mỗi tranh minh họa phải thực sự thấy “đã”.
Và chính Tạ Quốc Kỳ Nam đã góp ý nên chọn phương án làm cho đạt mức độ mỹ thuật mãn nhãn, cho bõ công vào một công trình có nhiều ý nghĩa như vậy.
Tôi muốn ngay trang đầu mỗi truyện phải được trình bày đủ trang trọng để người đọc có cảm nhận họ đang đặt tay đến một không gian truyện mới, thật đặc biệt.
Và toàn bộ tác phẩm sách tranh này là sự chỉn chu và long trọng của ê kíp thực hiện gửi đến người đọc chứ không nên vì e ngại gì đó mà làm không tới.
Tạ Quốc Kỳ Nam chia sẻ
Họa sĩ Tạ Huy Long (phải) đang giới thiệu bức tranh vẽ truyện Hồng Bàng - một trong các tác phẩm anh ưng ý nhất trong Lĩnh Nam Chích Quái - Ảnh: L.Điền
Bạn đọc cũng đặt vấn đề về phong cách vẽ của Tạ Huy Long trong Lĩnh Nam Chích Quái, anh cho biết rằng trước khi bắt tay vào việc, ngoài việc đọc truyện để thuộc các tình tiết, nắm các mô típ, anh còn đi tìm dữ liệu về đồ họa ở nhiều nguồn: tranh dân gian Việt Nam và Trung Quốc, tranh Nhật Bản, cả tranh giả kim của phương Tây, tranh Thánh của Nga...
Tạ Huy Long cho biết mỗi loại tranh đều có tác động đến anh khi chuẩn bị phần đồ họa cho sách, chẳng hạn màu vàng trong tranh Thánh của người Nga đã khiến anh đưa vào bức tranh Man Nương - chọn làm bìa sách.
“Chuẩn bị tất cả rồi, thì tôi lại phải quên ngay tất cả. Chỉ còn lại sự ám ảnh về các lớp màu, hình tượng... sau đó mới bắt đầu vẽ.
Tôi hình dung Lĩnh Nam Chích Quái có một ít sự hoang dã, một ít dục tính, tất cả tranh đều “không trang điểm”, và tôi tập trung cho bối cảnh nhiều công phu hơn cả nhân vật”, Tạ Huy Long kể về công việc của mình.
Nói về công phu, thì phần tác giả tranh phải bỏ ra rất nhiều, ngay như một mẫu mặt nạ cho cái hình mộc tinh nho nhỏ, anh cũng cho biết là anh lấy từ vùng Thái Bình - nơi người dân còn giữ được các điệu múa của người Chăm.
Và Tạ Quốc Kỳ Nam cũng cho biết anh vừa phát hiện Tạ Huy Long thực sự kỳ công và nghiêm túc trong khi làm việc.
Đó là Kỳ Nam khi xem tranh vẽ chuyện Cây Cau, thấy hình vẽ hai anh em sinh đôi liền nghĩ ngay là có thể họa sĩ chỉ vẽ một người, xong nhân đôi ra (copy) cho nhanh.
“Nhưng không, tôi đã xem kỹ và phát hiện ra anh Tạ Huy Long tỉ mỉ vẽ hai anh em giống nhau thật, và đây là bức tranh vẽ hai người giống nhau, có nhiều chi tiết chứng minh anh Long đã vẽ hai lần, chứ không phải anh vẽ một lần rồi copy ra”, Tạ Quốc Kỳ Nam nói về phát hiện thú vị của mình.
Về phần mình, Tạ Huy Long cho biết khi sách được in ra, thấy chất lượng in đạt chất lượng, màu sắc in đúng ý mình thì “mừng hết biết”.
Còn khi đang làm, quả thật có nhiều lúc khó khăn thực sự, chẳng hạn như vẽ câu chuyện Nàng Mị Ê.
“Mị Ê người Chăm, câu chuyện gay cấn, cảm động, có cả yếu tố tâm linh, nhưng lại ngắn ngủn, vậy mà phải phân cảnh chia khung để vẽ như các câu chuyện khác, phải nói là thật khó khăn”, Tạ Quốc Kỳ Nam đồng tình.
Từ phía bạn đọc, có một người theo dõi các tác phẩm của Tạ Huy Long từ lâu, đưa ra nhận định rằng anh đã có sự thay đổi lớn từ lúc vẽ chú dế mèn trong Dế mèn phiêu lưu ký đến vẽ Lĩnh Nam Chích Quái...
Tạ Huy Long bật mí cho biết rằng khi vừa kết thúc dự án Lĩnh Nam Chích Quái thì anh cũng bắt tay vào làm chương trình mới, với niềm yêu thích sử cổ và văn học cổ Việt Nam.
Đồng ý với nhận xét của bạn đọc trên, anh nói vui rằng nếu có ai đó vẽ suốt mười năm mà không thay đổi gì thì thật bất thường.
Nguồn TTO