BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hoà Thành: “Bộ thủ tục hành chính” mới, vẫn còn nhiều việc phiền phức, rườm rà

Cập nhật ngày: 21/08/2010 - 10:35

Vừa qua, Tổ công tác Đề án 30 (gọi tắt là Tổ 30) tỉnh Tây Ninh đã đến huyện Hoà Thành để kiểm tra kết quả thực hiện các quyết định của UBND tỉnh về việc “công bố bộ thủ tục hành chính” của tỉnh trong giai đoạn 2; xem xét việc UBND, các cơ quan hành chính huyện, UBND các xã, thị trấn thực hiện niêm yết bộ thủ tục hành chính, cũng như khảo sát, tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc cần phản ảnh với cấp trên, để chuẩn bị cho việc tiếp tục thực hiện hoàn thiện trong giai đoạn 3 theo lộ trình cải cách hành chính của tỉnh.

Trong buổi làm việc tại trụ sở UBND huyện trước khi đi thực tế đến một số đơn vị, địa phương trong huyện, Tổ Đề án 30 yêu cầu các ngành huyện, xã phản ánh thực tế về quá trình thực hiện cải cách hành chính nói chung và thực hiện bộ thủ tục hành chính của tỉnh nói riêng, để Tổ 30 theo dõi, ghi nhận, báo cáo với lãnh đạo tỉnh.  

Công dân tìm hiểu về thủ tục hành chính tại vị trí niêm yết ở địa phương

Qua cuộc làm việc, có những nội dung địa phương phản ánh từ thực tế rất đáng ghi nhận, xem xét. Chính quyền xã Long Thành Bắc cho biết, hiện nay, có một số công dân bị bệnh lao đã được các bệnh viện điều trị lao của tỉnh, thành phố khám xác định bệnh, cấp sổ theo dõi điều trị, trong quá trình cấp, nhận thuốc giữa bệnh viện và bệnh nhân, nhưng bệnh nhân cứ phải đến yêu cầu UBND xã xác nhận vào “Tờ cam kết trị bệnh lao” là bệnh nhân đó đang cư ngụ tại địa phương thì mới được cấp thuốc. Đây là yêu cầu mà chính quyền cơ sở cho là thừa và không cần thiết đối với việc cấp phát thuốc cho bệnh nhân vì trong thời gian khám, điều trị, bệnh nhân đã cung cấp các thông tin cá nhân, trong đó có cả địa chỉ nơi cư trú cho cơ sở chữa bệnh. Đề nghị các cơ sở y tế nơi khám, điều trị bệnh lao không nên đòi hỏi người dân phải mất công sức làm việc ấy.

Một số cơ quan, xí nghiệp quản lý nhân viên trực thuộc từ lúc nhận vào làm việc ở đơn vị mình cho đến lúc vì lý do nào đó đơn vị sử dụng lao động không còn tiếp tục sử dụng nên cho nghỉ việc, việc thanh toán các chế độ bảo hiểm xã hội cho nhân viên là việc làm cần thiết và hết sức bình thường nhưng lại có nhiều cơ quan, đơn vị yêu cầu nhân viên của mình phải làm “đơn đề nghị hưởng chế độ Bảo hiểm xã hội” và đến UBND nơi nhân viên này cư ngụ để yêu cầu xác nhận. Đây cũng là yêu cầu không hợp lý, chỉ gây phiền hà cho người dân, không giải quyết được vấn đề gì trong công tác quản lý.

Trong những tháng gần đây, có nhiều công dân đến UBND cấp xã yêu cầu xác nhận về thâm niên lái xe của cá nhân làm các thủ tục để được nâng bằng lái lên hạng. Đối với vấn đề này, trong hồ sơ và giấy phép lái xe đã ghi rõ nơi xét và cấp bằng nên yêu cầu địa phương xác nhận là không có cơ sở, vô căn cứ vì UBND địa phương không có mở sổ theo dõi quá trình hành nghề của cá nhân công dân.

Theo Quyết định số 77/2008/QĐ-UBND của UBND tỉnh Tây Ninh ban hành ngày 25.9.2008 quy định về việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ theo cơ chế một cửa tại UBND xã, phường, thị trấn có nêu về việc đăng ký khai sinh cho trẻ em là nơi cư trú của người mẹ thực hiện việc đăng ký. Việc đăng ký khai sinh cho trẻ em cần quy định có thể là nơi thường trú của cả cha và mẹ của trẻ mới phù hợp với cuộc sống. Việc quy định của UBND tỉnh chỉ làm cho người dân thêm khó khăn trong việc thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ em.

Bộ thủ tục hành chính chung áp dụng cho cấp xã trên lĩnh vực hộ khẩu, liên quan đến cơ quan công an đã quy định: thời gian cắt, chuyển hộ khẩu từ lúc nhận đến ngày giao trả là 3 ngày làm việc là quá lâu. Các đại biểu chính quyền cơ sở cho rằng, chỉ vài phút là xong, nên đề nghị quy định thời gian nhận và giao trả hồ sơ loại này nên rút ngắn hơn nữa.

Các thủ tục mua, bán, tặng, cho, thừa kế, thuê mướn, vay vốn liên quan đến bất động sản theo bộ thủ tục hành chính chung áp dụng cho cấp xã hoàn toàn đối lập với Công văn số 1678 của Sở Tư pháp Tây Ninh, vì thực tế hiện nay, đối với các giao dịch trên đều được thực hiện tại các phòng công chứng, UBND cấp xã không có quyền giải quyết.

Việc cấp văn bằng, chứng chỉ khi bị thất lạc, người dân đến cơ quan chủ quản làm thủ tục xin cấp lại, đều được cấp bản sao, không cấp bản chính, vấn đề này đã gây khó khăn cho người dân vì khi có việc cần thêm phải đi quá xa, bởi bản sao thì theo quy định pháp luật về công chứng, chứng thực thì không thể sao y đối với bản sao.

Tổ Đề án 30 làm việc với UBND huyện Hoà Thành

Đối với Công văn số 1678 của Sở Tư pháp Tây Ninh về việc chứng thực các hợp đồng liên quan đến bất động sản sang các tổ chức hành nghề công chứng còn mang tính chất chung, chưa có quy định đối với một số vụ việc có liên quan đến bất động sản, giao dịch có tính chất giản đơn, giá trị giao dịch nhỏ, vấn đề này rất phiền hà cho nhân dân có nhu cầu, thí dụ cho thuê một vài công đất để làm vườn hoặc mặt bằng để hành nghề một lĩnh vực nào đó, quy mô nhỏ, lẻ cũng phải đến cơ quan công chứng thì phải chịu một mức lệ phí cao, trong khi thu nhập từ giao dịnh này của người dân quá thấp.

Vấn đề xác nhận nơi cư trú cho cá nhân một công dân để xin việc làm là “thừa” và không cần thiết, bởi trong hồ sơ xin việc làm của công dân cơ quan, đơn vị nhận việc đã có đủ thông tin từ bản sao giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu và các giấy tờ cần thiết khác đã được công chứng, chứng thực. Nên các cơ quan, xí nghiệp nơi nhận lao động yêu cầu cá nhân đi xin việc làm đến UBND cấp xã là chỉ gây phiền phức, mất thời gian công sức của công dân.

Có một ý kiến nghị khác nêu trong cuộc họp làm nhiều người quan tâm là: UBND tỉnh nên yêu cầu Sở Tư pháp báo cáo hiệu quả hoạt động công chứng trên lĩnh vực giao dịch bất động sản từ khi thực hiện chuyển giao từ cấp xã cho các phòng công chứng; Kết quả thực hiện Đề án về xã hội hoá công tác công chứng đến nay, những việc làm thuận lợi và những gì bất cập, gây thêm phiền hà cho dân để kịp thời sửa chữa, bổ sung hoàn thiện những mặt yếu kém do ý chí chủ quan tạo nên từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước mà dư luận đang quan tâm.

THÀNH CHUNG