Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Hoàn thiện 2 dự án luật trình Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6
Chủ nhật: 10:29 ngày 22/10/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Trong Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV (diễn ra ngày 23/10 và dự kiến bế mạc ngày 29/10), dự án Luật Căn cước và dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở do Bộ Công an chủ trì soạn thảo sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Hiện, 2 dự án luật đã được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý các nội dung phù hợp với yêu cầu của thực tiễn đảm bảo trật tự an toàn xã hội, phục vụ công cuộc chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số. Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an liên quan đến công tác chuẩn bị, nội dung cụ thể 2 dự thảo luật trước khi trình Quốc hôi xem xét, thông qua.

PV: Đồng chí cho biết kết quả tiếp thu ý kiến, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Luật Căn cước và dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT đến thời điểm này?

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ và hội trường về dự án Luật Căn cước và dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 25 (tháng 8/2023) và Quốc hội cũng đã tổ chức hội nghị đại biểu chuyên trách để cho ý kiến về dự án Luật, các đoàn đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến bằng văn bản. Qua tổng hợp ý kiến cho thấy về cơ bản đa số các ý kiến tham gia đều nhất trí với sự cần thiết ban hành 2 Luật cũng như nội dung của dự thảo và góp ý nhiều vấn đề cụ thể. Trên cơ sở đó, Bộ Công an đã trực tiếp phối hợp với các cơ quan tổ chức nhiều phiên họp chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo. Bộ Công an cũng đã có công văn gửi Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho ý kiến cơ bản nhất trí với dự thảo Luật đã được chỉnh lý, hoàn thiện theo ý kiến đại biểu Quốc hội và dự thảo các báo cáo kèm theo do Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội xây dựng.

Đến nay, cơ quan thẩm tra là Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội về cơ bản thống nhất với các nhóm chính sách của dự thảo Luật do Chính phủ trình. Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an đã rà soát dự thảo Luật và đề xuất đồng chí Bộ trưởng có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo hướng cơ bản nhất trí với dự thảo Luật để phối hợp với Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội kịp thời hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV.

PV: Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Căn cước gồm những nội dung cơ bản nào, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Căn cước hiện nay gồm có 7 chương, 46 điều.

Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Luật quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước; căn cước điện tử; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Về đối tượng áp dụng, ngoài áp dụng đối với công dân Việt Nam, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, Luật này còn áp dụng đối với người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam.

Việc kiện toàn lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở không làm tăng biên chế và chi ngân sách nhà nước.

Về quy định thu thập, cập nhật, quản lý, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dự thảo Luật quy định theo hướng mở rộng, tích hợp nhiều thông tin khác của công dân và người gốc Việt Nam trong các cơ sở dữ liệu khác vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước để trực tiếp phục vụ cho việc ứng dụng tiện ích của thẻ căn cước, căn cước điện tử, kết nối, chia sẻ, thông tin người dân.

Về nội dung thể hiện trên thẻ căn cước, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung theo hướng lược bỏ vân tay và sửa đổi quy định về thông tin số thẻ căn cước, dòng chữ "căn cước công dân", quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ thành số định danh cá nhân, dòng chữ "căn cước", nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú... Đối với những thẻ căn cước công dân đã cấp thì vẫn còn nguyên giá trị sử dụng, không bị tác động bởi quy định này.

Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của họ; phát huy giá trị, tiện ích của thẻ căn cước trong hoạt động của Chính phủ số, xã hội số. Đồng thời, quy định cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam nhằm bảo đảm quyền, lợi ích của người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam; phục vụ tốt hơn công tác quản lý nhà nước về dân cư. Tích hợp một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của người dân ngoài thông tin về căn cước vào thẻ căn cước, căn cước điện tử cũng là những nội dung quan trọng của dự thảo Luật. 

 Liên quan đến quy định chuyển tiếp, dự thảo Luật quy định chuyển tiếp về việc sử dụng thẻ căn cước công dân đã được cấp; giá trị sử dụng của chứng minh nhân dân để không làm phát sinh thủ tục hành chính, tác động đến người dân khi Luật Căn cước được thông qua, có hiệu lực thi hành.

PV: Như vậy, dự thảo Luật Căn cước đã đáp ứng được những mục tiêu cụ thể nào phục vụ công tác chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số và đảm bảo an ninh trật tự, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Đến nay, dự thảo Luật Căn cước đã được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện và đủ điều kiện để trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6 tới đây. Dự thảo Luật đã đáp ứng được những mục tiêu đặt ra trong quá trình xây dựng, khi được thông qua và có hiệu lực thi hành sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai thực hiện và xây dựng Chính phủ điện tử, tạo bước đột phá về chuyển đổi số ở nước ta; đáp ứng yêu cầu trong giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phục vụ mục đích phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng công dân số, hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư và công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp. Điều này cũng phù hợp với tiến trình hội nhập, mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế; phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, sẽ khắc phục được những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, bất cập hiện nay và tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người dân trong đi lại, giao dịch, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội, yêu cầu quản lý dân cư, góp phần quan trọng trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật.

PV: Còn đối với Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, đồng chí cho biết những nội dung cơ bản của dự thảo Luật sau khi đã chỉnh lý?

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Dự thảo Luật đã được chỉnh lý với 34 điều (so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 tăng 3 điều, trong đó 1 điều về giải thích từ ngữ và tách điều quy định về bố trí lực lượng, chức danh, công nhận chức danh, thành lập tổ bảo vệ ANTT thành 3 điều luật riêng). Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đạt được sự đồng thuận cao giữa cơ quan thẩm tra của Quốc hội và cơ quan chủ trì soạn thảo. Các nhóm chính sách của dự thảo Luật do Chính phủ trình được bảo đảm giữ nguyên, bao gồm: Nhiệm vụ, hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, xây dựng, bố trí lực lượng, chức danh, thành lập lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; quan hệ công tác, phối hợp của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

PV: Việc kiện toàn lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đảm bảo không tăng số lượng người tham gia, không tăng ngân sách nhà nước, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Việc xây dựng, ban hành Luật không làm tăng số lượng người tham gia hoạt động, không làm tăng chi ngân sách. Bởi vì, dự thảo Luật chỉ thực hiện sắp xếp, kiện toàn lại các lực lượng, chức danh đã được thành lập, hoạt động hiện nay và đang được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật để thống nhất thành một lực lượng chung. Theo đó, các chế độ, chính sách đang chi trả cho các lực lượng, chức danh này đã được thực tiễn kiểm nghiệm, đánh giá là phù hợp, bảo đảm tính khả thi sẽ tiếp tục được kế thừa để quy định cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bảo đảm không làm tăng chi ngân sách nhà nước. Chính phủ đã có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cụ thể về chế độ, chính sách, kinh phí, nguồn nhân lực bảo đảm thực hiện Luật khi được ban hành là bảo đảm tính khả thi và phù hợp với thực tiễn.

Hiện nay, toàn quốc có khoảng 300.000 người đang tham gia hoạt động trong lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Đây là số liệu thống kê nguồn lực sẵn có hiện nay của lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng. Các địa phương căn cứ yêu cầu thực tiễn tại địa phương mình về nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở cơ sở và số lượng người đang được sử dụng thực tế để quyết định việc bố trí lực lượng theo hướng tăng hoặc giảm số lượng phù hợp với điều kiện, khả năng và yêu cầu của từng địa phương. Đồng thời, thực hiện Nghị quyết số 35 ngày 12/7/2023 của UBTVQH về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, thời gian tới, nhiều đơn vị hành chính sẽ được sáp nhập nên việc bố trí lực lượng tại thôn, tổ dân phố theo quy định của dự thảo Luật sẽ càng thuận lợi hơn.

PV: Theo đồng chí, khi Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được thông qua, có hiệu lực thi hành sẽ tác động như thế nào đến công tác đảm bảo trật tự an toàn xã hội?

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Dự án Luật được thông qua là cơ sở pháp lý quan trọng khẳng định vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ quan trọng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở cũng như bảo đảm về chế độ, chính sách, điều kiện hoạt động của lực lượng này. Qua đó, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra đó là tăng cường, nâng cao hiệu quả hoạt động của các lực lượng quần chúng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; xây dựng được nền an ninh nhân dân gắn với thế trận an ninh nhân dân để giải quyết kịp thời các vụ, việc liên quan đến an ninh, trật tự và giữ vững an ninh, trật tự ngay từ địa bàn cơ sở, từ sớm, từ xa là yêu cầu cần thiết. Qua đó, góp phần quan trọng trong xây dựng xã hội an ninh, an toàn vì cuộc sống bình yên của nhân dân.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí

Nguồn CAND

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục