BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hoàn thiện cơ chế thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp 

Cập nhật ngày: 20/02/2017 - 22:22

Những năm gần đây số lượng các khu làm việc chung, vườn ươm công nghệ và tổ chức thúc đẩy kinh doanh đã có sự tăng trưởng đáng kể cho thấy sự cần thiết trong việc nuôi dưỡng sự hình thành và phát triển cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Theo thống kê của Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH và CN) (NATEC), hiện nay ở Việt Nam có bảy vườn ươm thuộc các cơ quan nhà nước, ba vườn ươm thuộc các trường đại học và 11 vườn ươm do các tổ chức tư nhân hoặc nước ngoài thành lập.

Thực tế, các vườn ươm truyền thống đều hỗ trợ doanh nghiệp dưới hình thức các dịch vụ công, nhưng do số lượng ít, thời gian hoạt động ngắn, cho nên hầu hết đều chưa có hiệu quả rõ rệt đối với nền kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, các hoạt động hỗ trợ ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH và CN mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp không gian làm việc, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm để nghiên cứu và thử nghiệm sản phẩm.

Các vườn ươm chưa có những hỗ trợ sâu về tài chính; không tập trung vào việc kết nối đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp mà chỉ chú trọng vào công tác ươm tạo công nghệ. Các vườn ươm truyền thống thường không dựa vào các khoản đầu tư và dịch vụ hỗ trợ để đổi lấy cổ phần của doanh nghiệp.

Ngược lại, các vườn ươm thuộc khu vực tư nhân đi theo hướng kinh doanh, đầu tư tài chính, kết nối với nhà đầu tư để doanh nghiệp có thể gọi vốn qua nhiều vòng. Một số vườn ươm lấy cổ phần trong doanh nghiệp được hỗ trợ và thu lại được lợi nhuận khi doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thành công hoặc sáp nhập với công ty khác.

Nhiều chuyên gia về khởi nghiệp cho rằng, để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp từ lúc hình thành ý tưởng, tạo ra sản phẩm cho đến khi thành lập và phát triển thành công, các cấp có thẩm quyền cần ban hành những chính sách đầu tư về cơ sở hạ tầng và tài chính ban đầu.

Trong đó, đáng chú ý là việc bố trí nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên và cho các dự án của vườn ươm; quy định rõ ràng về mức độ được hưởng các nguồn kinh phí dựa vào mô hình, tính chất hoạt động để tránh trùng lặp với các hạng mục kinh phí khác; hỗ trợ theo cơ chế thị trường có cạnh tranh để lựa chọn được các cá nhân, tổ chức có tiềm năng với mục tiêu tăng trưởng đột phá và vươn lên tầm quốc tế.

Thực hiện tốt các nội dung nêu trên sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp khởi nghiệp thực hiện tốt vai trò liên kết các hoạt động nghiên cứu khoa học với sản xuất, kinh doanh, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nguồn Báo Nhân dân