Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Hoàn thiện thể chế là khâu đột phá, chiến lược đối với sự phát triển của đất nước
Thứ tư: 07:50 ngày 25/11/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 24.11, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Cùng dự còn có Phó Chủ tịch Quốc Hội Uông Chu Lưu, các Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hoà Bình, Phạm Bình Minh, Trịnh Đình Dũng.

Dự tại điểm cầu Tây Ninh có Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hùng và lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, trong giai đoạn 2016-2020, hệ thống pháp luật nước ta tiếp tục được hoàn thiện cả về số lượng và chất lượng. Giai đoạn này tập trung thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật, nhiều văn bản được sửa đổi, bổ sung một cách toàn diện để phù hợp với tình hình mới, nhất là để triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013.

Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh do Chính phủ đề xuất đã thể hiện rõ thứ tự ưu tiên đối với một số lĩnh vực trọng điểm có ý nghĩa then chốt để tập trung nguồn lực thực hiện. Trong giai đoạn này, Chính phủ đã trình Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua 112 luật, pháp lệnh, nghị định; Chính phủ ban hành 745 nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 232 quyết định.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị tại đầu cầu tại trụ sở Chính phủ, Hà Nội. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Công tác thi hành pháp luật đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm thực hiện và đạt được những thành quả bước đầu. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có nhiều đổi mới, tiến bộ hơn, bước đầu áp dụng khoa học công nghệ vào công tác truyền thông để đưa pháp luật đi vào cuộc sống nhanh hơn, hiệu quả hơn, tiết kiệm hơn.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng một quốc gia thành công hay không, khâu đầu tiên là thể chế pháp luật. Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020-2030 đưa ra quan điểm phát triển “lấy hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết thúc đẩy phát triển đất nước”, đồng thời tiếp tục xác định “hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” là một trong ba đột phá chiến lược.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu trong thời gian tới tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc việc thể chế hoá các chủ trương của Đảng, nhất là văn kiện Đại hội XIII của Đảng; thực thi nghiêm túc Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, giữ vững kỷ cương trong xây dựng pháp luật. Bộ Tư pháp phải tiếp tục phát huy vai trò là “người gác cửa” trong tham mưu xây dựng, hoàn thiện, thi hành pháp luật.

Các đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Tây Ninh.

Các bộ, ngành chủ động phối hợp Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp để tham mưu làm tốt công tác lập pháp, thi hành pháp luật trong nhiệm kỳ tới của Quốc hội, Chính phủ; các bộ, ngành chấm dứt tình trạng nợ đọng văn bản và lan toả tinh thần thượng tôn pháp luật trong toàn xã hội.

Đặc biệt phải phòng, chống tham nhũng, chống lợi ích nhóm trong xây dựng và thực thi pháp luật. “Chúng ta không chấp nhận văn bản pháp luật ban hành có nội dung không vì lợi ích của toàn xã hội mà vì lợi ích riêng của một bộ, một ngành nào đó” - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

 Đối với các kiến nghị, đề xuất tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp tổng hợp đầy đủ các ý kiến và sau hội nghị này Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành một Chỉ thị của về đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật trong tình hình mới.

PHƯƠNG THUÝ

Tin cùng chuyên mục