BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hoạt động của Đoàn ĐBQH Tây Ninh tại diễn đàn Quốc hội:
Những vấn đề xã hội bức xúc, cử tri quan tâm

Cập nhật ngày: 28/05/2009 - 08:48

ĐB. Nguyễn Đình Xuân

Trong hai ngày 26 - 27.5 Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội thời gian qua. Đoàn ĐBQH Tây Ninh có đại biểu Nguyễn Đình Xuân tham gia phát biểu, Báo Tây Ninh xin được lược trích lại:

“…Vừa rồi đợt suy thoái kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng một cách mạnh mẽ đến toàn bộ đời sống của nhân dân nước ta và mặc dù quá trình này đến tương đối muộn so với nước khác nhưng nhiều khả năng nó sẽ ở lại lâu hơn, đó là do độ trễ của khủng hoảng kinh tế từ các nước lan sang nước ta. Vừa rồi Chính phủ đã có những hành động hết sức kịp thời để giúp cho đất nước hạn chế được phần nào tác dụng xấu của đợt suy thoái này.

Chính phủ đang đề xuất là sẽ giảm thuế thu nhập cá nhân trong 6 tháng cuối năm (200.000 đ/người/tháng) cũng như sang năm tới cho một số đối tượng. Theo tôi, việc này cũng không thật cần thiết vì lý do đơn giản rằng trong thời buổi suy thoái kinh tế ai có mức thu nhập được đóng thuế thì đã là một niềm hạnh phúc rồi. Nhiều người thất nghiệp, thua lỗ có thu nhập đâu mà được đóng. Vì sau khi trừ gia cảnh thì thu nhập phải khoảng 10 triệu trở lên mới đóng, mà người có thu nhập từ 10 triệu trở lên được giảm 200 nghìn thì có ý nghĩa gì đâu. Nếu thu rồi điều tiết lại cho người nghèo 200 nghìn thì họ sẽ rất sung sướng và sẽ dùng số tiền đó để mua lương thực, thực phẩm thiết yếu, góp phần kích cầu cho địa phương, giúp những người nông dân xung quanh họ tiêu thụ nông sản hàng hoá của mình.

Vấn đề thứ hai, hiện nay vốn kích cầu hỗ trợ lãi suất 4% cho các tổ chức tín dụng thì các ngân hàng đều được hưởng, quỹ tín dụng Trung ương được hưởng, nhưng hợp tác xã tín dụng ở các địa phương thì không được hưởng, trong khi hợp tác xã tín dụng rất gần với người nông dân và cho vay những khoản nhỏ lẻ cho những người dân khó khăn nhất. Cho HTX tín dụng được hưởng vốn kích cầu này sẽ giúp nông dân nhanh chóng tiếp cận được với nguồn vốn của Chính phủ. Cử tri Tây Ninh cũng không đồng tình với việc tăng giá điện vừa qua, nhất là giờ cao điểm sáng, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, đi ngược lại chủ trương kích cầu.

Thứ ba là việc gia tăng nạn phá rừng. Trong thời gian gần đây, việc phá rừng không giảm mà còn gia tăng rất ác liệt. Hàng chục vụ kiểm lâm bị thương tích, bị hy sinh, bị chặt tay, trụ sở kiểm lâm bị bao vây, đốt phá, nhưng hành động đáp trả của chính quyền là không tương xứng làm cho dư luận bất bình, anh em kiểm lâm, bảo vệ rừng phần nào nản chí. Anh em kiểm lâm bảo vệ rừng xin báo cáo với Quốc hội, Chính phủ, chúng tôi không sợ lâm tặc, không sợ thú dữ, bệnh tật hay côn trùng, rắn, rết, chúng tôi chỉ mong các cấp chính quyền, những nhà quản lý quan tâm hơn đến rừng, đừng biến những công sức, mồ hôi của anh em trở thành vô nghĩa. Trong 2 năm qua, chính phủ và các tỉnh đã có những chủ trương phá hàng chục nghìn ha rừng để chuyển sang mục đích khác. Tây Nguyên muốn trồng 100.000 ha cao su theo kế hoạch thì phải phá 60.000 ha rừng được gọi là rừng nghèo, nhưng thật ra rất quý giá về đa dạng sinh học. Riêng tỉnh Đăk Lăk, 22.000 ha rừng sẽ bị phá trong đó có 7.800 ha là rừng khộp vốn là loại rừng thích nghi cao với điều kiện tự nhiên, là địa bàn kiếm ăn của loại thú lớn như voi, như hổ hay những cánh chim đại bàng. Những loại chim thú đấy không ở trong rừng rậm, nó phải có những khoảng trống để săn mồi và đó là hệ sinh thái tự nhiên đặc thù của Tây Nguyên và có tác dụng phòng hộ rất to lớn.

Bây giờ chúng ta nói cây cao su cũng có tác dụng phòng hộ. Xin thưa, nói thế thì không sai, cũng giống như xe đạp, xe thồ, xe ba gác cũng có tác dụng vận chuyển hàng hoá như xe buýt hay xe tải. Nhưng xe đạp không thể thay thế được xe buýt, xe tải. Cao su không thể thay thế được rừng tự nhiên. Rừng tự nhiên nó ít nhất là 3 tầng cây và 1 lớp thực bì rất lớn, lá rụng lâu năm nên giữ lại lượng nước rất lớn. Trồng cao su chúng ta phải cày xới hằng năm để chống cháy, phải bón rất nhiều các loại phân, thuốc chống nấm mà dư lượng của nó sẽ chảy về xuôi. Sẽ đặc biệt là sai lầm về pháp luật và khoa học nếu chặt rừng tự nhiên để trồng cao su, dù rằng rừng tự nhiên nghèo thì nó vẫn còn sự đa dạng sinh học, nó là nơi kiếm sống của đồng bào xung quanh nữa, rừng đó còn thu hoạch được rất nhiều thứ, còn rừng cao su bà con không lấy được gì ra cả.

Về mặt thẩm quyền thì theo Nghị quyết 66 của Quốc hội thì chỉ cần chuyển đổi 200 ha rừng phòng hộ sang mục đích khác đã là công trình quan trọng quốc gia. Thế mà bây giờ chúng ta chuyển đổi mấy chục nghìn trong đó có cả rừng đặc dụng, có cả rừng phòng hộ mà không xin ý kiến Quốc hội thì về mặt thủ tục pháp lý là không đúng. Không phải tôi vận dụng nghị quyết một cách máy móc mà thực sự rừng Tây Nguyên là rất quan trọng, là thượng nguồn của tất cả các con sông từ miền Trung vào đến Đông Nam bộ, nuôi sống hàng triệu ha đất nông nghiệp, hàng chục triệu người và các khu công nghiệp của vùng kinh tế Đông Nam bộ, chưa kể 16 nhà máy thuỷ điện đã và đang xây dựng, chiếm 30% sản lượng điện của cả nước.

Mong Quốc hội quan tâm những việc này”.

NGUYỄN ĐÌNH XUÂN