BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hoạt động đoàn ĐBQH Tây Ninh tại diễn đàn Quốc hội: Đại diện sở hữu công nghiệp phải có đủ tư cách pháp lý

Cập nhật ngày: 02/06/2009 - 07:03

Hôm qua, 1.6.2009 Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Đoàn ĐBQH Tây Ninh có đại biểu ĐẶNG VŨ MINH tham gia phát biểu, lược trích như sau (đầu đề do toà soạn đặt):

“… Về cơ bản tôi đồng ý với Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật, tôi xin đóng góp thêm 2 ý kiến:

Thứ nhất, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định bảo hộ chương trình máy tính như tác phẩm viết, cụ thể là tác giả của chương trình máy tính là cá nhân trực tiếp tham gia xây dựng chương trình. Các tác giả có tất cả các quyền như tác giả của một tác phẩm văn học nghệ thuật như là: quyền đặt tên, quyền đứng tên, quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm… Trong thực tế theo quy định của quyền đứng tên danh sách tác giả của một số phần mềm có thể lên tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người, rõ ràng không thể ghi hết tên của tất cả các tác giả vào giấy chứng nhận bản quyền.

Đó là chưa kể việc theo quy định về quyền nhân thân tác giả, nếu công ty chủ sở hữu phần mềm muốn sửa đổi phải được sự đồng ý của tất cả các tác giả. Điều đó có nghĩa là chỉ cần một trong số hàng trăm, thậm chí hàng ngàn đồng tác giả không đồng ý là dự án nâng cấp phần mềm không thể thực hiện được. Vì vậy, tại điều về quyền tác giả đối với chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu, tôi đề nghị bổ sung quy định: giao Chính phủ quy định chi tiết việc bảo vệ quyền tác giả đối với chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu cho phù hợp với đặc thù của quyền tác giả đối với phần mềm máy tính.

Thứ hai, tôi xin đóng góp ý kiến ở Điều 154 về điều kiện kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp. Qua Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật, tôi thấy Điều 154 vẫn còn những ý kiến khác nhau, có nên quy định các tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp phải là doanh nghiệp, tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ có tư cách pháp lý độc lập được thành lập và hoạt động hợp pháp theo pháp luật của Việt Nam hay không? Thực tế trong những năm qua cho thấy tài sản trí tuệ là một loại tài sản vô hình, nhưng có thể đem lại những lợi ích vật chất vô cùng to lớn, trị giá từ vài chục nghìn đô la cho đến hàng triệu, thậm chí hàng trăm triệu đô la. Nếu cho phép các chi nhánh, Văn phòng đại diện là những tổ chức không đủ tư cách pháp lý, độc lập đứng ra làm đại diện để quyết định những khoản tài sản lớn như vậy của các doanh nghiệp, nếu xảy ra sai sót, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp thì các chi nhánh, Văn phòng đại diện không đủ khả năng pháp lý để giải quyết.

Thêm vào đó qua tìm hiểu kinh nghiệm của các nước có truyền thống trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, hằng năm phải giải quyết gần 1 triệu đơn xin cấp bằng sáng chế thì ở những nước đó pháp luật cũng không cho phép các chi nhánh, Văn phòng đại diện trực tiếp nộp đơn cho cơ quan quản lý sở hữu trí tuệ quốc gia. Ở nước ta việc quản lý sở hữu trí tuệ còn mới mẻ, chắc chắn cần chú ý tiếp thu kinh nghiệm của những nước khác.

Vì những lý do nói trên, tôi tán thành đề nghị của Chính phủ bổ sung vào Điều 154 của Luật Sở hữu trí tuệ, cụ thể là: Tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp phải là doanh nghiệp, tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức dịch vụ khoa học, công nghệ có tư cách pháp lý độc lập được thành lập và hoạt động hợp pháp theo pháp luật của Việt Nam.

Thanh Nhàn

(luợc ghi)