BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hoạt động đoàn ĐBQH Tây Ninh tại kỳ họp Quốc hội:

Cập nhật ngày: 26/05/2012 - 05:19

Phát biểu tại buổi thảo luận ở tổ, ngày 24.5.2012, về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2011; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2012, đại biểu Lê Minh Trọng - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh đánh giá cao về quá trình phấn đấu điều hành phát triển kinh tế xã hội trong những năm qua của Chính phủ; tuy nhiên, đại biểu Lê Minh Trọng nhận định trong những năm qua tình trạng lạm phát rất cao. Một vấn đề nữa mà ta thấy là vấn đề nông dân hoạt động sản suất phụ thuộc vào may rủi và bị chi phối bởi yếu tố về giá. Gần như đời sống người dân hoàn toàn phụ thuộc vào yếu tố giá, trong khi công tác dự báo giá chưa chính xác, còn thiếu sót, dẫn đến sự phát triển nền kinh tế nước ta chưa tốt, nhất là thiếu sự hội nhập quốc tế.

Đại biểu Lê Minh Trọng - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh

Đại biểu Lê Minh Trọng cũng cho rằng, khi Nhà nước ta ra chủ trương cho là đúng thì khi đi vào vận hành lại gặp phải nhiều khó khăn vướng mắt, chẳng hạn như là Nghị quyết 11 mà Chính phủ đã ban hành. Ông nói: “Có phải chăng chúng ta quá máy móc, luôn luôn phải chịu sự kiềm chế của các vấn đề về thủ tục, kiểm toán…? Thiết nghĩ chúng ta không nên quá máy móc mà cần phải linh hoạt hơn trong quá trình thực hiện. Giải pháp tốt nhất hiện nay là chúng ta cần phải tái cơ cấu lại bộ máy Nhà nước, có cách thay đổi mới nhằm điều hành củng cố phát triển nền kinh tế nước nhà. Hiện nay cơ cấu kinh tế tăng trưởng thấp, dưới 6%, nếu không kiềm được sẽ giảm nữa, dẫn đến các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp Nhà nước ngày càng thua lỗ, sẽ làm mất lòng tin trong nhân dân. Do vậy chúng ta phải làm sao để tăng cường tạo sự đồng thuận trong nhân dân”.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội (ĐBQH đơn vị Tây Ninh) cũng cho rằng cần phải kiên định với mục tiêu kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, ông cho rằng kiểm soát lạm phát là vấn đề đáng quan tâm hơn là kiềm chế lạm phát. Theo đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến, trong điều hành kinh tế cần có phương pháp uyển chuyển hơn, ở nước ta đến thời điểm này mà dừng lại (việc kiềm chế lạm phát - NV) thì không đảm bảo được an sinh xã hội. Vì vậy mục tiêu ưu tiên hàng đầu hiện nay là kiềm chế lạm phát nên thay bằng kiểm soát lạm phát. Chính phủ cần có cách tiếp cận mới trong hoạch định chiến lược, tính kỷ cương trong điều hành kinh tế xã hội.Về việc “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến cho rằng “tuy có hô hào khẩu hiệu nhưng các biện pháp đi kèm thì không thực sự hiệu quả”.

Về xuất nhập khẩu, đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) nhận xét, tỷ lệ nhập siêu 10,6% là vấn đề cần xem lại, nó trái ngược với sự phát triển trong nước mặc dù là “theo chỉ tiêu đề ra”. Việc nhập siêu ở mức cao cho thấy nền kinh tế của nước ta nguy cơ lạm phát vẫn chưa có dấu hiệu giảm.Tỷ lệ ô nhiễm môi trường cũng là vấn đề đại biểu Trịnh Ngọc Phương băn khoăn. Thực tế hiện nay, khi tiếp xúc cử tri người dân phản ứng rất mạnh.Trong báo cáo chưa đưa ra được các chỉ tiêu (về môi trường) chưa đạt, cũng như cách xử lý và hướng khắc phục cụ thể các chỉ tiêu chưa đạt, trong khi mặt hạn chế yếu kém thì chỉ nói chung chung.

Đại biểu Trịnh Ngọc Phương còn đặt vấn đề giải quyết nguồn lao động ở các doanh nghiệp như thế nào, khi mà hàng loạt doanh nghiệp giải thể, đóng cửa?... Đây là vấn đề phải lưu ý có liên quan với chỉ tiêu giảm hộ nghèo, thậm chí con số báo cáo của Quốc hội cũng khác với số báo cáo của Chính phủ.

DUY QUANG (Lược ghi)