BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hoạt động đoàn ĐBQH Tây Ninh tại kỳ họp Quốc hội: Các đại biểu đóng góp về việc xây dựng pháp luật

Cập nhật ngày: 31/05/2012 - 05:35

(BTNO)- Thực hiện chương trình kỳ họp thứ 3, các Đoàn ĐBQH đã có buổi thảo luận ở Tổ về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.

 ĐBQH Nguyễn Thành Tâm phát biểu ý kiến

Đoàn ĐBQH Tây Ninh có một số ý kiến đề nghị như sau:  

Về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, ĐB Nguyễn Thành Tâm – Đoàn Tây Ninh đồng tình với việc đánh giá của UBTVQH là Quốc hội hoạt động ngày càng dân chủ và hiệu quả hơn; hệ thống pháp luật Việt Nam đã từng bước được bổ sung, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và quản lý mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội…Tuy nhiên, ĐB Tâm đề nghị Quốc hội cần xem xét thêm một số nội dung cụ thể như sau:

Về xây dựng pháp luật chưa được đổi mới theo đúng nghĩa mà mới chỉ có một bước cải tiến nhất định, bởi vì quy trình làm luật tuy đã hình thành nhưng còn chưa đồng bộ; việc thực hiện chưa nghiêm. Một số báo cáo đánh giá tác động của việc ban hành luật, pháp lệnh còn đơn giản; tình trạng dự án chậm tiến độ, chất lượng chưa đạt còn nhiều. Việc thảo luận, xem xét dự án còn một số khâu trùng lặp; trong không ít trường hợp chưa có sự tranh luận, đối thoại đầy đủ. Kế hoạch làm luật năm này qua năm khác không hoàn thành...

Về hoạt động giám sát, một số quy định về hoạt động giám sát còn thiếu cụ thể hoặc chưa phù hợp, nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn kịp thời. Ví dụ như Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội hàng năm có chương trình giám sát ở nhiều lĩnh vực khác nhau và yêu cầu các Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương tiến hành giám sát tại địa phương có báo cáo cho Ủy ban, vấn đề này ở địa phương gặp khó khăn do hầu hết các đại biểu hoạt động kiêm nhiệm và các điều kiện bảo đảm cho hoạt động giám sát còn nhiều bất cập, hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu nên chất lượng giám sát không cao.

Về đại biểu Quốc hội, điều kiện hoạt động của đại biểu chuyên trách còn nhiều khó khăn, thời gian dành cho việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu của các đại biểu kiêm nhiệm còn ít. Việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội hiệu quả chưa cao. Mặc khác, dự thảo quy định đại biểu Quốc hội ngoài việc tham gia hoạt động của Ủy ban mà mình là thành viên còn có thể tham gia hoạt động ở các ủy ban khác. ĐB Tâm đề nghị Quốc hội nên xem xét vấn đề này vì khó khả thi trong thực tế. Đồng thời, ĐB Tâm cũng đề nghị Quốc hội xem xét thêm về tính pháp lý của hội nghị trực tuyến với sự tham gia của tất cả các đại biểu Quốc hội hoặc hội nghị trực tuyến các đại biểu Quốc hội chuyên trách; tổ chức các hội nghị tư vấn để xin ý kiến, phát huy vai trò của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý, đặc biệt là các đại biểu Quốc hội chuyên trách.

 Về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, ĐB Hoàng Tuấn Anh (Tây Ninh) đồng tình việc đổi mới hoạt động của Quốc hội theo hướng là Quốc hội điện tử, như Chính phủ điện tử. Quốc hội nên tăng cường các cuộc hội nghị trực tuyến và trong nhiệm kỳ tới Quốc hội nên tăng số lượng đại biểu chuyên trách họat động ở các ủy ban Quốc hội cũng như ở các Đoàn đại biểu Quốc hội; đề nghị Quốc hội xem xét lại quy định “Tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Kết quả bỏ phiếu được công bố công khai. Giao Ủy ban thường vụ Quốc hội xây dựng Quy chế quy định cụ thể đối tượng, quy trình, thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm và việc xử lý kết quả bỏ phiếu tín nhiệm trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 4 (cuối năm 2012)”. Bởi vì quy định trên khó có tính khả thi trong thực tế, ĐB đề nghị chỉ bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người có vấn đề được dư luận phản ánh, nhưng phải có Quy chế quy định cụ thể đối tượng, quy trình, thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm và việc xử lý kết quả bỏ phiếu tín nhiệm.

Về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, ĐB Hoàng Tuấn Anh đồng tình rút “Luật thư viện” ra khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 để cơ quan soạn thảo có thời gian hoàn chỉnh thêm; thống nhất bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng”.

Quang - Chi