Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Để đạt được quỹ đất đô thị như thế, việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp vẫn là xu thế tiếp tục xảy ra.
ĐBQH Trịnh Ngọc Phương |
(BTN) - Tại kỳ họp thứ 4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 563/NQ-UBTVQH13 giao Chính phủ tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Sau 2 tháng tổ chức lấy ý kiến nhân dân (từ ngày 1.2.2013 đến ngày 31.3.2013), đã có 6.958.848 lượt ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, các tổ chức và cá nhân. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến nhân dân, ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lại được tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến nhân dân có 14 chương, 210 điều (tăng thêm 4 điều so với dự thảo trước khi lấy ý kiến).
Tham gia thảo luận dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), vào sáng ngày 17.6, đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) nhận định: Về công tác quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, hiện nay nội hàm các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn kém, quy hoạch phát triển quá rộng, quá chung chung, khó thực hiện trong khi quy hoạch cụ thể lại quá chi tiết và cứng nhắc, thiếu tính đồng bộ khi triển khai thực tế. Việc tổ chức thực hiện thiếu ổn định do vậy không thu hút được các nhà đầu tư.
Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là một công cụ quản lý quan trọng để đảm bảo cho phát triển bền vững, nhưng thực tế công tác này thời gian qua mang tính hình thức, chậm chạp và lạc hậu đáng kể so với tình hình sử dụng đất. Bên cạnh đó là tình hình buông lỏng quản lý, nôn nóng, chạy theo lợi ích kinh tế ở nhiều địa phương, tự phát chuyển mục đích sử dụng đất, tạo ra sự rối loạn trong sử dụng đất để lại tác động xấu đến môi trường. Điển hình là trong định hướng về mặt tổng thể phát triển đô thị Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1998 có dự báo đến năm 2010 diện tích đất đô thị khoảng 243.000 ha chiếm 1,4% diện tích cả nước. Nhưng thực tế chỉ đến năm 2005 diện tích đô thị cả nước đã lên đến 325.000 ha vượt 1,8 lần so với dự báo năm 2010.
Để đạt được quỹ đất đô thị như thế, việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp vẫn là xu thế tiếp tục xảy ra. Đối với các đô thị lớn thì xu thế chuyển hoá đất nông nghiệp ven đô, ngoại thành càng thấy rõ hơn. Qua đó, cho thấy chưa có sự tương tác giữa quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch xây dựng đô thị.
Từ thực trạng trên, đại biểu Trịnh Ngọc Phương kiến nghị dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này nên áp dụng quy hoạch vùng vào trong quy hoạch kế hoạch sử đụng đất, để công tác quy hoạch sử dụng đất đảm bảo tốt tính khả thi của nó cũng như hướng tới phát triển bền vững. Vì thế quy hoạch vùng là một trong những công cụ quan trọng nhất cho liên kết giữa các địa phương trong quá trình sử dụng phát triển quỹ đất nhằm đảm bảo tính thống nhất và sự phối hợp cho phát triển của từng vùng. Bên cạnh đó, đại biểu Phương cho rằng trong dự thảo Luật không nhất thiết phải có riêng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho quốc phòng và an ninh, vì hai lĩnh vực này đã được kết hợp trong các quy hoạch vùng. Một sản phẩm quy hoạch duy nhất, bao gồm cả quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng chi tiết, sẽ giải quyết được những bất cập còn vướng mắc là nên lựa chọn loại quy hoạch nào làm căn cứ giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, đồng thời hạn chế những khiếu nại của dân.
Về công tác thu hồi đất khi có vi phạm pháp luật về đất đai, cụ thể là sử dụng đất không đúng mục đích, đại biểu Trịnh Ngọc Phương cho rằng, nội dung này cần được cụ thể hoá chi tiết hơn. Ví dụ như người sử dụng đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là đất nông nghiệp trồng lúa, trồng cây hằng năm nhưng lại chuyển sang trồng cây lâu năm, như vậy thì có bị thu hồi đất không? Ngoài ra các quy định về chế tài đối với các đối tượng sử dụng đất không đúng mục đích cũng chưa rõ ràng, trên thực tế có nhiều diện tích đất sử dụng không đúng mục đích, hoặc sử dụng không liên tục theo thời gian quy định diễn ra thường xuyên nhưng không thể thu hồi. Theo đó, đại biểu đề nghị Quốc hội cân nhắc, việc giao đất có thu tiền sử dụng thu đất và xem xét đến các đối tượng để có chính sách không thu tiền sử dụng đất theo tình hình cụ thể, từng giai đoạn, thích hợp với điều kiện phát triển kinh tế của địa phương.
MINH QUANG
(lược ghi)
(*) Tựa đề do Toà soạn đặt