BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hoạt động đoàn ĐBQH Tây Ninh tại kỳ họp Quốc hội: Góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992

Cập nhật ngày: 04/06/2013 - 09:59
HTML clipboard

ĐBQH Trịnh Ngọc phương phát biểu tại kỳ họp Quốc hội

(BTN) - Trong hai ngày 3 và 4.6.2013, kỳ họp Quốc hội đã đưa ra thảo luận tại hội trường về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (gọi tắt là Dự thảo). Đây là vấn đề nhân dân cả nước hết sức quan tâm. ĐBQH Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) đã có ý kiến đóng góp về vấn đề rất quan trọng này.

Đại biểu Trịnh Ngọc Phương khẳng định, Dự thảo là một sản phẩm thể hiện sự tiến bộ về kỹ năng lập pháp. Nội dung trong Lời nói đầu và chương về chế độ chính trị đã tiếp tục khẳng định bản chất và mô hình tổng thể của hệ thống chính trị và bộ máy Nhà nước đã được xác định trong Cương lĩnh và Hiến pháp năm 1992.

Đại biểu Phương cho rằng, dự thảo Lời nói đầu được sửa đổi theo hướng khái quát, cô đọng và súc tích hơn về truyền thống, lịch sử đất nước, dân tộc, lịch sử lập hiến của nước ta; nhiệm vụ cách mạng giai đoạn mới, mục tiêu xây dựng đất nước và thể hiện mạnh mẽ hơn ý nguyện của nhân dân ta trong việc ban hành và sửa đổi Hiến pháp. Tuy nhiên, Lời nói đầu của Hiến pháp nên viết gọn lại, nội dung chỉ nên đề cập Hiến pháp là gì? Vị trí, vai trò và sứ mạng lịch sử của Hiến pháp. Giọng văn của lời nói đầu nên theo giọng văn các bản tuyên ngôn để Hiến pháp thể hiện tính thiêng liêng.

Về vấn đề đổi tên nước, đại biểu Phương tán thành khẳng định giữ nguyên tên nước vì tên nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được Quốc hội thống nhất. Sau giải phóng miền Nam, Quốc hội khoá VI đã quyết định đổi tên nước là Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam để thể hiện chủ trương thống nhất về mặt nhà nước và chủ trương đi lên chủ nghĩa xã hội của Đảng và Nhà nước ta.

Dự thảo quy định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, đó là khẳng định đúng đắn. Hiến pháp quy định rất rõ quyền và nghĩa vụ của nhân dân, của các cơ quan Nhà nước, trong khi đó quyền và nghĩa vụ của lực lượng lãnh đạo cả nhân dân và Nhà nước là Đảng Cộng sản Việt Nam lại được quy định chưa rõ nét.

Trong nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân thì nhân dân là chủ thể quyền lực. Vai trò Đảng lãnh đạo Nhà nước về bản chất là do nhân dân uỷ thác cho Đảng. Sự uỷ thác đó có thể được ghi nhận trong Hiến pháp và được ghi nhận trong Điều lệ Đảng “Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.

Điều 4 cũng ghi rõ Đảng “chịu sự giám sát của nhân dân” nhưng cơ chế nào để nhân dân giám sát thì chưa cụ thể. Để nhân dân có thể giám sát thực sự thì cần quy định “Đảng hoạt động trong khuôn khổ Luật định”. Thực tế trong hoạt động mấy năm qua của ban lãnh đạo Đảng, của các cơ quan Nhà nước và trong thực hành mối quan hệ giữa các chủ thể đó đã phát sinh không ít tình huống phải xử lý theo “lệ”, thiếu căn cứ luật pháp xác đáng.

Trong phát biểu góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đại biểu Trịnh Ngọc Phương còn đề cập đến nhiều vấn đề về tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước, về cơ quan bảo hiến.

KIM HẠNH - DN

(Lược ghi)