Đọc báo in
Tải ứng dụng
Hoạt động đoàn ĐBQH Tây Ninh tại kỳ họp Quốc hội: Luật hoá việc tiếp dân, cần hết sức cẩn trọng (*)
2013-06-03 10:29:00

ĐBQH Lê Minh Trọng, Nguyễn Thành Tâm còn băn khoăn cho rằng các quy định trong dự thảo Luật Tiếp công dân chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới một cách toàn diện về tổ chức, hoạt động tiếp công dân.

HTML clipboard

ĐBQH Lê Minh Trọng phát biểu góp ý dự thảo Luật Tiếp công dân

(BTN) - Thảo luận về dự thảo Luật Tiếp công dân vào chiều ngày 31.5 tại kỳ họp Quốc hội, các vị ĐBQH Lê Minh Trọng, Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) còn băn khoăn cho rằng các quy định trong dự thảo Luật Tiếp công dân chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới một cách toàn diện về tổ chức, hoạt động tiếp công dân, khó có thể khắc phục được những hạn chế, bất cập hiện nay. Các đại biểu đề nghị dự thảo Luật này cần phải được làm rõ giữa việc tiếp công dân thường xuyên, gắn với chức năng nhiệm vụ của các cơ quan Nhà nước trong việc tiếp công dân định kỳ để giải quyết những vấn đề bức xúc của người dân.

 Đại biểu Nguyễn Thành Tâm nhận xét phạm vi đối tượng áp dụng như trong dự thảo Luật là quá rộng và dàn trải, trong khi tính chất của hoạt động tiếp công dân của từng loại cơ quan, tổ chức, đơn vị lại có những đặc thù nhất định; yêu cầu, nhu cầu tiếp công dân cũng khác nhau. Vì vậy, đề nghị Luật này chỉ giới hạn quy định về việc tiếp công dân của các cơ quan Nhà nước, thậm chí là chỉ quy định đối với các cơ quan hành chính Nhà nước nhằm trực tiếp điều chỉnh mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân, gắn với quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Đại biểu Lê Minh Trọng cho rằng, khái niệm “tiếp công dân” quy định tại Điều 3 của dự thảo Luật chỉ xác định tiếp công dân là việc đón tiếp, lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, tổ chức, đơn vị, là chưa phản ánh đầy đủ nội hàm của hoạt động tiếp công dân. Bởi vì hoạt động tiếp công dân là một hoạt động giao tiếp đặc thù. Bên cạnh việc cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền gặp gỡ, tiếp xúc với người dân nhằm lắng nghe, tiếp thu các kiến nghị, phản ánh, tiếp nhận các khiếu nại, tố cáo của người dân để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, thì còn có nhiều trường hợp người dân tìm đến các cơ quan Nhà nước để tìm kiếm thông tin, yêu cầu làm rõ một số vấn đề mà họ quan tâm... Người đến các trụ sở tiếp công dân, các cơ quan, tổ chức để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cũng không chỉ giới hạn ở các cá nhân công dân Việt Nam mà còn bao gồm cả các cơ quan, tổ chức và thậm chí cả cá nhân, tổ chức nước ngoài. Việc sử dụng từ “công dân” ở đây chưa phản ánh đầy đủ phạm vi đối tượng của hoạt động này. Do đó, đại biểu Trọng đề nghị thay thế cụm từ “tiếp công dân” trong Luật này bằng cụm từ “tiếp dân” để mang tính khái quát cao hơn, và đổi tên Luật này thành “Luật Tiếp dân” hoặc “Luật về hoạt động tiếp dân”.

Về Điều 5 của dự thảo Luật (quy định “Mục đích của công tác tiếp công dân: 1.-Tiếp nhận và xử lý kịp thời khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; giúp các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền có thông tin phản hồi về những vấn đề liên quan đến chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật và công tác quản lý nhà nước để nghiên cứu, tiếp thu, xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật. 2.-Hướng dẫn công dân thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định của pháp luật; tuyên truyền, giải thích để công dân thực hiện đúng chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật.3.-Củng cố và tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước”), đại biểu Trọng cho rằng nội dung quy định này là không cần thiết, đề nghị bỏ điều này, vì nó không mang tính quy phạm.

 Về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc tiếp công dân (Chương II) hiện đang được quy định phân tán trong nhiều văn bản khác nhau. Trong khi các quy định trong dự thảo Luật chưa đầy đủ, chưa xác định rõ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào có trách nhiệm tiếp công dân và chưa phân định cụ thể đây là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức hay của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức đó. Do vậy, đại biểu Trọng đề nghị cần nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể những ai có thẩm quyền, trách nhiệm tiếp công dân, phân biệt rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong công tác tiếp công dân ngay trong dự thảo Luật này.

Về trách nhiệm tiếp và xử lý trường hợp nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung, đại biểu Lê Minh Trọng cho rằng đây là nội dung phức tạp và rất cần có cơ chế để xử lý có hiệu quả. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa tập trung vào trình tự, thủ tục tiếp nhận cụ thể; chưa  làm rõ việc xử lý các trường hợp nhiều người cùng đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về cùng một nội dung ở cùng một địa bàn; các trường hợp tập trung đông người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh một lúc (về các việc khác nhau) hoặc chỉ có một hoặc một số người khiếu nại nhưng lại có nhiều người khác không có quyền khiếu nại cùng đi theo hợp thành đoàn đông người... Vì vậy, đại biểu Trọng đề nghị Luật cũng cần có các quy định để xử lý đối với các trường hợp này, nhất là các quy định liên quan đến trách nhiệm phối hợp, bảo đảm trật tự an xã hội. 

MINH QUANG

(Lược ghi)

——————

(*)Tựa đề do Toà soạn đặt

 

 

Từ khóa:
Tin liên quan