ĐBQH Nguyễn Thành Tâm đề nghị xem xét trách nhiệm của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong thực hiện nhiệm vụ giám sát khi để xảy ra tồn tại của việc sử dụng trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2006 - 2012.
|
ĐBQH giám sát việc sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ (ảnh minh hoạ) |
(BTN) – Ngày 7.6, ĐBQH Nguyễn Thành Tâm, Phó Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh đã “làm nóng” hội trường phiên họp Quốc hội (được truyền hình trực tiếp) khi ông đề nghị xem xét trách nhiệm của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong thực hiện nhiệm vụ giám sát khi để xảy ra tồn tại của việc sử dụng trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2006 - 2012.
Sau khi nghe Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển trình bày báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản, giai đoạn 2006 - 2012, đại biểu Nguyễn Thành Tâm cho rằng “báo cáo chưa phân tích, đánh giá đầy đủ, rõ ràng về nguồn gốc phần trách nhiệm của Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội”. Đại biểu Tâm nói về vấn đề này như sau:
Thứ nhất, chủ trương về phát hành trái phiếu Chính phủ khởi đầu từ năm 2003, theo Nghị quyết số 414/2003/UBTVQH11 nhằm mục tiêu đầu tư cho một số công trình thuỷ lợi, giao thông quan trọng, cấp bách với định hướng ưu tiên đầu tư các công trình ở vùng miền núi, vùng nông thôn khó khăn, dự kiến thực hiện cho giai đoạn 2003 - 2010. Khi ban hành chủ trương này, Nghị quyết đã có dự báo các tác động tiêu cực về cân đối thu, chi NSNN, ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia, đồng thời đề ra các yêu cầu trong tổ chức thực hiện về xác định thứ tự ưu tiên đầu tư, không dàn trải, không kéo dài thời gian thực hiện, đảm bảo chất lượng công trình để sử dụng có hiệu quả cao nhất vốn trái phiếu Chính phủ. Tuy nhiên qua quá trình triển khai thực hiện, những rủi ro được dự liệu trong Nghị quyết 414 đã trở thành hiện thực.
|
ĐBQH Nguyễn Thành Tâm |
Đại biểu Tâm phân tích: Từ năm 2008, khi thẩm tra phương án phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội khoá XII đã có Báo cáo số 185/UBTCNS12 ngày 25.2.2008 đánh giá tình hình sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn từ 2003 - 2007, trong đó đã chỉ ra các tồn tại, hạn chế, thậm chí là sai sót về đảm bảo mục tiêu đầu tư, danh mục công trình, dự án; tiến độ thực hiện; chất lượng, hiệu quả của dự án, đồng thời đã kiến nghị các biện pháp khắc phục. Như vậy, có thể nói Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã được cảnh báo từ sớm về diễn biến xấu của tình hình nhưng đã chưa cân nhắc, đánh giá thận trọng để có biện pháp ngăn chặn kịp thời mà vẫn tiếp tục đồng ý với Chính phủ trình ra Quốc hội các chủ trương tăng quy mô, mở rộng phạm vi sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ. Ông Tâm cho rằng: ở đây có vấn đề trong việc thông tin, phân tích, đánh giá và sự cân nhắc về tất cả các khía cạnh của một chủ trương, nhất là về mặt rủi ro và tác động tiêu cực của chính sách để đi đến thống nhất nhận thức trước khi đưa ra quyết định. Hậu quả là, mục tiêu ban đầu của nguồn vốn trái phiếu Chính phủ vốn chỉ để giải quyết khó khăn bức bách cho một số ít vùng, miền, lĩnh vực đã trở thành công cụ điều tiết kinh tế, là nguồn bù đắp thiếu hụt ngân sách để chi đầu tư dẫn đến dàn trải, mất khả năng cân đối nguồn lực, lãng phí do không có khả năng tiếp tục đầu tư và góp phần vào gây bất ổn kinh tế vĩ mô thời gian qua.
Thứ hai, về trách nhiệm của Quốc hội trong giám sát thực hiện chủ trương do mình ban hành, Đại biểu Nguyễn Thành Tâm nhận xét: Trái phiếu Chính phủ là một nguồn vốn có quy mô ngày càng lớn và có vai trò ngày càng quan trọng trong cân đối thu – chi, nhưng lại để ngoài cân đối ngân sách Nhà nước và lại được quản lý chỉ bằng các nghị quyết, quyết định của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ vốn được ban hành và thay đổi, điều chỉnh dễ dàng hơn các quy định của Luật Ngân sách nhà nước… Trong khi đó, cơ chế phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ lại thiếu minh bạch khi không có tiêu chí phân bổ, sắp xếp thứ tự ưu tiên cụ thể, dẫn đến tình trạng “xin – cho” diễn ra phổ biến, quyền năng thật sự thuộc về các cơ quan đầu mối quản nguồn vốn ở Chính phủ nhưng không có biện pháp kiểm soát chặt chẽ. Về phía các địa phương, đơn vị thụ hưởng đã tranh thủ đi xin dự án vì chẳng có ràng buộc trách nhiệm rõ ràng trong việc đảm bảo thực hiện, trong khi chất lượng tổ chức triển khai và quản lý đầu tư hạn chế, có nơi buông lỏng, thậm chí bỏ qua sai phạm. Thế nhưng, những hạn chế, yếu kém đó đã không được xử lý mà còn được dung túng bằng các chủ trương cho tăng tổng mức đầu tư, tăng danh mục dự án của Quốc hội.
Hệ quả là, việc phân bổ sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ không tránh khỏi đã bị lợi ích cục bộ, địa phương, lợi ích nhóm chi phối làm cho lệch lạc so với mục tiêu ban đầu, tính công bằng không được đảm bảo; thậm chí đó còn là mảnh đất màu mỡ cho tiêu cực phát sinh. Thuật ngữ “chạy dự án” đã trở thành quen thuộc trong dư luận. Tuy vậy, một thời gian dài Quốc hội không có một cuộc giám sát nào về nội dung này… Cách thức quản lý tiền bạc của Quốc hội như vậy, có khác nào “đười ươi giữ ống” (?!).
Kết luận bài phát biểu thẳng thắn của mình, ĐBQH Nguyễn Thành Tâm nói: “Tôi nghĩ rằng Quốc hội thông qua giám sát lần này, nhận rõ được hạn chế, thiếu sót và thấy được trách nhiệm của mình trong việc quyết định thông qua các chủ trương và giám sát thực hiện chủ trương để không lặp lại sai sót như vừa qua. Do vậy, tôi đề nghị: Một là, báo cáo giám sát nên bổ sung thêm phần phân tích sâu hơn những tồn tại, hạn chế trong thực hiện chức trách nhiệm vụ của Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để làm rõ nguyên nhân, biện pháp khắc phục giống như phần đánh giá đối với Chính phủ, bộ, ngành, địa phương. Hai là, Quốc hội xem xét đưa nguồn vốn trái phiếu Chính phủ vào trong cân đối ngân sách Nhà nước để việc quản lý, sử dụng được chặt chẽ, có cơ sở pháp lý vững chắc. Ngoài ra, tôi cũng tán thành việc chưa phát hành thêm vốn trái phiếu Chính phủ đến hết năm 2014, để chờ kết quả tổng kết lại toàn bộ chương trình làm cơ sở cho Quốc hội quyết định; đồng thời Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc rà soát, thanh kiểm tra các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ cả về tài chính và trách nhiệm các bên liên quan để xử lý kiên quyết sai phạm, nhằm khắc phục hậu quả và khôi phục niềm tin của người dân”.
PHÚC HƯNG
(Lược ghi)