BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hoạt động đoàn ĐBQH Tây Ninh tại kỳ họp Quốc hội: Rất nhiều văn bản dưới luật, nhưng chưa có Luật Việc làm (*)

Cập nhật ngày: 09/06/2013 - 09:39
HTML clipboard

ĐBQH Nguyễn Hoài Phương  phát biểu thảo luận Dự thảo Luật Việc làm

(BTN) - Phát biểu thảo luận về dự thảo Luật Việc làm hôm 8.6, ĐBQH Nguyễn Hoài Phương (Tây Ninh) phân tích: Việc làm là mối quan tâm của toàn xã hội, là chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng đối với một đất nước, nhưng đến nay nước ta vẫn chưa có luật để điều chỉnh tất cả các quan hệ xã hội về việc làm, nhưng vấn đề việc làm lại được quy định trong nhiều văn bản dưới luật nên thiếu đồng bộ, chưa có sự thống nhất, gây nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Đại biểu Phương cho rằng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về việc làm hiện nay chủ yếu điều chỉnh quan hệ xã hội về việc làm của nhóm đối tượng có quan hệ lao động, thông qua hợp đồng lao động, trong khi đó số lượng lao động không có quan hệ lao động ở nước ta lại rất lớn (chiếm hơn 65% tổng số lao động). Trong khi đó chính sách, chế tài về việc làm và tạo việc làm cũng chưa đủ mạnh để xoá bỏ mọi rào cản, giải phóng năng lực của mọi người cho phát triển kinh tế-xã hội. Chính sách đầu tư, huy động vốn kém hiệu quả đã tác động không nhỏ đến giải quyết việc làm; chính sách thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, đô thị hoá đang gây ra thiếu việc làm ở nông thôn. Ngoài ra, các quy định của pháp luật về thị trường lao động còn thiếu hoặc không phù hợp với thực tiễn. Những hạn chế về chính sách thị trường lao động làm mất cân đối cung, cầu lao động, hạn chế cơ hội tham gia thị trường lao động của người lao động. Các vấn đề như thông tin thị trường lao động, kết nối cung, cầu lao động, hợp tác công - tư trong hoạt động dịch vụ việc làm,... chưa được điều chỉnh bằng văn bản luật…

Từ thực trạng trên, đại biểu Nguyễn Hoài Phương cho rằng, việc Quốc hội xây dựng Dự án Luật việc làm là hết sức cần thiết, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần khắc phục các hạn chế của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về việc làm; đáp ứng với yêu cầu thực tiễn, bảo đảm yêu cầu hội nhập quốc tế, thúc đẩy, ổn định, bảo đảm việc làm và việc làm bền vững cho người lao động; góp phần phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động, điều chỉnh các quan hệ xã hội về việc làm đang ngày càng phát triển đa dạng và linh hoạt, khắc phục tình trạng chính sách pháp luật về việc làm đã và đang bộc lộ nhiều hạn chế, cũng như đều chỉnh nhiều vấn đề mới phát sinh về việc làm.

Đi vào nghiên cứu từng nội dung cụ thể trong các điều khoản của dự thảo Luật Việc làm, đại biểu Nguyễn Hoài Phương đề nghị cần cân nhắc và thận trọng khi thông qua dự án Luật Việc làm, cụ thể như trong dự thảo Luật có tới 10 điều khoản phải được Chính phủ cụ thể hoá để thực hiện là chưa phù hợp với nguyên tắc làm Luật của Quốc hội. Về giải thích từ ngữ dự thảo Luật Việc làm có hẳn một chương riêng với 4 điều Luật quy định về thông tin thị trường lao động, nhưng lại chưa có một định nghĩa hay một cách hiểu thống nhất về thị trường lao động là gì? Tại sao phải có thông tin thị trường lao động? Đại biểu Phương còn góp ý nhiều điểm khác về chính sách tín dụng tạo việc làm; về hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp...

PHÚC HƯNG

(Lược ghi)

__________

(*) TA ĐỀ DO TOÀ SON ĐẶT