Đọc báo in
Tải ứng dụng
Hoạt động đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh tại kỳ họp Quốc hội:
2012-05-24 05:54:00

“Cho thuê lại lao động”, phải quy định thật cụ thể, rõ ràng.

Ngày 23.5.2012, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Ông Nguyễn Thành Tâm – Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh bày tỏ quan điểm về một số vấn đề như sau:

ĐBQH Nguyễn Thành Tâm

Thứ nhất, về mức trần thời gian của loại hợp đồng lao động xác định không thời hạn, dự thảo luật nâng mức trần tối đa 72 giờ nhưng tổng hai lần ký kết hợp đồng tối đa cũng là 72 giờ.

Về thời gian làm thêm giờ, Luật định không tăng thời gian làm thêm giờ lên, tuy nhiên, hiện nay có một thực tế các doanh nghiệp thường xuyên vi phạm mức trần thời gian làm thêm giờ đối với người lao động. Các biện pháp xử lý chủ yếu chỉ là xử lý hành chính, đại biểu Tâm đề nghị trong Bộ luật sửa đổi này phải có cơ chế xử lý mạnh mẽ hơn. Ngoài việc xử lý hành chính, trong luật cũng cần quy định rõ, nếu doanh nghiệp nào sử dụng người lao động vượt quá thời gian làm thêm giờ theo mức trần quy định, thì phải tăng gấp đôi tiền làm thêm giờ đối với số giờ vượt làm thêm. Như vậy, vừa đảm bảo được quyền lợi của người lao động, đồng thời cũng hạn chế việc các doanh nghiệp cố tình vi phạm quy định này.

Về vấn đề thời gian nghỉ thai sản, đại biểu Tâm đề nghị nâng thời gian nghỉ thai sản phụ nữ lên 6 tháng như các đại biểu khác đã phân tích. Về độ tuổi nghỉ hưu, đồng ý giữ mức độ tuổi nghỉ hưu như hiện nay. Qua trao đổi các đại biểu khác, ông Tâm cho rằng hiện nay chúng ta đang tiếp cận vấn đề ở góc độ khác nhau, và ông cũng cho rằng nghỉ hưu là quyền chứ không phải là cái gì thiệt thòi, bởi vì người nghỉ hưu được nghỉ ngơi và được hưởng bảo hiểm xã hội, chăm lo về thu nhập. Dù thực tế hiện nay mức lương hưởng còn có những bất cập trong vấn đề bảo hiểm, tuy nhiên, các bất cập này chỉ bộc lộ ở khối cơ quan Nhà nước, còn ở các doanh nghiệp nước ngoài, các thành phần kinh tế khác và đặc biệt người lao động, lao động phổ thông thì đa số cử tri không muốn nâng thời gian nghỉ hưu lên, cho nên ông đề nghị nên giữ như quy định trong dự thảo luật.

Về vấn đề lương tối thiểu, đại biểu Nguyễn Thành Tâm thống nhất với quy định điều kiện điều chỉnh mức lương tối thiểu là theo biến động của chỉ số giá tiêu dùng và mặt bằng chung về giá cả sức lao động, tiền lương trong nền kinh tế xã hội. Nhưng ông cũng cho rằng, cơ chế hiện nay giao cho hội đồng tiền lương quốc gia, nhưng chưa xác định rõ khi nào thì khuyến nghị với Chính phủ để có việc điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu. Cho nên, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, đánh giá thêm, đặc biệt là khuyến nghị điều chỉnh mức lương tối thiểu khi có những biến động giá cả tăng nhanh. Thực tế trong thời gian vừa qua, khi có những biến động của chỉ số giá tiêu dùng, thì tình trạng người lao động ngừng việc xảy ra rất phổ biến. Dù Chính phủ chưa điều chỉnh, thì qua các cuộc ngừng việc như vậy các doanh nghiệp cũng phải điều chỉnh mức thu nhập cho người lao động.

Về vấn đề “cho thuê lại lao động”, một vấn đề rất mới trong dự thảo Bộ luật này, đây là một hoạt động “kinh doanh lại” sức lao động của người lao động, đề nghị luật quy định rõ hơn, cụ thể hơn trách nhiệm của bên cho thuê lại lao động, để thể hiện trách nhiệm đầy đủ đối với người lao động ký kết hợp đồng lao động với họ.

Thứ nhất, phải quy định cụ thể người ký hợp đồng với người lao động để đi cho thuê lại phải đảm bảo được những nội dung thoả thuận trong hợp đồng với bên thuê lại lao động là không được thấp hơn những điều kiện đã thoả thuận ký kết với người lao động.

Thứ hai, khi có những thay đổi trong điều kiện làm việc thực tế của người lao động đi làm cho các đơn vị thuê lại, thì phải có cơ chế cho họ thương lượng lại hoặc có những bất đồng trong nội dung hợp đồng phải thương lượng lại để người lao động được quyền bảo vệ quyền lợi của mình và đảm bảo có việc làm.

Thứ ba, là trách nhiệm của người thuê lại lao động phải bảo đảm đầy đủ việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động khi có xảy ra tranh chấp. Bởi vì trong thực tế, nếu như xảy ra tranh chấp thì trong luật chỉ quy định cho phép người lao động được khiếu nại thôi, còn việc giải quyết khiếu nại đó tuỳ thuộc hoàn toàn vào người thuê lao động để cho thuê lại. Đề nghị luật phải quy định rõ, chặt chẽ việc này, đảm bảo khi có tranh chấp thì người thuê lao động để cho thuê lại phải đứng ra giải quyết đến nơi, đến chốn, tránh tình trạng né tránh trách nhiệm và “đem con bỏ chợ”. Chúng ta chưa có thực tế cho thuê lại lao động, nhưng có thực tế trong xuất khẩu lao động đã xảy ra tình trạng các doanh nghiệp vì lợi nhuận mà “đem con bỏ chợ” rất phức tạp. Đồng thời, nếu giữa người cho thuê lao động và người thuê lại lao động có tranh chấp với bất cứ hình thức nào, thì những quyền lợi của người lao động đã ký kết trong hợp đồng với người thuê lao động để cho thuê lại phải được đảm bảo một cách đầy đủ.

Duy Quang

 

 

Từ khóa:
Tin liên quan