BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hoạt động giám sát của Quốc hội phải đáp ứng yêu cầu cuộc sống và mong đợi của cử tri

Cập nhật ngày: 20/03/2009 - 08:23

- Thưa bà, xin bà cho biết mục đích của cuộc hội thảo do Quốc hội tổ chức vừa qua ở TP.HCM?

- Mục đích cuộc hội thảo để đánh giá thực trạng và tìm giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội; những vấn đề cần đổi mới trong hoạt động giám sát; cơ chế hỗ trợ hoạt động giám sát của Quốc hội…

- Với góc độ là ĐBQH ở địa phương và là Phó Trưởng đoàn ĐBQH, bà có suy nghĩ về hoạt động giám sát chuyên đề của ĐBQH, của Đoàn ĐBQH theo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2003?

- Với góc độ của mình, tôi nghĩ hoạt động giám sát chuyên đề cần quan tâm đến một số vấn đề sau: Thứ nhất: Phải bám sát chương trình giám sát hằng năm của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội và tình hình thực tế địa phương. Thứ hai: Phải phát huy trách nhiệm, năng lực và kỹ năng của ĐBQH trong hoạt động giám sát chuyên đề. Thứ ba: Cần có sự phối hợp và phân định nội dung giám sát chuyên đề giữa Đoàn ĐBQH, HĐND tỉnh, giữa Đoàn ĐBQH với Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội ở địa phương. Thứ tư: Tiếp tục xử lý các kiến nghị sau giám sát chuyên đề. Thứ năm: Phải có bộ phận giúp việc đủ mạnh để tham mưu, thu thập thông tin về nội dung giám sát đầy đủ và chính xác.

- Vậy việc xây dựng chương trình giám sát hằng năm, nhất là giám sát chuyên đề của Đoàn ĐBQH tỉnh dựa trên cơ sở nào thưa bà?

- Trước tiên việc xây dựng chương trình, nội dung giám sát của Đoàn ĐBQH dựa trên những căn cứ: Nghị quyết về chương trình giám sát hằng năm của Quốc hội, UBTVQH…; tiếp đến là những nội dung mà cử tri đang bức xúc, quan tâm ở địa phương về kinh tế - xã hội, việc thực thi pháp luật… Vì chương trình giám sát chung của Quốc hội chỉ mang tính định hướng và dựa vào năng lực, sở trường của ĐBQH và năng lực bộ máy giúp việc mà các ĐBQH trong Đoàn quyết định. Từ đó, Đoàn ĐBQH sẽ xác định những nội dung cần ưu tiên giám sát, số cuộc giám sát, thành phần đoàn giám sát, thời gian giám sát… đảm bảo hoạt động giám sát chuyên đề có nội dung phù hợp và sát với yêu cầu cuộc sống đáp ứng với sự mong đợi của cử tri.

- Theo bà yếu tố nào quyết định hiệu quả của cuộc giám sát?

- Trong điều kiện tỷ lệ ĐBQH chuyên trách trong Quốc hội còn thấp, đặc biệt là ở Đoàn ĐBQH, việc phát huy trách nhiệm, năng lực và kỹ năng hoạt động giám sát từng ĐBQH là yếu tố quyết định đến hiệu quả giám sát, đó là sự hiểu biết chuyên sâu, am hiểu về lĩnh vực được giám sát sẽ là yếu tố quan trọng, tác động tích cực trong quá trình tổ chức hoạt động giám sát chuyên đề ở địa phương.

Do đó, các kỹ năng giám sát của ĐBQH cần được phát huy như yêu cầu cung cấp thông tin, xem xét, xác minh những vấn đề qua giám sát của ĐBQH, thảo luận và đánh giá kết quả giám sát, kiến nghị… Điều này đòi hỏi các ĐBQH phải có quá trình nghiên cứu, bồi dưỡng và tích luỹ kinh nghiệm qua thực tiễn mới có thể sử dụng có hiệu quả các kỹ năng trong việc tham gia hoạt động giám sát. Cuộc giám sát được xem là thành công khi những kiến nghị của đợt giám sát chuyên đề sẽ giúp Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền xem xét, cân nhắc để điều chỉnh các chính sách phù hợp hơn với thực tiễn cuộc sống vốn sinh động đang diễn ra. Để đạt được mục đích này đòi hỏi bản thân các vị ĐBQH và Đoàn ĐBQH phải kiên trì đeo bám, đôn đốc việc giải quyết và xử lý các kiến nghị sau giám sát để hoạt động giám sát đi vào thực chất, tránh hình thức.

- Bà có thể cho biết, trong năm 2009, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ giám sát những nội dung gì?

Căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương, năm 2009, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tập trung giám sát một số nội dung về: Việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh (đã thực hiện từ đầu tháng 3.2009); việc thực hiện Pháp lệnh Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc ưu đãi người có công với cách mạng; việc thực hiện Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc miễn, giảm thu thuỷ lợi phí; việc thực hiện về việc sử dụng và giải ngân vốn các Chương trình mục tiêu Quốc gia; việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tải sản Nhà nước tại một số công ty thành viên, đơn vị sản xuất, kinh doanh thuộc các tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước trên địa bàn tỉnh.

- Xin cám ơn bà Phó Trưởng đoàn ĐBQH!

L.K.C

(Thực hiện)