Pháp luật   Bạn đọc

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hoạt động “Hát với nhau” cần được chấn chỉnh

Cập nhật ngày: 05/03/2016 - 02:10

KẺ VÀO TÙ, NGƯỜI THƯƠNG TẬT CHỈ VÌ HÁT VỚI NHAU

Người dân sống tại ấp Thạnh Trung, xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh vẫn còn nhớ về vụ xô xát tại một quán cà phê hát với nhau, làm một “ca sĩ” phải sống quãng đời còn lại với thương tích gần 60% vì liệt nửa người.

Vào khoảng 20 giờ 30 phút ngày 23.9.2015, ông P.T.D (SN 1959, ngụ khu phố Ninh Tân, phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh) cùng với ông V.D (SN 1965, ngụ khu phố Ninh Nghĩa, phường Ninh Thạnh, thành phố Tây Ninh) và ông L.C.T (SN 1966, ngụ ấp Thạnh Trung, xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh) sau khi uống rượu cùng nhau đến quán cà phê Th.H (thuộc ấp Thạnh Trung, xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh) để uống nước.

Tại quán cà phê này có tổ chức chương trình văn nghệ “Hát với nhau”, ông D đăng ký hát. Vì máu “ca sĩ” đã nổi lên khi trong người đã có hơi rượu, tuy chưa đến lượt nhưng ông D vẫn lên giành micro với khách để hát. Lúc này, G.V.H (SN 1977, ngụ ấp Thạnh Trung, xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh) là người dẫn chương trình kiêm luôn tay trống ra can ngăn, bảo khi nào đến lượt sẽ mời ông D lên hát. Ông D một mực không chịu, quyết giành micro cho bằng được, đồng thời dùng lời lẽ thô tục chửi bới, ném micro xuống đất. H tức giận dùng tay phải đánh trúng ngực trái ông D, làm ông D té ngã, đập đầu xuống nền xi măng, được đưa đi cấp cứu. Kết luận giám định pháp y về thương tích kết luận, ông D bị liệt nửa người, tỷ lệ tổn thương cơ thể hiện tại là 59%.

Nam “ca sĩ” ngày nào, giờ đã thành người tàn tật chỉ vì nổi máu nghệ sĩ không đúng lúc. Còn tay nhạc công kiêm MC của quán cà phê hát với nhau đang chuẩn bị chịu sự trừng trị của pháp luật. Đây là hậu quả của những hoạt động xô bồ, thiếu văn hoá ở những nơi lẽ ra chỉ dành cho những người giải trí có văn hoá.

khi NHÀ NHÀ LÀM  CA SĨ

Anh Phương, nhà ở huyện Hoà Thành bức xúc khi trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên. Anh cho rằng, bản chất hoạt động “Hát với nhau” là rất tốt, giúp những người yêu thích ca hát có sân chơi lành mạnh. Tuy nhiên, dường như các chủ quán không thực sự quan tâm đến văn nghệ đúng nghĩa và nhiều vị khách chẳng ý thức gì đến nét văn hoá “Hát với nhau”. Không ít ông khách chỉ đến hát khi trong người có rượu, ăn mặc lôi thôi, nói năng lộn xộn, sẵn sàng giành giật micro, gây gổ với người khác để… được hát.

Tuy nhiên điều khiến nhiều người thấy phiền phức là nhiều quán “Hát với nhau” mở âm thanh rất lớn, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của những người chung quanh, khiến trẻ nhỏ khó tập trung học bài vào buổi tối. Từ đó, nhiều ý kiến cho rằng hoạt động “Hát với nhau” rất cần được chấn chỉnh, không thể để tình trạng bát nháo như hiện nay.

Ông Lê Hồng Tăng– Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết, trước tình trạng bùng nổ của hoạt động “Hát với nhau”, trong đó có nhiều quán hoạt động trong khu dân cư, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các huyện, thành phố chấn chỉnh lại. Theo quy định, các quán cà phê “Hát với nhau” chỉ hoạt động đến 22 giờ và mức độ âm thanh phải tuân thủ theo quy định. Các địa phương cần tăng cường kiểm tra, nhắc nhở và xử lý các hoạt động hát với nhau, nhằm từng bước đưa hoạt động trên vào nề nếp.

THIÊN TÂM