BAOTAYNINH.VN trên Google News

Học Bác: Làm gì để dân quý, dân tin? 

Cập nhật ngày: 03/09/2019 - 15:32

Lối sống gần gũi, giản dị, lời nói luôn đi đôi với việc làm của Người là câu trả lời chính xác nhất cho câu hỏi: Làm gì để dân quý, dân tin!

Nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Cha già kính yêu của dân tộc, điều đầu tiên người ta nhắc tới là sự gần gũi, giản dị, luôn sống và nghĩ cho dân, cho nước trước nhất. Bằng lối sống ấy, Người đã giành trọn niềm tin yêu của biết bao thế hệ người dân Việt Nam. 

Hình ảnh gần gũi, thân thương của Bác Hồ khi gặp gỡ bà con nông dân. Ảnh: Tư liệu

Hãy sống như một người dân, đừng tạo khoảng cách

May mắn được 4 lần gặp gỡ và tiếp xúc với Bác, ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về văn hóa-xã hội, phải thốt lên “đúng là một con người ngoài sức tưởng tượng của mình”. Câu chuyện tưởng như rất nhỏ, rất đơn giản nhưng ông Túc nhớ mãi về sự quan tâm, gần gũi của Bác. 

Đó là dịp Đại hội lần thứ III của Đảng năm 1960, ông Túc cùng với các ông Đậu Ngọc Xuân, Trịnh Ngọc Thái được Trung ương phân công lo công tác phiên dịch văn kiện, phiên dịch ở hội trường. Buổi tối, Bác Hồ thường xuống động viên anh em phiên dịch và nói chuyện vui. Phát hiện anh Phạm Huy Thông đánh máy nhầm chủ trương xây dựng 400 nhà máy thành 400 nhà bếp, Bác “mắng”: “chú này đúng là mũi nhòm mồm”.

Rồi Bác chủ động hỏi han về chế độ ăn uống của anh em làm công tác phục vụ. Khi biết mỗi người được 2 nghìn đồng, lại phải làm ngày làm đêm, trong khi đại biểu dự Đại hội Đảng được 4 nghìn đồng mà chỉ làm việc ban ngày, Bác bảo như thế là không công bằng và yêu cầu phải sửa.

Ông Nguyễn Túc

Chứng kiến nhiều câu chuyện về Bác, ông Túc cho rằng, cơ chế xin cho trong thời kỳ đổi mới với nền kinh tế nhiều thành phần chính là nguyên do khiến khoảng cách giữa cán bộ với nhân dân ngày càng dài thêm. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều nhận thức được điều đó và yêu cầu phải sửa đổi. Những năm gần đây, khoảng cách ấy tuy đã được kéo lại gần nhưng thực tế vẫn chưa thể khắc phục được, cần sự quyết tâm nhiều hơn nữa của những người lãnh đạo. 

Để người dân tin tưởng, theo ông Túc, yếu tố quan trọng nhất là người cán bộ phải sống như một người dân, đừng tạo ra khoảng cách. 

"Không học hết được Bác nhưng có những việc không phải không học được"

Giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - PGS-TS Bùi Đình Phong, rất tâm đắc với câu nói của một nhà nghiên cứu nước ngoài, đại ý rằng, chúng ta không thể trở thành Bác Hồ nhưng chúng ta có thể học được ở Bác nhiều điều để trở thành người tốt. 

PGS-TS Bùi Đình Phong

Ông Bùi Đình Phong cũng cho rằng, chúng ta không thể học hết mọi điều ở Bác nhưng nếu nói không thể học được cũng không phải bởi những việc Bác làm đều rất cụ thể, gần gũi. 

“Chúng ta biết cả cuộc đời, Người đã sống tiết kiệm thế nào, chống lãng phí ra sao, Người đã dùng giấy một mặt thế nào; một chiếc phong bì Người dùng đến mấy lần, và đến cả phút cuối cùng trước lúc về cõi vĩnh hằng, Bác vẫn nghĩ cần phải dặn lại Đảng, lại nhân dân rằng khi Người qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của dân”, ông Phong dẫn chứng. 

Thế giới đã từng rất ngạc nhiên và phải thừa nhận Hồ Chí Minh là một vĩ nhân, một con người đặc biệt, một nhân vật hiếm thấy, đã trở nên huyền thoại ngay khi còn sống. Cả thế giới chỉ có một Hồ Chí Minh, một anh hùng giải phóng dân tộc, một danh nhân văn hóa thế giới. Chỉ có Hồ Chí Minh mới không dành một chút gì riêng tư cho mình dù đã ở đỉnh cao quyền lực. Từ lúc được sinh ra, đến khi tìm đường cứu nước cho đến tận cuối đời, từ việc nhỏ đến việc lớn, từ suy nghĩ đến hành động, Người luôn nghĩ đến nhân dân, đất nước trước nhất.

“Đúng là chúng ta không thể học hết được ở Bác, nhưng rõ ràng có những việc không phải không học được. Trong bản Di chúc viết bổ sung năm 1969 dài một trang viết tay, Bác đã viết ở mặt sau tờ tin tham khảo đặc biệt của TTXVN ngày 3/5/1969. Việc làm ấy của Bác thực sự muốn làm theo, học theo không khó, nhưng để những việc làm như thế luôn thường trực trong suy nghĩ, trong thái độ của mỗi người mới là khó”, ông Phong nói.

Từng dành nhiều năm nghiên cứu về Hồ Chí Minh, PGS-TS Bùi Đình Phong nhận định, thực tế đang tồn tại một bộ phận cán bộ dù mới có một chút quyền lực trong tay đã vội lạc vào con đường tha hóa biến chất. Thay vì nghĩ đến cái chung, họ vội vã vơ vét, vun vén cho cá nhân, gia đình, dòng họ, nhóm lợi ích của mình. Họ không biết rằng, họ đang sa ngã từng giờ, từng ngày, đến một lúc nào đó khi đã dấn sâu vào vũng bùn chủ nghĩa cá nhân, họ không thể rút chân ra được nữa. 

Học tập Bác, thực tâm sẽ học được

PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, cái hay nhất trong cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đó là lý luận đi đôi với thực tiễn, học đi đôi với hành và nói đi đôi với làm. Những đặc tính ấy luôn thường trực trong tư duy và hành động của Người. Vì thế, mỗi lời nói, việc làm của Người đều có sức thuyết phục, người dân nhất mực tin tưởng làm theo. 

PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn.

Tuy nhiên, theo Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, việc học và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức của Bác không phải quá khó nhưng cũng không hẳn dễ dàng nếu người ta không thực tâm muốn học theo, làm theo. Bởi sự đấu tranh chống lại các biểu hiện suy thoái, chủ nghĩa cá nhân trong mỗi người là việc làm khó khăn nhất. Những thói hư, tật xấu của cán bộ như tham lam, kèn cựa, tị nạnh, hình thức… cũng đều bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân mà ra. Do vậy, để chống chủ nghĩa cá nhân, ngoài sự quan tâm giúp đỡ của tập thể, của nhân dân, thì bản thân mỗi cán bộ, đảng viên muốn trưởng thành phải tự mình rèn luyện, không ai có thể làm thay được.

Liên hệ tới yêu cầu mang tính mệnh lệnh của Đảng về trách nhiệm nêu gương, PGS-TS Nguyễn Minh Tuấn cho rằng, gần gũi với dân, giản dị trong lối sống, nói được, làm được, thì người dân không thể không phục, không tin.

Nguồn VOV