Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Học phí đồng loạt tăng cao
Thứ sáu: 09:17 ngày 24/06/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Hàng loạt trường đại học và nhiều địa phương thông báo tăng học phí dù Bộ Giáo dục - Đào tạo đã khẳng định tiếp tục giữ nguyên, không tăng giá dịch vụ giáo dục

Theo thông báo của Trường ĐH Luật Hà Nội, từ năm học 2022-2023, mức học phí với sinh viên hệ chính quy khóa mới nhất là là 572.000 đồng/tín chỉ cho hệ đại trà và 1,605 triệu đồng/tín chỉ cho hệ chất lượng cao. Năm học trước, mức thu đối với hệ đại trà là 280.000 đồng/tín chỉ và 990.000 đồng/tín chỉ với hệ chất lượng cao.

Học phí tăng cao, phụ huynh lo lắng

Như vậy, học phí của Trường ĐH Luật Hà Nội đã tăng gấp đôi với hệ đại trà, trong khi học phí của hệ chất lượng cao tăng 62%.

Các trường thành viên của ĐHQG Hà Nội cũng thông báo tăng học phí với mức thu dự kiến với sinh viên chính quy các chương trình đào tạo chuẩn là từ 12-24,5 triệu đồng/năm; từ 30-60 triệu đồng/năm với các chương trình đào tạo đặc thù, chương trình đào tạo chất lượng cao.

Nhiều trường đại học sẽ tăng học phí trong năm học tới .Ảnh: TẤN THẠNH

Cụ thể, Trường ĐH Công nghệ - ĐHQG Hà Nội có mức học phí ngành cao nhất là 26,1 triệu đồng/năm, nếu tính theo tín chỉ là 715.000 đồng/tín chỉ, cao hơn mức cũ 315.000 đồng là 2,26 lần. Trường ĐH Kinh tế - ĐHQG Hà Nội dự kiến mức học phí năm học tới là 42 triệu đồng, tăng gấp 1,2 lần so với mức học phí 35 triệu đồng của khóa tuyển sinh năm 2021. Trong 3 năm tiếp theo, trường tiếp tục tăng học phí thêm 2 triệu đồng/năm. Đối với sinh viên ĐH chính quy ngành quản trị kinh doanh dành cho các tài năng thể thao, mức học phí dự kiến áp dụng cho khóa tuyển sinh năm 2022 là 98 triệu đồng/sinh viên/khóa học, tương ứng 2,45 triệu đồng/tháng, tính theo tín chỉ là 770.000 đồng.

Học phí một số chuyên ngành đào tạo của Trường ĐH Y Hà Nội cũng sẽ tăng trên 70% từ năm học 2022-2023. Cụ thể, các ngành răng - hàm - mặt và khối ngành y dược của Trường ĐH Y Hà Nội gồm y khoa, y học cổ truyền, y học dự phòng sẽ có mức học phí là 2,45 triệu đồng/tháng; khối ngành sức khỏe gồm: Điều dưỡng, dinh dưỡng, khúc xạ nhãn khoa, kỹ thuật xét nghiệm y học, y tế công cộng sẽ có học phí là 1,85 triệu đồng/tháng; ngành điều dưỡng chương trình tiên tiến có học phí là 3,7 triệu đồng/tháng.

Năm học 2022-2023, y dược là khối ngành có mức học phí tăng mạnh nhất trong các khối ngành đào tạo. Các khối ngành còn lại (trừ nghệ thuật) hầu hết đều tăng hơn 20% đến gần 30%.

Tác động lớn

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) TP Hà Nội, cho hay HĐND thành phố đang xây dựng dự thảo Nghị quyết quy định mức thu học phí với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập tại Hà Nội từ năm học 2022-2023 đến năm học 2025-2026. Theo đó, các địa bàn của TP Hà Nội được chia thành 4 vùng để xét thu học phí - khác với trước đây chỉ chia thành 3 vùng, gồm thành thị, nông thôn và miền núi.

Cụ thể, năm học 2022-2023, với các trường chưa bảo đảm chi thường xuyên, học phí vùng 1 và 2 là 300.000 đồng/tháng. Hai vùng còn lại thấp hơn, dao động 100.000 - 200.000 đồng/tháng (vùng 3) và 50.000 - 100.000 đồng/tháng (vùng 4). Như vậy, trừ bậc THPT vùng 1 và 2 có mức học phí tăng từ 217.000 đồng năm 2021 lên 300.000 đồng, học phí đã tăng gần gấp đôi năm ngoái. Đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, dự thảo đưa ra quy định mức trần học phí năm học 2022-2023 từ 2,4 - 3,2 triệu đồng/học sinh/tháng.

Tại cuộc họp về công tác điều hành giá các mặt hàng quan trọng, thiết yếu do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá - chủ trì, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho hay Bộ GD-ĐT nhất trí với giải pháp của Bộ Tài chính, tiếp tục giữ nguyên, không tăng giá dịch vụ giáo dục năm học 2022-2023 trong bối cảnh nhiều mặt hàng tăng giá.

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, giá dịch vụ giáo dục điều chỉnh sẽ tác động tới CPI bình quân cả nước năm 2022 tăng khoảng 0,55%-1,05% và học phí năm học 2022-2023 dự kiến tác động tới CPI tăng 1,5%-2,8%. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho hay theo tính toán của Bộ GD-ĐT, giá dịch vụ giáo dục năm học 2022-2023 dự kiến tăng 40%-90%, tác động đến CPI chung cả năm 2022 từ 0,55%-1,05% là rất lớn. 

Bộ GD-ĐT không thể làm ngơ

Đánh giá về việc nhiều trường ĐH, nhiều địa phương vẫn lên kế hoạch tăng học phí bất chấp việc Bộ GD-ĐT tuyên bố không tăng giá dịch vụ giáo dục năm học 2022-2023, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, cho rằng để hỗ trợ học sinh, sinh viên, các trường, sở cần thực hiện chủ trương của Bộ GD-ĐT.

"Bộ GD-ĐT là cơ quan quản lý nhà nước, cần phải nghiêm khắc, giữ kỷ cương. Nếu các trường đồng loạt tăng học phí, Bộ GD-ĐT nên có ý kiến chứ không thể làm ngơ" - TS Lê Viết Khuyến nhấn mạnh.

Nguồn NLDO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục