Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Năm học 2019-2020:
Học sinh đóng học phí như thế nào?
Thứ tư: 15:11 ngày 20/05/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ở địa phương, vấn đề thu học phí như thế nào cũng đang được quan tâm, vì thời gian thực học của năm học này phải rút ngắn trong khi Bộ GD&ĐT chỉ đạo chỉ thu học phí theo số tháng thực học.

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục đào tạo năm học 2019-2020, năm học 2020-2021 và chỉ đạo điều hành giá năm 2020. Ở địa phương, vấn đề thu học phí như thế nào cũng đang được quan tâm, vì thời gian thực học của năm học này phải rút ngắn trong khi Bộ GD&ĐT chỉ đạo chỉ thu học phí theo số tháng thực học.

Học sinh huyện Bến Cầu đi học trở lại sau kỳ nghỉ kéo dài vì dịch bệnh Covid- 19.

Chỉ thu theo số tháng thực học

Văn bản của Bộ GD&ĐT nêu, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá quý I/2020 về việc kiểm soát chặt chẽ giá dịch vụ giáo dục để bình ổn mặt bằng giá thị trường, giảm khó khăn cho sản xuất và đời sống nhân dân, Bộ GD&ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo UBND các cấp, Sở GD&ĐT và các cơ sở giáo dục cùng phối hợp thực hiện tốt các nội dung liên quan đến chỉ đạo điều hành giá và thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục đào tạo năm học 2019-2020 và năm học 2020-2021.

Cụ thể, các địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư theo hướng dẫn, bố trí vốn đối ứng để triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các chương trình, đồ án, dự án... thụ hưởng qua Bộ GD-ĐT.

Các địa phương tập trung các nguồn lực để bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, trường lớp học cho năm học 2020-2021 là năm đầu tiên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cùng với đó, đẩy mạnh việc giải ngân các nguồn kinh phí đề án, dự án liên quan bảo đảm tiến độ giải ngân theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ưu tiên bố trí các nguồn lực để huy động và phân bố ngân sách cho giáo dục, bảo đảm chi thường xuyên (tiền lương, phụ cấp, các khoản có tính chất lương và các hoạt động giảng dạy, học tập...) cho các cơ sở giáo dục đúng quy định tại Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg ngày 19.10.2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước để bảo đảm điều kiện thực hiện tốt các chỉ đạo của ngành giáo dục.

Thực hiện công khai về cam kết chất lượng giáo dục và đào tạo, các điều kiện bảo đảm chất lượng và thu chi tài chính theo Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28.12.2017 của Bộ GD-ĐT ban hành quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các khoản thu, chi trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục và trách nhiệm cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục trên địa bàn để xảy ra tình trạng thu sai quy định, lạm thu.

Đồng thời, chỉ đạo quán triệt Ban đại diện cha mẹ học sinh thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Thông tư số 55 ngày 22.11.2011 của Bộ GD-ĐT ban hành điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh và chỉ cho phép được thu các khoản phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 10 của Thông tư này.

Trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19, việc thực hiện các khoản thu đối với năm học 2019-2020 phải bảo đảm đúng nguyên tắc.

Trước hết, về cơ chế thu học phí thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021.

Đối với việc triển khai dạy học trực tuyến, đề nghị các địa phương và cơ sở giáo dục cần căn cứ các công văn của Bộ GD&ĐT để thực hiện cho đúng. Có ba công văn liên quan, gồm: Công văn số 1061/BGDĐT-GDTrH ngày 25.3.2020 hướng dẫn dạy học qua internet, trên truyền hình đối với cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên trong thời gian học sinh nghỉ học ở trường do dịch Covid-19 năm học 2019-2020; Công văn số 795/BGDĐT-GDĐH ngày 13.3.2020 triển khai công tác đào tạo từ xa ứng phó với dịch Covid-19 và Công văn số 988/BGDĐT-GDĐH ngày 23.3.2020 về việc bảo đảm chất lượng đào tạo từ xa trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19 để tính toán, thông báo công khai minh bạch và thoả thuận thu trên cơ sở triển khai thực tế công tác dạy học.

Đối với các cơ sở giáo dục công lập, trong thời gian học sinh, sinh viên nghỉ học để phòng tránh dịch nếu không triển khai học trực tuyến thì không thực hiện thu học phí. Việc thực hiện thu học phí chỉ được phép khi tổ chức học trực tuyến hoặc bố trí học bù. Mức thu học phí thực hiện theo quyết định của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, bảo đảm nguyên tắc theo số tháng thực học nhưng không vượt quá quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP.

Cụ thể, đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục thường xuyên, đào tạo thường xuyên theo số tháng thực học, đối với cơ sở giáo dục phổ thông không quá 9 tháng/năm; đối với cơ sở giáo dục đại học không quá 10 tháng/năm.

Đối với các khoản thu dịch vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường thực hiện theo điểm b, Khoản 6, Điều 99 Luật Giáo dục 2019, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với cơ sở giáo dục công lập theo thẩm quyền quản lý Nhà nước về giáo dục trên cơ sở đề nghị của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

Việc quản lý và sử dụng các khoản thu dịch vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường thực hiện theo Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và các quy định khác có liên quan để khuyến khích các doanh nghiệp, tập thể, cá nhân trong và ngoài nước đóng góp, viện trợ, hỗ trợ giáo dục đào tạo.

Đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập, trong thời gian học sinh, sinh viên nghỉ học để phòng tránh dịch bệnh nếu không tổ chức học trực tuyến thì sẽ không được thu học phí và các khoản thu hộ, chi hộ. Nếu đã thu thì sẽ thực hiện thanh toán bù trừ khi học sinh đi học trở lại và thanh quyết toán vào cuối năm học với phụ huynh học sinh.

Nếu tổ chức học trực tuyến thì các cơ sở căn cứ vào tình hình thực tế triển khai, các khoản chi phí phát sinh cần thiết để triển khai các hoạt động tổ chức dạy, thời gian thực tế học trực tuyến, các nội dung truyền tải qua dạy học trực tuyến, tỷ lệ hoàn thành chương trình học... để xác định mức thu hợp lý.

Tinh thần là trên nguyên tắc chia sẻ khó khăn chung giữa cơ sở giáo dục và phụ huynh học sinh nhưng không được vượt quá mức thu, tổng thu cả năm học đã được cam kết, công khai từ đầu năm học; đồng thời có chính sách giảm mức thu phù hợp với điều kiện của học sinh, sinh viên.

Công văn của Bộ GD&ĐT đề nghị UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về niêm yết, công khai thông tin về giá vật tư, thiết bị giáo dục, sách giáo khoa trên địa bàn bảo đảm công khai, minh bạch theo đúng quy định của Luật Giá và các văn bản có liên quan.

Căn cứ vào trần học phí năm học 2020-2021, đề nghị các địa phương gửi báo cáo dự kiến thời điểm tăng giá dịch vụ giáo dục cụ thể cho các cấp học thuộc thành thị, nông thôn, miền núi, các ngành đào tạo trong nãm 2020 theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập về Bộ GD&ĐT  trước ngày 30.5.2020 để tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá.

Phải chờ hướng dẫn

Tại Tây Ninh, nhiều trường phổ thông cho biết không thu học phí trong thời gian học online. Khi đi học trở lại, nhiều người băn khoăn việc thu học phí từ học kỳ 2 được thực hiện như thế nào? Theo lãnh đạo nhiều đơn vị vẫn chưa thấy cấp trên hướng dẫn.

Đối với bậc học mầm non, trước mắt nhiều trường vận động gia đình học sinh đóng tiền để thực hiện bán trú, còn có thu học phí hay không, chưa được đặt ra. “Trước mắt là thu khoản kinh phí bán trú để phục vụ bữa ăn cho các cháu ở trường, còn khoản học phí đang chờ hướng dẫn”- lãnh đạo một phòng GD&ĐT thông tin.

Theo công văn của Bộ GD&ĐT, việc thu học phí chỉ thực hiện theo số tháng thực học. Trong khi đó, năm học này thời gian thực học của học sinh phải cắt giảm rất nhiều (ít nhất 3 tháng liên tục học sinh không đến trường), còn học online thì chưa thể và cũng khó có căn cứ để quy đổi thành từng tiết học, buổi học, tháng học.

“Trên thực tế có nhiều trường, nhất là những trường ở khu vực đô thị thu học phí cùng các khoản đóng góp khác từ đầu năm học. Nói ngắn gọn, những trường này đã thu trọn gói, bây giờ chưa biết xử lý như thế nào”- một ý kiến trong ngành nêu băn khoăn.

Theo tinh thần đó, có thể diễn giải, về nguyên tắc, trường nào đã thu học phí (chưa kể các khoản khác) thì có thể phải tính toán để hoàn tiền cho học sinh, điều này đúng với tinh thần trong công văn của Bộ GD&ĐT gửi UBND các tỉnh, thành trong cả nước. Đối với những trường ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, chỉ trừ những gia đình khá giả đóng tiền một lần, còn phần lớn học tháng nào đóng tháng đó.

Như vậy, những đơn vị ở khu vực này cùng lắm chỉ mới thu học phí của học kỳ 1. Học kỳ 2, học từ 2.5 - 11.7, việc thu học phí như thế nào, thu mấy tháng… đại diện nhiều cơ sở giáo dục cho biết, vẫn đang chờ cấp có thẩm quyền hướng dẫn. Ở khía cạnh khác, dịch bệnh Covid- 19 khiến hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu người lao đao về kinh tế, thu nhập.

Do đó, nếu tiếp tục thu học phí vào thời điểm này cũng là cả một vấn đề, vì sau khi hết giãn cách xã hội, người dân mới gượng dậy để tìm kiếm công ăn việc làm. Tuy nhiên, việc miễn học phí, không thể thực hiện ngay được, vì chính sách, quy định của pháp luật về thu học phí vẫn đang có hiệu lực. Ngày 1.7 năm nay, Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực, trong đó quy định học sinh THCS không phải đóng học phí. Dù có hiệu lực nhưng luật chưa thể “đi vào cuộc sống” vì còn chờ nghị định, thông tư hướng dẫn.

Việt Đông

data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục