BAOTAYNINH.VN trên Google News

Học tập và làm theo gương Bác: Người bạn của nông dân

Cập nhật ngày: 21/12/2009 - 05:35

Nông dân ấp Thuận An - Truông Mít được hướng dẫn trồng rau an toàn

Trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minhrất nhiều tấm gương đã được biểu dương khen thưởng, trong đó có một người được nông dân ở huyện Dương Minh Châu biết đến và tôn vinh như một người thầy, nhưng rất đỗi gần gũi chân tình như một người bạn, người thân trong nhà. Anh là Hồ Thái Sơn, kỹ sư nông học, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Dương Minh Châu.

Dương Minh Châu là một huyện nông thôn, nền kinh tế có thế mạnh từ cây trồng và vật nuôi mang tính đặc thù, đặc sản của riêng Tây Ninh. Trong tổng số 41.125 héc ta cây trồng hàng năm có 4 loại cây trồng chính là: Lúa 11.250 héc ta; mía 3.828 héc ta; khoai mì 5.653 héc ta; đậu phộng 5.427 héc ta.

Trong đó cây mía tuy giá cả bấp bênh, diện tích không ổn định, nhưng là cây trồng hứa hẹn nhiều tiềm năng, nhất là việc áp dụng các biện pháp tiến bộ KHKT vào sản xuất trên quy mô lớn, đồng bộ. Ngoài ra các cây trồng truyền thống khác được nông dân quan tâm, đầu tư thâm canh, tăng năng suất, nâng cao chất lượng, hiệu quả. Để giúp cho nông dân nắm vững các biện pháp canh tác, áp dụng các tiến bộ của KHKT vào quá trình sản xuất, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, giảm bớt chi phí để có lợi, công tác khuyến nông được quan tâm đúng mức, Hồ Thái Sơn cùng đội ngũ cán bộ của Trạm Khuyến nông huyện vẻn vẹn 3 người và mỗi xã với một cộng tác viên là nông dân tình nguyện, tổ chức thực hiện nhiều chương trình, dự án ứng dụng các biện pháp tiến bộ vào sản xuất. Xây dựng và triển khai các mô hình tại các địa bàn, liên hệ, tổ chức cho nông dân đi thâm nhập thực tế, học tập kinh nghiệm các mô hình ứng dụng thành công khoa học kỹ thuật vào sản xuất ở các địa phương trong vùng.

Năm 2009, Trạm Khuyến nông huyện đã triển khai thực hiện 7 chương trình, do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, và Chương trình Khuyến nông của tỉnh hỗ trợ. Hàng trăm nông dân đã trực tiếp trình diễn việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hầu hết các chương trình đều thành công, người dân tham gia không chỉ hưởng lợi về vật chất do chương trình đem lại, mà điều quan trọng là được trang bị kiến thức trong việc trồng cây, chăn nuôi, đưa giống mới thay giống cũ… Nổi bật là các chương trình như: Thâm canh giống mía K84-200 ở Phước Ninh đạt năng suất 90 tấn/ha; nhân giống đậu phộng mới VD1, VD2 ở các xã Truông Mít, Chà Là, Suối Đá, Lộc Ninh đạt năng suất 2,5 tấn/ha; nhân giống bắp lai ở Lộc Ninh năng suất 8 tấn/ha; thâm canh khổ qua ở các xã, năng suất từ 26 – 32 tấn/ha; nuôi gà thịt an toàn sinh học năng suất, chất lương an toàn.

Trong bất kỳ trường hợp nào, dù ở gần hay xa khi nhận được thông tin là Hồ Thái Sơn và các cộng sự có mặt kịp thời để tư vấn hướng dẫn, trợ giúp người nông dân. Anh là cánh chim đầu đàn trong đội ngũ những người làm khoa học ở lĩnh vực nông nghiệp, góp phần tích cực vào công cuộc hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn ở Dương Minh Châu.

Hồ Thái Sơn, sinh năm 1959, tại Hoà Thành, Tây Ninh. Năm 1979 anh được nhận vào làm việc tại Phòng Nông nghiệp huyện DMC sau đó ôn thi và đậu vào trường Đại học Nông Lâm, ra trường với tấm bằng kỹ sư nông học, anh lại về công tác tại Trạm Khuyến nông DMC, và từ đây anh gắn bó với nghề, thân thiết với mọi nông dân.

NGUYỄN CÔNG DÂN