Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Học tập và làm theo gương Bác: Văn hoá khước từ
Thứ hai: 09:23 ngày 14/12/2009

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Làm giỏi, làm tốt được nhận khen thưởng là chuyện bình thường, nhưng khước từ những gì tự thấy mình chưa hoặc không xứng đáng cũng chính là biểu hiện rõ nét về đạo đức và văn hoá của người cán bộ.

Bác Hồ- vị lãnh tụ luôn có nếp sống giản dị

Năm 1963, Quốc hội khoá II có ý định tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh Huân chương Sao Vàng, Huân chương cao quý nhất của Nhà nước ta. Được tin đó, Bác rất cảm động và sung sướng. Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá II (họp từ ngày 29.4 đến ngày 8.5.1963), Bác nói: “Tôi xin tỏ lòng biết ơn Quốc hội. Nhưng tôi xin Quốc hội cho phép tôi chưa nhận Huân chương ấy. Vì sao? Vì Huân chương là để tặng thưởng người có công huân; nhưng tôi tự xét chưa có công huân xứng đáng với tặng thưởng cao quý của Quốc hội. Tôi đề nghị chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Tổ quốc thống nhất, Bắc – Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi Huân chương cao quý. Như vậy thì toàn dân ta sẽ sung sướng, vui mừng” (Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 11).

Trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Đảng khởi xướng và lãnh đạo đã và đang có sức lan toả sâu rộng, đã thực sự đi vào cuộc sống hằng ngày. Cuộc vận động như một động lực “kích hoạt” mọi hành động cách mạng, mọi tâm tư tình cảm của toàn Đảng, toàn dân ta dành cho Bác kính yêu, trở thành một làn sóng thi đua “Học và làm theo Bác”. Những phong trào sâu rộng, những việc làm thiết thực, những tấm gương tiêu biểu trong rèn luyện đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong làm việc, học tập, ứng xử… đã góp phần tích cực vào việc đẩy mạnh công cuộc đổi mới đất nước, thắt chặt và làm khăng khít mối quan hệ máu thịt vốn có giữa Đảng và nhân dân. Danh sách những tấm gương tiêu biểu trong “Học và làm theo Bác” ngày càng nhiều, với muôn màu, muôn vẻ. Tuy nhiên trong thi đua, đâu đó vẫn còn mang dáng dấp của căn bệnh thành tích, bệnh hình thức.

Vào dịp cuối năm các đơn vị, các tổ chức trong hệ thống chính trị đều tiến hành việc chấm điểm để đánh giá phong trào thi đua trong năm. Việc đánh giá bằng chấm điểm thi đua, có điểm cộng (thưởng) và có điểm trừ (vì không đạt tiêu chí). Và việc “chạy điểm” lại xuất hiện; tuy không phổ biến nhưng nó như những “con sâu làm rầu nồi canh”.

Có chuyện 2 đơn vị cùng cấp, cùng có thành tích như nhau, nhưng lại có số điểm thi đua chênh lệch khá xa. Vì sao? Vì người đứng đầu đơn vị “biết” hoặc “không biết” cách bảo vệ điểm thi đua trước Hội đồng thi đua. Và đã có đơn vị: việc không hề làm, không hề họp, nhưng các sổ sách, biên bản đều đầy đủ cả, vì đơn vị ấy biết cách “hợp lý hoá các loại sổ sách, biên bản”. 

Việc xét thi đua khen thưởng đối với cá nhân cũng có nhiều chuyện cần phải bàn. Có đơn vị chỉ có 8 người nhưng có 2 người được đề nghị khen thưởng, vì đơn vị ấy có cả Bí thư và Chủ tịch, ai cũng “xứng đáng” được khen thưởng, nhân viên ở đơn vị ấy có giỏi giang đến mấy cũng phải “nhường” cho thủ trưởng, cho dù là biểu quyết bằng phiếu kín hẳn hoi!

Trong đợt bình xét cá nhân tiêu biểu trong 2 năm thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ở huyện Dương Minh Châu, danh sách bình chọn hoàn toàn vắng tên các đồng chí lãnh đạo từ huyện đến các cơ sở. Nhưng huyện DMC lại được Ban Chỉ đạo 06 của tỉnh đánh giá cao trong thực hiện cuộc vận động. Có đồng chí lãnh đạo của tỉnh đã tế nhị hỏi: “Có phải lãnh đạo Dương Minh Châu đã nhường phần biểu dương khen thưởng cho cấp dưới?”.

Ngày 24.9.2009, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra chỉ thị về việc tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”: Tất cả các đồng chí cán bộ lãnh đạo, nhất là lãnh đạo chủ chốt của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, nêu gương sáng trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Việc nêu gương của cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành bao gồm cả đạo đức, lối sống của bản thân và gia đình.

Làm giỏi, làm tốt được nhận khen thưởng là chuyện bình thường, nhưng khước từ những gì tự thấy mình chưa hoặc không xứng đáng cũng chính là biểu hiện rõ nét về đạo đức và văn hoá của người cán bộ.

NGUYỄN KHẮC LUÂN

Từ khóa:
Tin liên quan