Văn hóa - Giải trí   Đất nước mến yêu

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Học viện quân sự đầu tiên của Việt Nam

Cập nhật ngày: 18/02/2012 - 01:15

Giảng Võ đường giờ chỉ còn lại trong ký ức và sử sách. Người đời sau chỉ biết có một Giảng Võ đường ở phía Tây kinh thành, nơi súng nổ, ngựa hý, quân reo mang âm hưởng hào hùng của một thời.

Kể từ bình minh của lịch sử, dân tộc Việt đã luôn phải chinh phục thiên nhiên hoang dã để mở cõi và đấu tranh chống ngoại xâm. Do đó tinh thần thượng võ sớm hình thành trong người Việt. Thời Lý - Trần, các hoàng đế đã rất say mê tập luyện võ nghệ. Ngay sau khi dời đô về Thăng Long, trong số các kiến trúc đầu tiên đã có điện Giảng Võ ở trong Hoàng Thành, đây là nơi triều đình họp bàn quân sự. Năm 1170, vua Lý Anh Tông tập bắn và cưỡi ngựa ở phía nam thành Đại La, đặt tên là Xạ Đình, đồng thời sai các quan võ hàng ngày luyện tập phép công chiến phá trận.

Năm 1253, vua Trần Thái Tông cho lập Giảng Võ đường. Đây là trường võ bị cao cấp chuyên đào tạo các tướng lĩnh, đối tượng học tập chủ yếu là các quý tộc nhà Trần. Nội dung đào tạo là các kỹ thuật chiến đấu, kỹ năng chỉ huy. Giảng Võ đường đã đào tạo được nhiều tướng lĩnh xuất sắc cho quân đội, đóng góp lớn trong các cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên.

Đến đầu thế kỷ XV, sau khi khởi nghĩa chống lại sự đô hộ của nhà Minh thắng lợi, nhà Lê được thành lập. Cùng với sự phục hưng phát triển kinh tế văn hóa thì việc quan tâm đến xây dựng và phát triển quân đội cũng được triều đình quan tâm chú ý, trong đó có việc xây dựng Giảng Võ đường nơi đào tạo chỉ huy và quân sĩ quân đội.

Theo tài liệu lịch sử ghi chép từ đầu thời Lê, khu vực phía tây Thăng Long đã được sử dụng, xây dựng thành một trung tâm huấn luyện khảo hạch và diễn tập quân sự của quân đội: "Lê Thái Tổ năm Thuận Thiên thứ hai (1429) ra lệnh cho các tướng hiệu và quân nhân các vệ quân 5 đạo tập trận thủy và bộ... niên hiệu Thuận Thiên thời Lê Thái Tổ ở trên núi Khán Sơn dựng điện Giảng Võ, vua thường tới ngự duyệt quân xem bắn".

Điện Giảng Võ trong An Nam bình thắng đồ

Thời Lê Thái Tông năm Thiệu Bình thứ nhất (1434) ra lệnh cho các quân Ngự Tiền và các vệ quân 5 đạo, đến đầu mùa xuân đều phải đến địa phận Đông Kinh để điểm mục và tập võ nghệ... Năm 1437, Lê Thái Tông đặt luật lệ khảo thí võ nghệ các tướng hiệu trong các quân vệ như sau: phép thi gồm 3 môn bắn cung, ném tên, đánh mộc... Việc này sau định làm lệ thường.

Đời vua Lê Thánh Tông việc huấn luyện quân sĩ trở thành quân lệnh và thể thức đào tạo tướng lĩnh được quy định chặt chẽ: các con, cháu trưởng các tước công, hầu, bá, tử, nam và con trưởng các quan văn võ hàm nhị phẩm, tam phẩm nếu xin học võ nghệ sẽ được giao cho các quan thuộc vệ Cẩm Y huấn luyện. Võ sinh hằng ngày phải đến Giảng Võ, tập luyện các môn bắn cung, phóng lao, đâm khiên, cưỡi ngựa... Qua một năm tập luyện, đến tháng chạp võ sinh phải thi sát hạch. Sau 3 năm tập luyện, võ sinh được thi dự tuyển chọn do Bộ Binh đứng ra tổ chức, tùy theo đức tài, công lao mà cất nhắc dần lên....

Để đáp ứng cho nhu cầu tập luyện, thi, diễn võ bị, tại Giảng Võ đường, năm 1481, Lê Thánh Tông cho xây dựng điện Giảng Võ với quy mô lớn hoàn chỉnh: "Mùa đông tháng 10, đào hồ Hải Trì, hồ này quanh co đến trăm dặm. Giữa hồ có điện Thúy Ngọc, bên hồ xây điện Giảng Võ để tập luyện điểm binh mã".

Như vậy, đến thời kỳ này toàn bộ những hoạt động, tuyển chọn, đào tạo, tập luyện và thao diễn quân sự đều được tập trung về một địa điểm đó là Giảng Võ đường. Đây có thể coi là Học viện quân sự đầu tiên của Việt Nam. Việc tuyển chọn, huấn luyện tướng sĩ được quy định nghiêm chỉnh, học đi đôi với hành (thao diễn) để chọn những người có tài đức. Giảng Võ đường hoạt động cho đến năm 1664 mới dần mất vai trò của nó, điện Giảng Võ trở thành trường thi văn với tên gọi là Hội thi trường.

Giáo móc câu

Qua nghi trượng - một loại vũ khí nằm trong bộ sưu tập khai quật tại hồ Ngọc Khánh năm 1983

Dấu tích Giảng Võ đường xưa hiện nằm trên địa phận các phường Ngọc Khánh, Giảng Võ, Kim Mã (quận Ba Đình ngày nay). Cuộc khai quật khảo cổ học năm 1983 tại hồ Ngọc Khánh đã phát hiện nhiều hiện vật, di vật vũ khí như: kiếm, đạn đá, chông củ ấu, giáo móc câu, qua nghi trượng…đã góp phần minh chứng cho một địa danh đã ghi dấu trong lịch sử hào hùng của dân tộc ta.

K.D (st)