Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Hỏi đáp về bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (kỳ 11)
Thứ hai: 00:05 ngày 05/04/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Hội đồng bầu cử quốc gia do Quốc hội thành lập gồm từ 15 đến 21 thành viên gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Uỷ viên.

Câu 53. Các tổ chức phụ trách bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp gồm những tổ chức nào?

Các tổ chức phụ trách bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp gồm có:

- Hội đồng bầu cử quốc gia.

- Các Uỷ ban bầu cử được thành lập ở các đơn vị hành chính có tổ chức Hội đồng nhân dân gồm:

+ Uỷ ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

+ Uỷ ban bầu cử ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương.

+ Uỷ ban bầu cử ở xã, phường, thị trấn.

- Các Ban bầu cử được thành lập ở từng đơn vị bầu cử gồm:

+ Ban bầu cử đại biểu Quốc hội.

+ Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

+ Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện.

+ Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã.

- Các Tổ bầu cử được thành lập ở từng khu vực bỏ phiếu.

Riêng tại các địa phương thực hiện hoặc thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị, việc tổ chức các tổ chức phụ trách bầu cử xin xem thêm Câu 79.

Câu 54. Hội đồng bầu cử quốc gia được thành lập như thế nào? Số lượng thành viên, cơ cấu tổ chức của Hội đồng bầu cử được quy định như thế nào?

Theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Hội đồng bầu cử quốc gia do Quốc hội thành lập gồm từ 15 đến 21 thành viên gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Uỷ viên.

Hội đồng bầu cử quốc gia được thành lập theo Nghị quyết số 118/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội khoá XIV để tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV, chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia là bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Uỷ viên Bộ Chính trị khoá XII, Chủ tịch Quốc hội được Quốc hội bầu theo đề nghị của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. 04 Phó Chủ tịch và 16 Uỷ viên Hội đồng bầu cử quốc gia do Quốc hội phê chuẩn theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia đại diện cho các cơ quan trung ương của Đảng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một số cơ quan, tổ chức hữu quan.

Câu 55. Chức năng, nhiệm vụ cơ bản của Hội đồng bầu cử quốc gia là gì?

Hội đồng bầu cử quốc gia có các chức năng, nhiệm vụ cơ bản sau đây:

- Tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội.

- Chỉ đạo, hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

- Chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền và vận động bầu cử.

- Chỉ đạo công tác bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong cuộc bầu cử.

- Kiểm tra, đôn đốc việc thi hành pháp luật về bầu cử.

- Quy định mẫu hồ sơ ứng cử, mẫu Thẻ cử tri, mẫu phiếu bầu cử, nội quy phòng bỏ phiếu, các mẫu văn bản khác sử dụng trong công tác bầu cử.

Câu 56. Trong việc tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV, Hội đồng bầu cử quốc gia có các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể nào?

Trong việc tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV, Hội đồng bầu cử quốc gia được giao thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Ấn định và công bố số đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu Quốc hội khoá XV được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử.

2. Nhận và xem xét hồ sơ của người được tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở trung ương giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV; nhận hồ sơ và danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV do Uỷ ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gửi đến.

3. Gửi danh sách trích ngang lý lịch, bản sao tiểu sử tóm tắt và bản kê khai tài sản, thu nhập của những người được tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở trung ương giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV đến Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để thực hiện việc hiệp thương. Giới thiệu và gửi hồ sơ của người ứng cử đại biểu Quốc hội đã được Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiệp thương, giới thiệu để về ứng cử tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

4. Lập và công bố Danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV theo từng đơn vị bầu cử; xoá tên người ứng cử trong Danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội trong trường hợp có căn cứ theo quy định của luật.

5. Nhận và kiểm tra biên bản xác định kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV của các Uỷ ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ban bầu cử đại biểu Quốc hội chuyển đến; lập biên bản tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV trong cả nước.

6. Quyết định việc bầu cử thêm, bầu cử lại đại biểu Quốc hội hoặc hUỷ bỏ kết quả bầu cử và quyết định ngày bầu cử lại ở khu vực bỏ phiếu, đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội có vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

7. Xác nhận và công bố kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV trong cả nước; xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Quốc hội khoá XV.

8. Trình Quốc hội khoá XV báo cáo tổng kết cuộc bầu cử trong cả nước và kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội được bầu.

9. Giải quyết khiếu nại, tố cáo về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội; chuyển giao hồ sơ, khiếu nại, tố cáo liên quan đến những người trúng cử đại biểu Quốc hội khoá XV cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

10. Quản lý và phân bổ kinh phí tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV.

Câu 57. Trong việc chỉ đạo, hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Hội đồng bầu cử quốc gia có các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể nào?

Trong việc chỉ đạo, hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Hội đồng bầu cử quốc gia có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật về bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

2. Hướng dẫn hoạt động của các tổ chức phụ trách bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026.

3. Kiểm tra việc tổ chức bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026.

4. Huỷ bỏ kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân và quyết định ngày bầu cử lại ở khu vực bỏ phiếu, đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân có vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Câu 58. Cơ cấu tổ chức và bộ máy giúp việc của Hội đồng bầu cử quốc gia được tổ chức như thế nào?

Để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, Hội đồng bầu cử quốc gia đã thành lập 04 Tiểu ban để tham mưu và giúp Hội đồng trực tiếp chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn, xử lý một số công việc trong từng mảng lĩnh vực cụ thể, gồm có:

- Tiểu ban Nhân sự.

- Tiểu ban Giải quyết khiếu nại, tố cáo.

- Tiểu ban Văn bản pháp luật và Thông tin, tuyên truyền.

- Tiểu ban An ninh, Trật tự và Y tế.

Mỗi Tiểu ban có từ 9-21 thành viên vừa có đại diện thành viên của Hội đồng bầu cử quốc gia tham gia làm Trưởng, Phó Trưởng Tiểu ban, vừa có đại diện lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo dõi, phụ trách các lĩnh vực, mảng công việc tương ứng.

Đồng thời, trên cơ sở Nghị quyết số 1000/2020/UBTVQH14 ngày 16 tháng 9 năm 2020 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định về bộ máy giúp việc của Hội đồng bầu cử quốc gia, Hội đồng bầu cử quốc gia đã thành lập Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia với tư cách là bộ máy tham mưu, giúp việc, trực tiếp phục vụ việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng, các Tiểu ban của Hội đồng; đồng thời đã bổ nhiệm Chánh Văn phòng, các Phó Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia. Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia cũng tổ chức bộ phận thường trực và 05 Tổ giúp việc để tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ của Văn phòng. Công chức làm việc tại Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia chủ yếu gồm công chức của Văn phòng Quốc hội, cán bộ, công chức trưng tập hoặc kiêm nhiệm của một số cơ quan nhà nước khác, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội có liên quan.

Câu 59. Nhiệm vụ, quyền hạn của các Tiểu ban và Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia được quy định như thế nào?

1. Tiểu ban Nhân sự giúp Hội đồng bầu cử quốc gia về công tác nhân sự, tiếp nhận, xử lý đối với hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội ở trung ương, tham mưu lập Danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, lập danh sách đơn vị bầu cử, phân bổ người ứng cử đại biểu Quốc hội ở trung ương về địa phương, xác nhận và công bố kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV.

2. Tiểu ban Giải quyết khiếu nại, tố cáo giúp Hội đồng bầu cử quốc gia chỉ đạo, hướng dẫn và xem xét việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong bầu cử theo quy định của pháp luật.

3. Tiểu ban Văn bản pháp luật và Thông tin, tuyên truyền giúp Hội đồng bầu cử quốc gia trong việc hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về bầu cử; chỉ đạo, hướng dẫn công tác thông tin, tuyên truyền và vận động bầu cử.

4. Tiểu ban An ninh, trật tự và Y tế giúp Hội đồng bầu cử quốc gia chỉ đạo công tác bảo đảm an ninh, trật tự và y tế trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

5. Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

- Phục vụ Hội đồng bầu cử quốc gia, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Uỷ viên Hội đồng bầu cử quốc gia và các Tiểu ban của Hội đồng bầu cử quốc gia trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

- Giúp Hội đồng bầu cử quốc gia, các Tiểu ban của Hội đồng bầu cử quốc gia soạn thảo các văn bản thuộc thẩm quyền theo phân công.

- Tổ chức phục vụ các phiên họp, cuộc họp của Hội đồng bầu cử quốc gia, các Tiểu ban của Hội đồng bầu cử quốc gia.

- Giúp Hội đồng bầu cử quốc gia đôn đốc, theo dõi việc triển khai thực hiện công tác bầu cử.

- Giúp Hội đồng bầu cử quốc gia quản lý, sử dụng kinh phí hoạt động của Hội đồng bầu cử quốc gia.

- Thực hiện công tác hành chính, văn thư liên quan đến hoạt động của Hội đồng bầu cử quốc gia.

Ngoài các nhiệm vụ nêu trên, các Tiểu ban và Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia còn thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia giao.

Câu 60. Uỷ ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được thành lập như thế nào?

Uỷ ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được thành lập để thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và tổ chức bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Chậm nhất là ngày 07 tháng 2 năm 2021 (105 ngày trước ngày bầu cử), Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh sau khi thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân và Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp phải ra quyết định thành lập Uỷ ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung.

Uỷ ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có từ 21 đến 31 thành viên gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Uỷ viên là đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và một số cơ quan, tổ chức hữu quan.

Danh sách Uỷ ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải được gửi đến Hội đồng bầu cử quốc gia, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Câu 61. Uỷ ban bầu cử ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, Uỷ ban bầu cử ở xã, phường, thị trấn được thành lập như thế nào?

Uỷ ban bầu cử ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, xã, phường, thị trấn được thành lập để tổ chức bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã tương ứng trên địa bàn.

Chậm nhất là ngày 07 tháng 2 năm 2021 (105 ngày trước ngày bầu cử), Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Uỷ ban nhân dân cấp xã sau khi thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân và Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp quyết định thành lập Uỷ ban bầu cử ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, Uỷ ban bầu cử ở xã, phường, thị trấn.

Uỷ ban bầu cử ở cấp huyện có từ 11 đến 15 thành viên; Uỷ ban bầu cử ở cấp xã có từ 09 đến 11 thành viên. Thành viên Uỷ ban bầu cử ở cấp huyện, cấp xã gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Uỷ viên là đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và một số cơ quan, tổ chức hữu quan.

Danh sách Uỷ ban bầu cử ở cấp huyện, Uỷ ban bầu cử ở cấp xã phải được gửi đến Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân và Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp trên trực tiếp.

Câu 62. Trong việc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV, Uỷ ban bầu cử ở cấp tỉnh có các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể nào?

Trong bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV, Uỷ ban bầu cử ở cấp tỉnh có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Chỉ đạo việc chuẩn bị và tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV ở các đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; kiểm tra, đôn đốc việc thi hành pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội của các Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, Tổ bầu cử.

2. Chỉ đạo thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền và vận động bầu cử đại biểu Quốc hội ở địa phương.

3. Chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV ở địa phương.

4. Nhận và xem xét hồ sơ của người được tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế ở địa phương giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV và hồ sơ của người tự ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV tại địa phương; gửi danh sách trích ngang lý lịch, bản sao tiểu sử tóm tắt và bản kê khai tài sản, thu nhập của những người được giới thiệu ứng cử và những người tự ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV đến Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh để tiến hành hiệp thương; gửi hồ sơ và danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV tại địa phương đến Hội đồng bầu cử quốc gia.

5. Lập danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV theo đơn vị bầu cử và báo cáo để Hội đồng bầu cử quốc gia quyết định.

6. Chỉ đạo, kiểm tra việc lập và niêm yết danh sách cử tri.

7. Nhận tài liệu, phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV từ Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và phân phối cho các Ban bầu cử đại biểu Quốc hội chậm nhất là ngày 27 tháng 4 năm 2021 (25 ngày trước ngày bầu cử).

8. Giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với việc thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội của Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, Tổ bầu cử; khiếu nại, tố cáo về bầu cử đại biểu Quốc hội do Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, Tổ bầu cử chuyển đến; khiếu nại, tố cáo về người ứng cử đại biểu Quốc hội.

9. Nhận và kiểm tra biên bản xác định kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV của các Ban bầu cử đại biểu Quốc hội; lập biên bản xác định kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV ở địa phương.

10. Báo cáo tình hình tổ chức và tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV theo yêu cầu của Hội đồng bầu cử quốc gia.         

11. Chuyển hồ sơ, biên bản xác định kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV đến Hội đồng bầu cử quốc gia.

12. Tổ chức việc bầu cử thêm, bầu cử lại đại biểu Quốc hội theo quyết định của Hội đồng bầu cử quốc gia.

Câu 63. Trong việc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, các Uỷ ban bầu cử có các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể nào?

Trong bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026, Uỷ ban bầu cử ở các cấp có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Chỉ đạo việc tổ chức bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình nhiệm kỳ 2021-2026; kiểm tra, đôn đốc việc thi hành pháp luật về bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

2. Quản lý và phân bổ kinh phí tổ chức bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp mình.

3. Chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền và vận động bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở địa phương.

4. Chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở địa phương.

5. Ấn định và công bố số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình được bầu của mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân tương ứng.

6. Nhận và xem xét hồ sơ của những người được tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế, thôn, tổ dân phố ở địa phương giới thiệu ứng cử và những người tự ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình nhiệm kỳ 2021-2026; gửi danh sách trích ngang lý lịch, bản sao tiểu sử tóm tắt và bản kê khai tài sản, thu nhập của người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình nhiệm kỳ 2021-2026 đến Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp để tiến hành hiệp thương.

7. Lập và công bố Danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình nhiệm kỳ 2021-2026 theo từng đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân; xoá tên người ứng cử trong Danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình nhiệm kỳ 2021-2026 khi có các căn cứ theo quy định của luật.

8. Nhận tài liệu, phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân từ Uỷ ban nhân dân cùng cấp và phân phối cho các Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình chậm nhất là ngày 27 tháng 4 năm 2021 (25 ngày trước ngày bầu cử).

9. Nhận và kiểm tra biên bản xác định kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình nhiệm kỳ 2021-2026 ở từng đơn vị bầu cử do các Ban bầu cử gửi đến; lập biên bản tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân của cấp mình.

10. Chỉ đạo việc bầu cử thêm, bầu cử lại đại biểu Hội đồng nhân dân trong trường hợp cần thiết.

11. Xác nhận và công bố kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình nhiệm kỳ 2021-2026; xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

12. Trình Hội đồng nhân dân khoá mới ở cấp mình báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026 và kết quả xác nhận tư cách đại biểu Hội đồng nhân dân cùng cấp được bầu.

13. Giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với việc thực hiện công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân của Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình, Tổ bầu cử; khiếu nại, tố cáo về bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình do Ban bầu cử, Tổ bầu cử chuyển đến; khiếu nại, tố cáo về người ứng cử, việc lập danh sách người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình.

14. Bàn giao các biên bản tổng kết và hồ sơ, tài liệu về cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021 – 2026 cho Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp khoá mới.

Theo Hội đồng Bầu cử Quốc gia

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục