Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Hỏi đáp về bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (kỳ 12)
Thứ hai: 08:29 ngày 19/04/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ban bầu cử đại biểu Quốc hội được thành lập ở mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội để trực tiếp phụ trách công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV tại đơn vị bầu cử đó…

Câu 64. Ban bầu cử đại biểu Quốc hội được thành lập như thế nào?

Ban bầu cử đại biểu Quốc hội được thành lập ở mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội để trực tiếp phụ trách công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV tại đơn vị bầu cử đó.

Chậm nhất là ngày 14 tháng 3 năm 2021 (70 ngày trước ngày bầu cử), Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh sau khi thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân và Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp phải ra quyết định thành lập ở mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội một Ban bầu cử đại biểu Quốc hội.

Ban bầu cử đại biểu Quốc hội có từ 9 đến 15 thành viên gồm Trưởng ban, các Phó Trưởng ban và các Uỷ viên là đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và một số cơ quan, tổ chức hữu quan.

Danh sách Ban bầu cử đại biểu Quốc hội phải được gửi đến Uỷ ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp.

Câu 65. Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã được thành lập như thế nào?

Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân từng cấp (tỉnh, huyện, xã) được thành lập ở mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân của cấp tương ứng để trực tiếp phụ trách công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026 tại đơn vị bầu cử đó.

Chậm nhất là ngày 14 tháng 3 năm 2021 (70 ngày trước ngày bầu cử), Uỷ ban nhân dân ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã sau khi thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân và Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp quyết định thành lập ở mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình một Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có từ 11 đến 13 thành viên. Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện có từ 9 đến 11 thành viên. Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã có từ 7 đến 9 thành viên. Ban bầu cử gồm Trưởng ban, các Phó Trưởng ban và các Uỷ viên là đại diện cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội.

Danh sách Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp nào thì phải được gửi đến Uỷ ban bầu cử ở cấp tương ứng và Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp với Uỷ ban bầu cử đó nhằm bảo đảm thực hiện công tác chỉ đạo, tổ chức bầu cử và kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương.

Câu 66. Người tham gia làm thành viên Ban bầu cử này có được đồng thời tham gia kiêm nhiệm thành viên Ban bầu cử khác nữa không?

Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đã quy định rõ thành phần tham gia các Ban bầu cử phải có đại diện của Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tương ứng với từng cấp và một số cơ quan, tổ chức hữu quan khác.

Luật không quy định thành viên của Ban bầu cử đại biểu Quốc hội không thể đồng thời là thành viên của Ban bầu cử khác mà chỉ có quy định về những trường hợp không được tham gia vào các tổ chức phụ trách bầu cử, trong đó bao gồm các Ban bầu cử (nếu là người thuộc danh sách ứng cử tại đơn vị bầu cử thuộc phạm vi phụ trách của Ban bầu cử đó). Do đó, tùy tình hình nhân sự và thực tiễn của địa phương, các cơ quan nói trên có thể xem xét, phân công người thích hợp tham gia vào các Ban bầu cử, bảo đảm đầy đủ thành phần theo quy định của Luật.

Câu 67. Ban bầu cử có các nhiệm vụ, quyền hạn nào?

Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã có chung những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Kiểm tra, đôn đốc việc thi hành pháp luật về bầu cử của các Tổ bầu cử thuộc đơn vị bầu cử.

2. Kiểm tra, đôn đốc việc lập, niêm yết danh sách cử tri và việc niêm yết danh sách những người ứng cử ở các Tổ bầu cử thuộc đơn vị bầu cử.

3. Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc bố trí các phòng bỏ phiếu và công việc bầu cử ở các phòng bỏ phiếu.

4. Nhận và phân phối tài liệu, phiếu bầu cử cho các Tổ bầu cử chậm nhất là 15 ngày trước ngày bầu cử.

5. Nhận, tổng hợp và kiểm tra biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử của các Tổ bầu cử; lập biên bản xác định kết quả bầu cử ở đơn vị bầu cử.

6. Giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với việc thực hiện công tác bầu cử của các Tổ bầu cử và khiếu nại, tố cáo về bầu cử do các Tổ bầu cử chuyển đến; nhận và chuyển đến Uỷ ban bầu cử ở cấp tỉnh khiếu nại, tố cáo về người ứng cử đại biểu Quốc hội; nhận và chuyển đến Uỷ ban bầu cử tương ứng khiếu nại, tố cáo về người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

7. Báo cáo tình hình tổ chức và tiến hành bầu cử theo hướng dẫn, yêu cầu của Hội đồng bầu cử quốc gia hoặc theo yêu cầu của Uỷ ban bầu cử cùng cấp.

8. Chuyển hồ sơ, tài liệu về bầu cử đại biểu Quốc hội đến Uỷ ban bầu cử ở tỉnh; chuyển hồ sơ, tài liệu về bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân đến Uỷ ban bầu cử cùng cấp.

9. Tổ chức thực hiện việc bầu cử thêm, bầu cử lại (nếu có).

Câu 68. Tổ bầu cử được thành lập như thế nào?

Tổ bầu cử được thành lập ở mỗi khu vực bỏ phiếu để thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Chậm nhất là ngày 03 tháng 4 năm 2021 (50 ngày trước ngày bầu cử), Uỷ ban nhân dân cấp xã sau khi thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân và Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp quyết định thành lập ở mỗi khu vực bỏ phiếu một Tổ bầu cử để thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Tổ bầu cử có từ 11 đến 21 thành viên gồm Tổ trưởng, Thư ký và các Uỷ viên là đại diện cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đại diện cử tri ở địa phương.

Câu 69. Tổ bầu cử ở đơn vị vũ trang nhân dân được thành lập như thế nào? Trường hợp đơn vị vũ trang nhân dân và địa phương có chung khu vực bỏ phiếu thì việc thành lập Tổ bầu cử được thực hiện như thế nào?

Trường hợp đơn vị vũ trang nhân dân được xác định là khu vực bỏ phiếu riêng thì chỉ huy đơn vị quyết định thành lập một Tổ bầu cử có từ 5 đến 9 thành viên gồm Tổ trưởng, Thư ký và các Uỷ viên là đại diện chỉ huy đơn vị và đại diện quân nhân của đơn vị vũ trang nhân dân đó. Danh sách Tổ bầu cử phải được gửi đến Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện có tổ chức bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân tại khu vực bỏ phiếu đó và Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đơn vị đóng quân.

Trường hợp đơn vị vũ trang nhân dân và địa phương tổ chức chung thành một khu vực bỏ phiếu thì Uỷ ban nhân dân cấp xã sau khi thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và chỉ huy đơn vị vũ trang nhân dân quyết định thành lập Tổ bầu cử có từ 11 đến 21 thành viên gồm Tổ trưởng, Thư ký và các Uỷ viên là đại diện cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đại diện cử tri ở địa phương, đại diện chỉ huy đơn vị và đại diện quân nhân của đơn vị vũ trang nhân dân đó.

Câu 70. Việc thành lập Tổ bầu cử tại các khu vực bỏ phiếu riêng khác được thực hiện như thế nào?

Ngoài đơn vị vũ trang nhân dân (như đã nêu tại Câu 69), tại các khu vực bỏ phiếu riêng khác như bệnh viện, nhà hộ sinh, nhà an dưỡng, cơ sở chăm sóc người khuyết tật, cơ sở chăm sóc người cao tuổi có từ 50 cử tri trở lên hoặc cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện, trại tạm giam (quy định tại điểm b và điểm c khoản 3 Điều 11 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân) thì việc thành lập Tổ bầu cử vẫn do Uỷ ban nhân dân cấp xã thực hiện như đối với các khu vực bỏ phiếu thông thường khác.

Câu 71. Ở những đơn vị hành chính cấp huyện không có đơn vị hành chính cấp xã thì việc thành lập Tổ bầu cử được thực hiện như thế nào?

Đối với các đơn vị hành chính cấp huyện không được chia thành các đơn vị hành chính cấp xã (ví dụ như tại một số huyện đảo) thì Uỷ ban nhân dân cấp huyện sau khi thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân và Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp quyết định thành lập ở mỗi khu vực bỏ phiếu một Tổ bầu cử có từ 11 đến 21 thành viên gồm Tổ trưởng, Thư ký và các Uỷ viên là đại diện cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đại diện cử tri ở địa phương.

Câu 72. Tổ bầu cử có các nhiệm vụ, quyền hạn nào?

Trong việc thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Tổ bầu cử có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Phụ trách công tác bầu cử trong khu vực bỏ phiếu.

2. Bố trí phòng bỏ phiếu, chuẩn bị hòm phiếu.

3. Nhận tài liệu và phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân từ các Ban bầu cử tương ứng; phát Thẻ cử tri, phiếu bầu cử có đóng dấu của Tổ bầu cử cho cử tri.

4. Thường xuyên thông báo cho cử tri biết ngày bầu cử, nơi bỏ phiếu, thời gian bỏ phiếu trong thời hạn 10 ngày trước ngày bầu cử (tức là từ ngày 13 tháng 5 đến ngày 22 tháng 5 năm 2021).

5. Bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh quy định của pháp luật về bầu cử và nội quy phòng bỏ phiếu.

6. Giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ bầu cử; nhận và chuyển đến Ban bầu cử tương ứng khiếu nại, tố cáo về người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân mỗi cấp và các khiếu nại, tố cáo khác không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tổ bầu cử.

7. Kiểm phiếu và lập biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV, biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân từng cấp nhiệm kỳ 2021-2026 để gửi đến các Ban bầu cử tương ứng.

8. Chuyển biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử và toàn bộ phiếu bầu cử đến Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi có khu vực bỏ phiếu khi kết thúc việc kiểm phiếu.

9. Báo cáo tình hình tổ chức và tiến hành bầu cử theo quy định của các tổ chức phụ trách bầu cử cấp trên.

10. Thực hiện việc bầu cử thêm, bầu cử lại tại khu vực bỏ phiếu (nếu có).

Câu 73. Các tổ chức phụ trách bầu cử hoạt động theo nguyên tắc nào?

Hội đồng bầu cử quốc gia hoạt động theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số. Các cuộc họp được tiến hành khi có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên của Hội đồng bầu cử quốc gia tham dự; các quyết định được thông qua khi có quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành. Hội đồng bầu cử quốc gia chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo về hoạt động của mình trước Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương (bao gồm các Uỷ ban bầu cử, các Ban bầu cử, các Tổ bầu cử) hoạt động theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số. Các cuộc họp được tiến hành khi có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên tham dự; các quyết định được thông qua khi có quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành.

Các quyết định của Hội đồng bầu cử quốc gia, của các Uỷ ban bầu cử ở các đơn vị hành chính được thông qua và thể hiện dưới hình thức nghị quyết.

Câu 74. Các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương tổ chức công việc như thế nào?

Căn cứ điều kiện cụ thể, cơ quan có thẩm quyền thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử có quyền trưng tập cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội giúp việc cho tổ chức phụ trách bầu cử theo quyết định của người đứng đầu tổ chức phụ trách bầu cử.

Các tổ chức phụ trách bầu cử tổ chức quán triệt những nhiệm vụ, quyền hạn của từng tổ chức phụ trách bầu cử đã được Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định; các thành viên của các tổ chức phụ trách bầu cử phải được tập huấn đầy đủ các kỹ năng, nghiệp vụ thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, trong đó đặc biệt chú trọng công tác tập huấn đối với thành viên Tổ bầu cử.

Các tổ chức phụ trách bầu cử thực hiện các công việc theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và thực hiện chế độ báo cáo định kỳ theo tiến độ về tình hình chuẩn bị, triển khai, thực hiện công tác bầu cử với tổ chức phụ trách bầu cử cấp trên trực tiếp và cơ quan có thẩm quyền.

Câu 75. Trách nhiệm của thành viên tổ chức phụ trách bầu cử được quy định như thế nào?

Người đứng đầu tổ chức phụ trách bầu cử phân công, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể đối với từng thành viên trong quá trình thực hiện công tác bầu cử.

Thành viên các tổ chức phụ trách bầu cử có trách nhiệm tham gia đầy đủ việc tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ thực hiện công tác bầu cử; nắm vững và thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn được phân công; công tâm, khách quan, trung thực trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ được giao, các thành viên tổ chức phụ trách bầu cử phải trao đổi, hội ý công việc, đánh giá rút kinh nghiệm về những công việc đã thực hiện của mỗi thành viên; người đứng đầu tổ chức phụ trách bầu cử chịu trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc các thành viên thực hiện những công việc còn tồn đọng và phân công các thành viên thực hiện các công việc tiếp theo của tổ chức phụ trách bầu cử theo tiến độ thực hiện công tác bầu cử.

Trong ngày bầu cử, các thành viên tổ chức phụ trách bầu cử phải đeo phù hiệu của tổ chức phụ trách bầu cử cấp mình.

Câu 76. Các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương được sử dụng con dấu như thế nào?

Trong quá trình tổ chức, thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương được cấp và sử dụng thống nhất các con dấu theo mẫu do Hội đồng bầu cử quốc gia quy định (theo Mẫu số 41/HĐBC tại Nghị quyết số 41/NQ-HĐBCQG ngày 18 tháng 01 năm 2021). Các mẫu dấu này đã được thiết kế để dùng ổn định, lâu dài trong tất cả các cuộc bầu cử để tiết kiệm chi phí và đã được sử dụng trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021 (năm 2016). Uỷ ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm chuẩn bị các con dấu của các tổ chức phụ trách bầu cử ở cấp mình; Uỷ ban nhân dân cấp xã chuẩn bị con dấu của Tổ bầu cử và con dấu “Đã bỏ phiếu” để bàn giao cho các tổ chức phụ trách bầu cử tương ứng.

Do đó, các con dấu đã được sử dụng trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021 nếu vẫn trong tình trạng sử dụng tốt và các thông tin về đơn vị hành chính có liên quan (tên loại, tên gọi) không có sự thay đổi, điều chỉnh thì vẫn được sử dụng cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Các tổ chức phụ trách bầu cử có trách nhiệm thực hiện đúng quy định về quản lý và sử dụng con dấu.

Câu 77. Đối với đơn vị hành chính cấp xã chỉ có duy nhất 01 khu vực bỏ phiếu thì Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã có đồng thời thực hiện nhiệm vụ của Tổ bầu cử được hay khồng?

Tại đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã chỉ có duy nhất một khu vực bỏ phiếu, vẫn thành lập Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã và Tổ bầu cử ở khu vực bỏ phiếu. Thành viên Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã có thể kiêm nhiệm làm thành viên của Tổ bầu cử. Ban bầu cử, Tổ bầu cử thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật về bầu cử.

Câu 78. Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, việc tổ chức bầu cử tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng có điểm gì khác biệt?

Theo các nghị quyết số 97/2019/QH14, số 119/2020/QH14 và số 131/2020/QH14 của Quốc hội thì tại thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng sẽ tổ chức thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, thành phố Hồ Chí Minh sẽ chính thức thực hiện mô hình chính quyền đô thị từ năm 2021. Theo đó, bắt đầu từ nhiệm kỳ 2021-2026, ở các phường của thành phố Hà Nội sẽ không tổ chức Hội đồng nhân dân phường; ở các quận, phường của thành phố Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh đều không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, Hội đồng nhân dân phường. Như vậy, việc tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn các thành phố nói trên sẽ được tiến hành như sau:

- Trên địa bàn thành phố Hà Nội, chỉ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV, đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, đại biểu Hội đồng nhân dân các quận, đại biểu Hội đồng nhân dân thị xã Sơn Tây, đại biểu Hội đồng nhân dân các huyện thuộc thành phố Hà Nội và đại biểu Hội đồng nhân dân các xã, thị trấn thuộc các huyện, thị xã của thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026.

- Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, chỉ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV, đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng, đại biểu Hội đồng nhân dân huyện Hòa Vang và đại biểu Hội đồng nhân dân các xã thuộc huyện Hòa Vang nhiệm kỳ 2021-2026.

- Trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, chỉ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV, đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Thủ Đức, đại biểu Hội đồng nhân dân các huyện thuộc thành phố Hồ Chí Minh và đại biểu Hội đồng nhân dân các xã, thị trấn thuộc các huyện của thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2021-2026.

Câu 79. Việc thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng được thực hiện thế nào?

Để tổ chức việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nêu tại Câu 78, thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh sẽ cần thành lập các loại tổ chức phụ trách bầu cử sau đây:

1. Đối với thành phố Hà Nội:

- Thành lập Uỷ ban bầu cử ở thành phố Hà Nội để thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và tổ chức bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026.

- Thành lập Uỷ ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở các quận, huyện, thị xã, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội để tổ chức bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026 ở từng đơn vị hành chính tương ứng. Không thành lập Uỷ ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân phường tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội.

- Thành lập các Ban bầu cử đại biểu Quốc hội tại mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội trên địa bàn thành phố Hà Nội.

- Thành lập các Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân huyện, quận, thị xã, xã, thị trấn tại mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân của cấp tương ứng. Không thành lập Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân phường tại các phường thuộc quận, thị xã thuộc thành phố Hà Nội.

- Thành lập ở mỗi khu vực bỏ phiếu một Tổ bầu cử để thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân của cấp được tổ chức bầu cử trên địa bàn khu vực bỏ phiếu. Như vậy, Tổ bầu cử được thành lập ở các khu vực bỏ phiếu trên địa bàn các quận nội thành của thành phố Hà Nội và các phường thuộc thị xã Sơn Tây sẽ chỉ thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, đại biểu Hội đồng nhân dân quận hoặc thị xã thuộc thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026.

2. Đối với thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng:

- Thành lập Uỷ ban bầu cử ở thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng để thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và tổ chức bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố nhiệm kỳ 2021-2026.

- Thành lập Uỷ ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở thành phố Thủ Đức, các huyện, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, ở huyện Hòa Vang, các xã thuộc huyện Hòa Vang của thành phố Đà Nẵng để tổ chức bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026 ở từng đơn vị hành chính tương ứng. Không thành lập Uỷ ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân quận, Uỷ ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân phường tại các quận và tại các phường thuộc quận của thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng; không thành lập Uỷ ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân phường tại các phường thuộc thành phố Thủ Đức.

- Thành lập các Ban bầu cử đại biểu Quốc hội tại mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng.

- Thành lập các Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Thủ Đức, Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân huyện, xã, thị trấn tại mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân của cấp tương ứng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Thành lập các Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng, Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân huyện Hòa Vang, Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các xã thuộc huyện Hòa Vang thuộc thành phố Đà Nẵng. Không thành lập Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân quận, Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân phường tại các phường thuộc quận của thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng; không thành lập Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân phường tại các phường thuộc thành phố Thủ Đức.

- Thành lập ở mỗi khu vực bỏ phiếu một Tổ bầu cử để thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân của cấp được tổ chức bầu cử trên địa bàn khu vực bỏ phiếu. Như vậy, Tổ bầu cử được thành lập ở các khu vực bỏ phiếu trên địa bàn các quận của thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng sẽ chỉ thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2021-2026; Tổ bầu cử được thành lập ở các khu vực bỏ phiếu trên địa bàn thành phố Thủ Đức chỉ thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Thủ Đức nhiệm kỳ 2021-2026.

Do số lượng các tổ chức phụ trách bầu cử tại các thành phố sẽ tổ chức mô hình chính quyền đô thị có sự giảm bớt khá nhiều so với các đơn vị hành chính thông thường khác, nên để có thể bảo đảm thực hiện có hiệu quả công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và tổ chức bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn, thì cấp Uỷ, chính quyền địa phương, đặc biệt là Uỷ ban bầu cử ở các thành phố nói trên, cần tập trung đẩy mạnh, tổ chức thực hiện tốt công tác chỉ đạo việc tổ chức bầu cử; kiểm tra, đôn đốc việc thi hành pháp luật về bầu cử trên toàn địa bàn thành phố; chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về cuộc bầu cử; chú trọng công tác bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn; có phương án chủ động ứng phó với những tình huống thiên tai, dịch bệnh có thể xẩy ra trong thời gian tiến hành bầu cử,... Sau khi kết thúc cuộc bầu cử, các tổ chức phụ trách bầu cử cần tiến hành tổng kết cụ thể, chi tiết về việc triển khai thực hiện công tác bầu cử ở địa phương mình để đánh giá, rút kinh nghiệm, chỉ ra các nội dung còn khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp, điều chỉnh cần thiết nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác này trong các kỳ bầu cử tiếp theo.

Câu 80. Khi nào Hội đồng bầu cử quốc gia kết thúc nhiệm vụ?

Hội đồng bầu cử quốc gia kết thúc nhiệm vụ sau khi đã trình Quốc hội khoá XV báo cáo tổng kết cuộc bầu cử trong cả nước và kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội được bầu, bàn giao biên bản tổng kết và hồ sơ, tài liệu về bầu cử đại biểu Quốc hội cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XV.

Câu 81. Khi nào Uỷ ban bầu cử, Ban bầu cử, Tổ bầu cử kết thúc nhiệm vụ?

Uỷ ban bầu cử ở cấp tỉnh, Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, Tổ bầu cử kết thúc nhiệm vụ đối với bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV sau khi Hội đồng bầu cử quốc gia kết thúc việc tổng kết công tác bầu cử đại biểu Quốc hội trong cả nước và công bố kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV.

Uỷ ban bầu cử ở các cấp kết thúc nhiệm vụ đối với bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cùng cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sau khi Uỷ ban bầu cử đã trình báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân và hồ sơ, tài liệu về bầu cử tại kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân cấp tương ứng nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, Tổ bầu cử hết nhiệm vụ đối với bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sau khi Uỷ ban bầu cử ở cấp tương ứng kết thúc việc tổng kết công tác bầu cử và công bố kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân của cấp mình nhiệm kỳ 2021-2026.

Câu 82. Những trường hợp không được tham gia vào các tổ chức phụ trách bầu cử và việc thay đổi, bổ sung hoặc giữ nguyên thành viên tổ chức phụ trách bầu cử được quy định như thế nào?

Người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân không được làm thành viên Ban bầu cử hoặc Tổ bầu cử ở đơn vị bầu cử mà mình ứng cử.

Nếu đã là thành viên của Ban bầu cử hoặc Tổ bầu cử ở đơn vị bầu cử mà mình có tên trong Danh sách chính thức những người ứng cử thì người ứng cử phải xin rút khỏi danh sách thành viên của tổ chức phụ trách bầu cử đó chậm nhất là vào ngày công bố Danh sách chính thức những người ứng cử theo từng đơn vị bầu cử. Trường hợp người ứng cử không có đơn xin rút thì cơ quan đã quyết định thành lập Ban bầu cử, Tổ bầu cử ra quyết định xoá tên người đó khỏi danh sách thành viên của tổ chức phụ trách bầu cử và bổ sung thành viên khác để thay thế.

Câu 83. Trường hợp bị khuyết thành viên tổ chức phụ trách bầu cử thì xử lý như thế nào?

Trường hợp thành viên tổ chức phụ trách bầu cử bị chết, bị kỷ luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc vì lý do khác dẫn đến khuyết thành viên tổ chức phụ trách bầu cử so với số lượng ghi trong quyết định thành lập thì căn cứ tình hình cụ thể của mỗi địa phương, Uỷ ban nhân dân sau khi thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân và Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp quyết định thay đổi, bổ sung thành viên tổ chức phụ trách bầu cử ở cấp mình trước ngày bầu cử.

Câu 84. Uỷ ban bầu cử, Ban bầu cử có được cử thêm chức danh Thư ký Uỷ ban bầu cử và Thư ký Ban bầu cử để thường xuyên giúp việc cho các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương hay không?

Các luật bầu cử trước đây có quy định về chức danh Thư ký Uỷ ban bầu cử, Thư ký Ban bầu cử trong số các thành viên của Uỷ ban bầu cử, Ban bầu cử. Tuy nhiên, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 không có quy định cụ thể về chức danh này. Điều 4 của Thông tư số 01/2021/TT-BNV ngày 11 tháng 01 năm 2021 của Bộ Nội vụ hướng dẫn nghiệp vụ công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-20261 đã nêu rõ: Người đứng đầu tổ chức phụ trách bầu cử chịu trách nhiệm phân công nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của từng thành viên tổ chức phụ trách bầu cử cấp mình từ giai đoạn chuẩn bị, triển khai, tổ chức ngày bầu cử, các công việc tiến hành sau ngày bầu cử cho đến khi kết thúc cuộc bầu cử; trong đó phân công một thành viên làm thư ký chịu trách nhiệm quản lý tài liệu, con dấu, tổng hợp chung công tác bầu cử của Uỷ ban bầu cử và Ban bầu cử. Do đó, Uỷ ban bầu cử, Ban bầu cử có thể phân công một Phó Trưởng ban hoặc một Uỷ viên thực hiện các nhiệm vụ của Thư ký Uỷ ban bầu cử, Thư ký Ban bầu cử trước đây mà không cần có chức danh riêng cho công tác này.

Câu 85. Địa phương có thể thành lập thêm các tổ chức trung gian ở xã, phường, thị trấn và ở các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh để giúp các Ban bầu cử tập hợp kết quả bầu cử được không?

Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đã quy định rõ về các tổ chức phụ trách bầu cử ở trung ương và ở địa phương. Nhiệm vụ, quyền hạn của từng loại tổ chức phụ trách bầu cử cũng đã được quy định rất cụ thể. Vì vậy, để bảo đảm thống nhất và phù hợp với các quy định của pháp luật, các địa phương không được thành lập thêm các tổ chức trung gian để tập hợp kết quả bầu cử hoặc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác mà Luật đã quy định cho các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương.

Câu 86. Việc trưng tập người để hỗ trợ hoạt động của các tổ chức phụ trách bầu cử được thực hiện như thế nào?

Hội đồng bầu cử quốc gia có quyền trưng tập cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội để giúp việc cho Hội đồng bầu cử quốc gia.

Cơ quan có thẩm quyền thành lập tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương có quyền trưng tập cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập để giúp thực hiện các công việc liên quan đến tổ chức bầu cử.

Theo Hội đồng Bầu cử Quốc gia

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục