Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Hội đồng nhân dân tỉnh: Giám sát công tác giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư công giai đoạn 2018-2021
Thứ bảy: 00:54 ngày 16/04/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sáng 14.4, đoàn giám sát của HĐND tỉnh do bà Nguyễn Đài Thy- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND huyện Tân Biên về công tác giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư công trên địa bàn, giai đoạn 2018-2021.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thanh Phong phát biểu tại buổi làm việc với UBND thị xã Trảng Bàng. Ảnh: Minh Dương

Theo UBND huyện Tân Biên, để thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, cần có sự tập trung vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự đoàn kết, nhất trí của người dân để phát huy sức mạnh tổng hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai dự án kịp thời, đúng tiến độ.

UBND huyện luôn rà soát, nghiên cứu cập nhật chính sách, văn bản mới liên quan đến công tác bồi thường; chỉ đạo thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phân nhóm, phân kỳ các dự án trọng điểm theo chỉ đạo của Huyện uỷ và kế hoạch điều hành của UBND huyện. Các thắc mắc, kiến nghị của từng dự án được UBND huyện giải quyết dứt điểm, bảo đảm việc bố trí tái định cư và nguồn kinh phí chi trả để thực hiện chính sách theo phương án phê duyệt.

Theo đánh giá của UBND huyện Tân Biên, Luật Đất đai năm 2013 và các nghị định của Chính phủ, thông tư, quyết định, văn bản hướng dẫn dưới luật của các bộ, ngành Trung ương ban hành thể hiện sự tiến bộ so với Luật Đất đai 1993 (sửa đổi, bổ sung năm 1998 và năm 2001) về các điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện các nhiệm vụ trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Tuy nhiên, có một số quy định chưa bảo đảm tính đồng bộ hoặc chưa sát thực tiễn tại huyện nên khi triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, phải báo cáo xin ý kiến của UBND tỉnh.

Trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện các dự án còn gặp một số khó khăn như: Tân Biên đang trong quá trình đô thị hoá, quy hoạch phát triển đô thị được điều chỉnh và ngày càng mở rộng, khối lượng các dự án phải thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn rất lớn.

Do thời gian thực hiện dự án kéo dài, áp lực về nhu cầu nhà ở trong quá trình phát triển xã hội, nhận thức của người dân còn thấp nên phát sinh nhiều trường hợp chuyển nhượng nhà đất bằng giấy tay, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng nhà, công trình không phép... gây khó khăn và tạo áp lực rất lớn cho công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Mặt khác, thời gian thẩm định giá của một số dự án kéo dài, phải lập lại chứng thư thẩm định nhiều lần gây ảnh hưởng đến kinh phí, tiến độ thực hiện dự án...

Địa phương kiến nghị UBND tỉnh sớm ban hành quyết định thay thế Quyết định số 17/2015/QĐ-UBND ngày 2.4.2015 quy định về một số chính sách bồi thường hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh; sớm ban hành cơ chế chính sách đặc thù cho người làm công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu tại buổi làm việc, bà Nguyễn Đài Thy- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đánh giá cao sự nỗ lực của cấp uỷ địa phương, điều hành của UBND huyện trong công tác xây dựng cơ bản, đặc biệt là giải phóng mặt bằng; đồng thời ghi nhận những khó khăn, hạn chế, kiến nghị của địa phương đối với công tác này.

 Cùng ngày, đoàn giám sát do ông Nguyễn Thanh Phong- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh dẫn đầu có buổi làm việc tại UBND thị xã Trảng Bàng. Tham gia đoàn công tác có đại diện các Ban của HĐND tỉnh, UBMTTQVN tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường.

Làm việc với đoàn có ông Võ Văn Dũng- Bí thư Thị uỷ và ông Trần Anh Minh- Chủ tịch UBND thị xã Trảng Bàng.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Trần Minh Tâm- Phó Chủ tịch UBND thị xã Trảng Bàng cho biết, giai đoạn 2018-2021, trên địa bàn Thị xã có 10 dự án đầu tư công được triển khai, trong đó có 9 dự án thực hiện thu hồi đất và 1 dự án chỉ bồi thường tài sản trên đất (dự án đường An Thạnh - Phước Chỉ), tổng diện tích đất phải thu hồi là 100,88 ha của 1.858 hộ, với tổng kinh phí thực hiện công tác giải phóng mặt bằng trên 551,59 tỷ đồng.

Nhìn chung, công tác lập, phê duyệt phương án, tổ chức bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi thu hồi đất thực hiện các công trình, dự án đầu tư công trên địa bàn Thị xã bảo đảm theo trình tự thủ tục, đúng quy định của pháp luật.

Trong quá trình thực hiện, Thị xã cũng gặp một số khó khăn như: việc xác định giá trị đất bồi thường còn nhiều bất cập, do việc đối chiếu kê khai giá trị chuyển nhượng quyền sử dụng đất của người dân không đúng với giá giao dịch thực tế; một số diện tích đất nguồn gốc phức tạp (đất bao chiếm, lấn chiếm, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất bằng thoả thuận dân sự (giấy tay) không thông qua các cơ quan quản lý nhà nước, hoặc đất đang tranh chấp kéo dài) gây khó khăn cho công tác xác định điều kiện bồi thường.

Dự án Đường liên tuyến N8 -787B-789 đang được triển khai. Ảnh: Minh Dương

Một số công trình vật kiến trúc, cây trồng chưa có quy định trong bảng giá bồi thường Nhà nước làm ảnh hưởng đến tiến độ lập và phê duyệt phương án bồi thường. Nguồn nhân lực thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn mỏng, thiếu chế độ đãi ngộ, gây khó khăn trong quá trình thực hiện công tác.

Sau khi lắng nghe ý kiến các thành viên trong đoàn, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thanh Phong ghi nhận những nỗ lực của hệ thống chính trị thị xã Trảng Bàng trong công tác thu hồi, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng thời gian qua.

Những khó khăn và kiến nghị của UBND Thị xã sẽ được Thường trực HĐND tỉnh tổng hợp, đưa vào chương trình làm việc với UBND tỉnh nhằm tìm giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và chính quyền trong việc giải phóng mặt bằng, phục vụ thực hiện các dự án đầu tư công của tỉnh.

Giang Hà - Minh Dương

Tin cùng chuyên mục