Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Cuốn sách Hồi ký Trường Sơn do Nhà xuất bản Công an Nhân dân biên soạn, tập hợp các hồi ký của nhiều vị tướng, vị tá, nhà văn. Sách được xuất bản vào năm 2005 nhằm tái hiện rõ nét quá trình xây dựng, phát triển đường Trường Sơn qua nhiều giai đoạn...
Bìa sách Hồi ký Trường Sơn.
Đường Trường Sơn là con đường vận tải lịch sử và đầy huyền thoại, là "mạch máu" chính nối hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến miền Nam. Đường Trường Sơn được ra đời vào ngày 19.5.1959, trùng với ngày sinh của Bác Hồ. Sự trùng hợp ấy nên con đường có tên gọi khác là “đường Hồ Chí Minh”, góp phần không nhỏ làm nên thành công của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Bác đã từng nói: “Dù phải đốt cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập”.
Cuốn sách Hồi ký Trường Sơn do Nhà xuất bản Công an Nhân dân biên soạn, tập hợp các hồi ký của nhiều vị tướng, vị tá, nhà văn. Sách được xuất bản vào năm 2005 nhằm tái hiện rõ nét quá trình xây dựng, phát triển đường Trường Sơn qua nhiều giai đoạn, cuộc tác chiến kết hợp của nhiều binh chủng bộ binh, công binh, lái xe, pháo binh, hậu cần, quân y, thông tin và những chiến sĩ giao liên lặng lẽ âm thầm.
Tất cả các sự kiện “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” đều có trong cuốn sách này qua các bài viết của Đại tướng Văn Tiến Dũng, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, Thiếu tướng Võ Bẩm; các Đại tá Nguyễn Danh, Nguyễn Việt Phương, Hồng Kỳ, Lê Xi; Thượng tá Hoàng Xuân Điển, Trung tá Trọng Khoát và các nhà văn Ngô Văn Phú, Dương Thị Xuân Quý, Nguyễn Sinh, Nguyễn An Biên, Dân Hồng, Nguyễn Thuỵ Kha…
Mỗi tác giả với mỗi cách thể hiện, phong cách viết khác nhau nhưng trong Hồi ký Trường Sơn xoay quanh chủ đề làm nổi bật cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân cả nước chống đế quốc Mỹ. Như trong hồi ký “Mở đường Hồ Chí Minh”, Thiếu tướng Võ Bẩm kể ông là người đầu tiên của quân đội nhận nhiệm vụ mở đường để tiếp sức cho cách mạng miền Nam.
Theo chỉ thị của Bộ Chính trị, trong năm 1959 phải đưa vào miền Nam 500 cán bộ từ trung tá trở xuống và 7.000 khẩu súng bộ binh từ trung liên trở xuống để tổ chức 700 trung đội trước mắt là tự vệ, đồng thời để chuẩn bị cho lực lượng vũ trang sau này. Nhà văn Ngô Văn Phú trong hồi ký “Mở đường lớn xuyên Trường Sơn” có đoạn mô tả rất sinh động như sau: “Trên dọc tuyến Trường Sơn, hàng vạn người lao động khẩn trương. Nhiều công trường đá, công trường khai thác gỗ đã mở.
Tiếng chặt cây, đẵn gỗ rền vang trong các khu rừng. Tiếng bộc phá, tiếng nổ mìn nối tiếp nhau, suốt từ mờ sáng cho đến tối mịt. Trường Sơn đang thực sự bị xẻ dọc. Hàng ngày, trên một trục khá dài xuyên các khu rừng già, những cây thân vừa người ôm lần lượt bị ngã xuống. Những thước đường cũ được mở rộng ra. Những đoạn đường mới được nối tiếp. Đất sụt xuống, đá tách ra. Trường Sơn đang bị rạch một vệt dài sâu vào trong ruột rừng già, vào những nơi chưa có vết chân người. Nai, thú rừng gặp người còn ngơ ngác…”.
Trong Hồi ký Trường Sơn còn nhiều bài viết khẳng định đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, Nhà nước trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đây còn là một công trình biên soạn mang ý nghĩa tôn vinh, tri ân công lao, đóng góp to lớn của quân và dân ta, đặc biệt là bộ đội Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
VĂN TÀI