BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế khai mạc Đại hội lần thứ 17 tại Hà Nội

Cập nhật ngày: 06/06/2009 - 08:03

Sáng 6.6, Đại hội lần thứ 17 Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế (IADL-17) đã chính thức khai mạc tại Hà Nội với chủ đề "Pháp luật và luật gia trong bối cảnh toàn cầu hóa: Vì hoà bình, phát triển và sự độc lập của hoạt động xét xử". Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã tới dự và phát biểu tại Đại hội.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Việt Nam sẵn sang tiếp thu kinh nghiệm pháp lý tiến bộ của các nước và hội nhập với các thể chế pháp lý quốc tế và các thông lệ pháp lý tiến bộ

Phát biểu tại phiên khai mạc, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nêu bật những thành tựu mà Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã đạt được trong việc thực thi và phát triển dân chủ, thực hiện công bằng và bình đẳng xã hội song song với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Chủ tịch nước khẳng định, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân ở Việt Nam được xác định như một xu thế tất yếu khách quan và đã được đưa lên thành một quy tắc Hiến định, thể hiện sự kết hợp tính phổ biến của Nhà nước pháp quyền với giá trị độc đáo của nó ở Việt Nam.

“Thông qua các cuộc cải cách về Nhà nước… những giá trị lịch sử chân chính của chế độ pháp quyền đã được khẳng định trên thực tế,” Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Chủ tịch Nguyễn Minh Triết nêu rõ những giá trị đó là bảo đảm tôn trọng nhân quyền, bảo đảm vai trò làm chủ của nhân dân trong việc hoạch địch chính sách và pháp luật, trong việc kiểm tra và giám sát bộ máy Nhà nước, tăng cường dân chủ, công khai, minh bạch trong các hoạt động của các cơ quan công quyền; bảo đảm sự phân công, phối hợp trong hoạt động của các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp; bảo đảm và tôn trọng sự độc lập của hoạt động xét xử.

Chủ tịch nước tin tưởng Đại hội IADL-17 sẽ là cơ hội tốt để tăng cường hiểu biết, đoàn kết, cùng nhau hợp tác xây dựng xã hội tốt đẹp, góp phần ngăn chặn xung đột, khủng hoảng, hóa giải các cuộc chiến tranh và đẩy lùi các nguy cơ đói nghèo, đưa con người đến cuộc sống phồn vinh.

“Đại hội này sẽ được tiếp thêm sức mạnh, sự quyết tâm để tiếp tục nêu cao tình thần pháp quyền trong đời sống xã hội của mỗi nước và trong cả cộng đồng quốc tế, vì tương lai tươi sáng, tốt đẹp của toàn nhân loại”, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết nhận định.

Trong bài phát biểu khai mạc Đại hội, Chủ tịch IADL Jitendra Sharma đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong cuộc đấu tranh của nhân dân tiến bộ thế giới vì hoà bình, tự do, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Ông Sharman khẳng định “Đại hội lần này của Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế rất quan trọng. Nó quan trọng vì được tổ chức tại Việt Nam. Việt Nam có một vị trí quan trọng trong trái tim của các luật gia dân chủ tiến bộ…Việt Nam là biểu tượng của chủ nghĩa yêu nước.”

Chủ tịch IADL cũng cho biết, trong 5 ngày làm việc, các đại biểu sẽ tham gia thảo luận tại các Tiểu ban, tập trung vào sáu vấn đề: Quyền có hoà bình; pháp luật về chống khủng bố; tính độc lập của hệ thống tư pháp; toàn cầu hóa, các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa; các quyền về phát triển và môi trường; và trách nhiệm báo cáo về tội phạm quốc tế.

Các nhà làm luật quốc tế cũng sẽ được giới thiệu toàn bộ quan điểm và quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền; quyết tâm đổi mới hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa của Việt Nam.

Hội Luật gia quốc tế (IADL) được thành lập năm 1946 tại Paris, trụ sở chính tại Brussel, Bỉ. IADL có hội viên ở trên 90 nước.

IADL luôn ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam. Giữa tháng 5.2009, IADL đã phối hợp với một số hiệp hội tổ chức Toà án Lương tâm Nhân dân Quốc tế tại Paris ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Toà án khẳng định việc sử dụng dioxin là một tội ác chiến tranh chống loài người, hậu quả của nó đối với môi trường của Việt Nam có thể coi là “diệt chủng môi trường” (ecocide). Toà án yêu cầu Chính phủ và các công ty hóa chất Mỹ phải nhanh chóng bồi thường và giúp đỡ nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam, để họ sớm được hưởng sự công bằng cả vật chất lẫn tinh thần của cuộc sống.

(Theo chinhphu.vn)