Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Hội nghị báo cáo viên Trung ương tháng 12: Kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô
Thứ năm: 09:37 ngày 15/12/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, ngày 14.12, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hội nghị báo cáo viên tháng 12 và tổng kết công tác tuyên truyền miệng năm 2022. Ông Phan Xuân Thuỷ- Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì hội nghị.

Đại biểu dự hội nghị ở điểm cầu Tỉnh uỷ Tây Ninh.

Tham dự tại điểm cầu Tây Ninh có ông Lê Thành Công- Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, đại diện các sở, ban, ngành liên quan. Các đại biểu tham dự hội nghị nghe lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày tình hình kinh tế, xã hội năm 2022, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023.

Kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2022

Năm 2022, tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, mạnh, phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề chưa từng có tiền lệ, khác biệt và khó khăn hơn rất nhiều so với dự báo trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2022. Từ đầu năm đến nay, bám sát các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên tất cả các lĩnh vực.

Chính phủ tập trung thực hiện có hiệu quả chương trình phòng, chống dịch Covid-19; tiếp tục chiến dịch tiêm chủng vaccine miễn phí lớn nhất từ trước tới nay, đồng thời triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, đẩy mạnh thực hiện chương trình phục hồi và phát triển KT-XH. Nhiều giải pháp nhằm đáp ứng tốt nhu cầu vốn tín dụng nhằm hỗ trợ phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh; các chính sách về miễn giảm thuế, phí, lệ phí tiếp tục được triển khai. Giữ ổn định thị trường tiền tệ, điều chỉnh linh hoạt tỷ giá, lãi suất, bảo đảm phù hợp với diễn biến, tình hình vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

“Có thể nói, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự chủ động, tích cực, đồng hành, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội và các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước; sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, KT-XH nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực và đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều ngành, lĩnh vực; cả năm dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu so với kế hoạch Quốc hội giao”, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, các cân đối lớn được bảo đảm. Tăng trưởng GDP cả năm ước đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu đề ra 6-6,5%. CPI bình quân cả năm ước tăng 3,2-3,3%, đạt mục tiêu đề ra là dưới 4%. Thu ngân sách nhà nước 11 tháng vượt 16,1% dự toán cả năm, tạo dư địa tài khoá để hỗ trợ doanh nghiệp, ổn định và nâng cao đời sống người dân. Kim ngạch xuất khẩu cả năm ước khoảng 374 tỷ USD, tăng khoảng 11,3%; nền kinh tế cả năm ước xuất siêu 8,5 tỷ USD. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội cả năm ước tăng 11,4%, là động lực để nền kinh tế đẩy nhanh việc mở rộng năng lực sản xuất trong thời gian tới.

Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH và 3 chương trình mục tiêu quốc gia được tích cực triển khai. Sau 10 tháng thực hiện, đã cơ bản hoàn thành khuôn khổ pháp lý đáp ứng yêu cầu thực hiện các chính sách, ban hành 16 văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, cơ quan trung ương; đã thực hiện được gần 71,5 ngàn tỷ đồng, chiếm hơn 23% tổng số vốn của chương trình. Tính đến hết tháng 11, toàn bộ 52/52 địa phương đã hoàn thành việc giao kế hoạch vốn thực hiện 3 chương trình MTQG cho các cơ quan, đơn vị, cấp trực thuộc.

Trong lĩnh vực văn hoá xã hội, nhiều giá trị văn hoá truyền thống và di sản văn hoá của dân tộc được kế thừa, bảo tồn và phát triển. Các cơ quan Trung ương và địa phương đã tích cực nghiên cứu, quán triệt, triển khai kết luận của Tổng Bí thư tại hội nghị văn hoá toàn quốc bằng nhiều hình thức phù hợp. Quan tâm bố trí nguồn lực của Nhà nước, phát huy các nguồn lực xã hội cả trong và ngoài nước cho lĩnh vực văn hoá. Nhiều tấm gương sáng trong phong trào thi đua yêu nước, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" được biểu dương, nhân rộng, lan toả. Các thiết chế văn hoá, thể thao được quan tâm quy hoạch, đầu tư tại các địa phương, địa bàn đông dân cư, khu công nghiệp, đô thị.

Công tác đối ngoại được thực hiện linh hoạt, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với bối cảnh thực tiễn, xử lý cân bằng, hài hoà quan hệ với các nước lớn trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt, quyết liệt hơn; bảo đảm lợi ích quốc gia dân tộc, góp phần giữ vững môi trường hoà bình, ổn định và thuận lợi cho phát triển, nâng cao vị thế, quảng bá hình ảnh đất nước. Thông tin, truyền thông có nhiều đổi mới; đấu tranh ngăn chặn, phản bác kịp thời thông tin giả, xấu, độc...

Tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức

Năng suất lao động còn thấp, chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội ước tăng khoảng 4,7-5,2%, không đạt mục tiêu đề ra là 5,5%. Công tác điều hành ổn định kinh tế vĩ mô đối mặt với nhiều thách thức. Giá xăng, dầu nguyên liệu, vật tư đầu vào biến động mạnh, chi phí sản xuất tăng khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Các động lực tăng trưởng về sản xuất, công nghiệp có xu hướng yếu đi trong những tháng cuối năm; nhiều thị trường xuất khẩu, nhập khẩu truyền thống, đối tác lớn bị thu hẹp; đơn hàng xuất khẩu suy giảm.

Thị trường lao động, việc làm bị ảnh hưởng, xuất hiện tình trạng doanh nghiệp cắt giảm lao động, cho lao động nghỉ tết sớm… Những hạn chế của nền kinh tế, những vấn đề tồn đọng, tích tụ từ lâu ngày càng bộc lộ rõ nét trước những biến động từ bên ngoài; thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản còn nhiều bất cập, tiềm ẩn nhiều rủi ro; niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân giảm sút; dòng vốn của nền kinh tế gặp nhiều khó khăn.

Giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục là điểm nghẽn, chưa đạt kết quả như mong đợi. Thực hiện một số chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH còn chậm. Thu hút FDI đầu tư mới, thu hút công nghệ cao, công nghệ nguồn và chuyển giao công nghệ gặp nhiều khó khăn, liên kết giữa khu vực FDI và kinh tế trong nước còn hạn chế. Số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn cao. Công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập chưa đạt yêu cầu; chưa phát huy tốt vai trò của các tập đoàn kinh tế nhà nước tham gia vào các công trình, dự án lớn.

Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, công tác an sinh xã hội, giảm nghèo còn gặp nhiều thách thức. Tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động còn thấp; xuất hiện tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục.

Phát triển văn hoá chưa tương xứng, ngang tầm với phát triển kinh tế, chưa trở thành một động lực để đất nước phát triển bền vững. Còn chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền. Công tác giới thiệu, quảng bá văn hoá Việt Nam ra nước ngoài chưa được đẩy mạnh, chưa có đầy đủ các biện pháp để giữ gìn, bảo vệ và phát huy những giá trị văn hoá, truyền thống tốt đẹp, đặc sắc của dân tộc.

Dự báo tình hình thế giới, trong nước

Tình hình thế giới năm 2023 dự báo tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường cả về chính trị, kinh tế, xã hội. Cạnh tranh chiến lược, địa chính trị giữa các nước lớn, xung đột Nga - Ukraine kéo dài. Tăng trưởng kinh tế thế giới dược dự báo chậm lại, nguy cơ suy thoái hiện hữu.

Trong nước, nền kinh tế tiếp tục phục hồi, các hoạt động KT-XH chuyển từ trạng thái thích ứng, phục hồi sang phát triển nhanh và ổn định hơn, việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu, hướng đến các mục tiêu của kế hoạch 5 năm. Làn sóng dịch chuyển đầu tư, đa dạng hoá, tối ưu hoá chuỗi cung ứng và mạng lưới sản xuất toàn cầu diễn ra mạnh mẽ, tạo cơ hội để các nước đang phát triển như Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, áp lực lạm phát gia tăng; giá nhiều yếu tố đầu vào tiếp tục biến động mạnh, chi phí sản xuất kinh doanh tiếp tục xu hướng tăng; các thị trường xuất khẩu, nhập khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp. Nhiều vấn đề, bất cập tồn đọng kéo dài và mới phát sinh cần phải tập trung tháo gỡ, giải quyết, nhất là liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản, hệ thống ngân hàng.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thuỷ ghi nhận, biểu dương các đơn vị, địa phương đã tích cực hoạt động, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ông Phan Xuân Thuỷ điểm lại những thành công về mặt thông tin tuyên truyền các sự kiện quan trọng, nổi bật của đất nước. Ví dụ, việc triển khai thông báo kết quả các hội nghị của Trung ương Đảng được thực hiện nhanh hơn trước, chỉ hai ngày sau hội nghị, trong khi trước đây mất một tuần. Ông Phan Xuân Thuỷ cũng chỉ ra một số hạn chế của ngành Tuyên giáo trong việc cung cấp, giải mật thông tin. Nhưng ông Thuỷ cũng lưu ý, trước khi giải mật thông tin, cần nghiên cứu kỹ nội dung, các quy định liên quan đến bảo mật. Việc tương tác thông tin cũng chưa tốt, các hội nghị báo cáo viên thường diễn ra một chiều. Nhiệm vụ tuyên truyền miệng trong năm 2023, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương lưu ý, ở đâu có sự quan tâm của lãnh đạo, ở đó gặt hái được thành quả tốt.

Việt Đông

Tin cùng chuyên mục