Báo chí phát huy tính chủ động, sáng tạo, tích cực tuyên truyền các giải pháp điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ nhằm phát triển kinh tế, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội; tuyên truyền có hiệu quả việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”...
Sáng 30.3, tại Quảng Ninh, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin & Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Tỉnh uỷ Quảng Ninh tổ chức Hội nghị Cán bộ báo chí toàn quốc triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2012.
Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Lê Hồng Anh, Thường trực Ban Bí thư; Đinh Thế Huynh, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương dự và chỉ đạo Hội nghị.
Dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, lãnh đạo các cơ quan chỉ đạo, quản lý, chủ quản báo chí và các cơ quan báo chí trong cả nước.
Hội nghị đã nghe báo cáo tình hình công tác báo chí năm 2011, các tháng đầu năm 2012; nghe các tham luận của đại biểu đại diện các ban, bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan báo chí.
|
Toàn cảnh Hội nghị |
Đánh giá công tác báo chí năm 2011, đồng chí Đỗ Quý Doãn, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông cho biết: Trong năm 2011, báo chí cả nước đã thực hiện đúng sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, thông tin nhanh nhạy, đầy đủ, toàn diện về mọi diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội ở trong nước và quốc tế; là diễn đàn thực sự tin cậy của nhân dân. Thông tin trên báo in, phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã tuyên truyền sâu rộng, có chất lượng, với hình thức phong phú, đa dạng về những sự kiện trọng đại của đất nước như: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và công tác triển khai đưa Nghị quyết Đại hội Đảng vào cuộc sống; Bầu cử Quốc hội khóa XIII và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016; Kỳ họp thứ Nhất và thứ Hai Quốc hội khóa XIII; Kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước; 80 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và năm Thanh niên 2011...
Bên cạnh đó, báo chí còn phát huy tính chủ động, sáng tạo, tích cực tuyên truyền các giải pháp điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ nhằm phát triển kinh tế, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội; tuyên truyền có hiệu quả việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; kịp thời biểu dương những gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến trong lao động, học tập và bảo vệ Tổ quốc. Ngoài ra, báo chí đã bám sát tư tưởng chỉ đạo, quan điểm, giải pháp của Đảng, Nhà nước về những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, góp phần quan trọng trong việc phát triển dân chủ xã hội, kịp thời phát hiện, đấu tranh kiên quyết với những hành vi tham nhũng, lãng phí và các hành vi tiêu cực khác trong xã hội. Đồng thời, báo chí đã làm tốt việc đấu tranh phản bác các quan điểm, thông tin sai trái của các thế lực thù địch.
Bên cạnh những thành tích đáng ghi nhận, công tác báo chí năm 2011 cũng còn tồn tại một số hạn chế, thiếu sót cần được khắc phục như: Công tác chỉ đạo, quản lý báo chí trong một số trường hợp chưa thực sự chủ động, nhạy bén; tình trạng “thương mại hóa” của một số sản phẩm báo chí chưa được khắc phục ...
|
Các đại biểu tham dự Hội nghị |
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, phân tích, làm rõ các nguyên nhân, tập trung thảo luận các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền đưa Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống; kinh nghiệm công tác đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hòa bình”; định hướng dư luận xã hội trước những vấn đề bức xúc, nhạy cảm; tuyên truyền chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tuyên truyền nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, tạo tiền đề vững chắc cho tăng trưởng cao hơn ở những năm tiếp theo.
Hội nghị đặc biệt quan tâm đến nhiệm vụ tuyên truyền việc quán triệt và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Lê Hồng Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã biểu dương những nỗ lực, thành tích của báo chí nước nhà trong năm 2011; đồng thời nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm của công tác thông tin, tuyên truyền trên báo chí năm 2012 và các năm tiếp theo.
Đồng chí Lê Hồng Anh chỉ rõ: Báo chí hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, phải đảm bảo tính tư tưởng, tính chân thật, tính nhân dân, tính chiến đấu và tính đa dạng của hoạt động báo chí.
Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam cần phối hợp tốt hơn với các cấp, các ngành, các cơ quan liên quan chỉ đạo, định hướng nội dung thông tin trên báo chí chính xác, sắc bén, kịp thời hơn, nhất là đối với các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm. Các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí cần đánh giá kết quả thực hiện một số nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; xây dựng và bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản của Đảng và Nhà nước về chỉ đạo, quản lý báo chí.
Cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí cần tham mưu với Chính phủ ban hành đề án quy hoạch báo chí; nghiên cứu hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy về báo chí, kịp thời điều chỉnh những bất cập, nảy sinh trong hoạt động quản lý báo chí hiện nay. Các cơ quan chủ quản báo chí cần phát huy, thể hiện rõ nét hơn vai trò, trách nhiệm của mình đối với cơ quan báo chí thuộc phạm vi mình phụ trách, nhất là việc chăm lo công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và định hướng nội dung thông tin tuyên truyền.
Về thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, đồng chí Lê Hồng Anh nhấn mạnh: Các cơ quan báo chí cần tập trung tập trung tuyên truyền có hiệu quả triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng; các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đặc biệt là cần tập trung thực hiện và tuyên truyền tốt việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" gắn với tuyên truyền đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh… Đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong năm 2012 và những năm tiếp theo.
|
Đồng chí Lê Hồng Anh phát biểu chỉ đạo Hội nghị |
Báo chí tiếp tục tuyên truyền việc thực hiện các giải pháp thực hiện kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế. Tuyên truyền về các sự kiện quan trọng, các ngày lễ lớn của đất nước; công tác bảo đảm quốc phòng - an ninh trong tình hình mới; các hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước và hoạt động đối ngoại nhân dân; biểu dương, cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước, điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt. Báo chí cần tiếp tục phát huy vai trò, tính tiên phong, tính chiến đấu trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, các hiện tượng tiêu cực xã hội, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân. Báo chí làm tốt nhiệm vụ của một trong những lực lượng nòng cốt đấu tranh chống lại âm mưu "diễn biến hòa bình", phản bác các quan điểm, thông tin sai trái của các thế lực thù địch, chống phá cách mạng nước ta.
Buổi chiều cùng ngày, các đại biểu tiếp tục thảo luận các vấn đề liên quan đến công tác chỉ đạo, quản lý báo chí; nâng cao chất lượng chính trị, trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của những người làm báo; giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền đưa Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống... Đồng chí Đinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính Trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ kết luận Hội nghị.
Tính đến tháng 3.2012, cả nước có 786 cơ quan báo chí in với 1.016 ấn phẩm. Trong đó, báo có 194 cơ quan gồm 81 báo chí Trung ương, 113 báo địa phương); tạp chí có 592 cơ quan (475 tạp chí Trung ương và 117 tạp chí địa phương. Về phát thanh, truyền hình, hiện cả nước có 67 Đài Phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương, trong đó có 2 đài quốc gia, 1 đài truyền hình kỹ thuật số, 64 Đài Phát thanh, truyền hình cấp tỉnh. Cũng đến tháng 3.2012, trong lĩnh vực thông tin điện tử, cả nước có 61 báo, tạp chí điện tử, 191 mạng xã hội, hơn 1000 trang thông tin điện tử tổng hợp. Cả nước hiện có 17.000 nhà báo được cấp thẻ hành nghề, hàng nghìn phóng viên đang hoạt động báo chí chuẩn bị được cấp thẻ. |
Theo cpv