Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ngày 11.12, Bộ Công thương phối hợp với UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức Hội nghị Giao ban Giám đốc Sở Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam năm 2020, để đánh giá kết quả các hoạt động thương mại, dịch vụ của 20 tỉnh, thành phía Nam và đề ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các địa phương.
Quang cảnh hội nghị.
Ông Cao Quốc Hưng - Thứ trưởng Bộ Công Thương và ông Dương Văn Thắng-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh chủ trì hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, ông Dương Văn Thắng–Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, mặc dù năm 2020 chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, song tốc độ tăng trưởng kinh tế của Tây Ninh vẫn duy trì mức tăng trưởng dương (tăng 3,98%), đứng thứ 26/63 tỉnh thành phố và thứ 4 trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; tốc độ tăng trưởng bình quân cả giai đoạn 2016-2020 tăng 7,2%, cao hơn mức tăng trưởng bình quân chung của cả nước GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 3.147 USD.
Bên cạnh đó, môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện đáng kể, đặc biệt là tỉnh đã nỗ lực cải cách hành chính đã đồng hành cùng doanh nghiệp đã đưa chỉ số PCI của tỉnh liên tục tăng hạng, được các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước quan tâm và đề xuất nhiều cơ hội hợp tác đầu tư với tỉnh.
Các đại biểu tham dự hội nghị.
So với giai đoạn trước tăng cả về số doanh nghiệp đăng ký mới và số vốn thu hút đầu tư. Nổi bật là có nhiều dự án được nghiên cứu đề xuất và thực hiện bởi các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, như: VinGroup, SunGroup, FLC, TTC Group, Vinamilk, Saigon CoopMart… đã mở ra cơ hội và động lực mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm và tạo thêm nguồn thu ngân sách địa phương.
Đối với ngành công thương, trong năm 2020 ngành đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Theo đó, các dự án có vốn đầu tư lớn được thu hút vào các khu, cụm công nghiệp. Nhiều vùng sản xuất cây công nông nghiệp kém hiệu quả đã được chuyển đổi sang đầu tư dự án năng lượng tái tạo có giá trị kinh tế cao.
Ngoài ra, ngành điện tiếp tục duy trì lưới điện đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt cũng như sản xuất, đáp ứng kịp thời với tốc độ phát triển kinh tế xã hội; thực hiện tốt tiết kiệm điện trên địa bàn tỉnh, thu hút được nhiều dự án năng lượng mặt trời, hiện có 9/10 dự án đã đóng điện vận hành thương mại với tổng công suất là lắp đặt là 758 MW, chiếm khoảng 17% công suất lắp đặt của cả nước; thu hút được nhiều dự án thương mại, siêu thị góp phần thay đổi rõ nét bộ mặt đô thị; Giá cả được kiểm soát và niêm yết công khai, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Ông Cao Quốc Hưng-Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu tại hội nghị.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng cho biết thêm, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2021 của tỉnh, trong đó xác định phát triển ngành công thương theo hướng tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu, có hàm lượng khoa học, công nghệ, giá trị gia tăng cao, có khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Bên cạnh đó, Tây Ninh cũng ưu tiên phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp. Nâng cao hiệu quả hoạt động các khu, cụm công nghiệp hiện có; thành lập mới, mở rộng thêm một số khu, cụm công nghiệp ở những nơi có điều kiện. Tiếp tục khai thác tiềm năng điện mặt trời đi đôi với phát triển đồng bộ hạ tầng lưới điện.
Nghiên cứu động lực mới thúc đẩy kinh tế cửa khẩu (Mộc Bài, Xa Mát) phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Phát triển các loại hình thương mại dịch vụ, duy trì và mở rộng hệ thống phân phối hàng hóa, xây dựng chuỗi cung ứng hàng hóa quy mô lớn có sự tham gia của các trang trại và doanh nghiệp sản xuất; phát triển thương mại điện tử; đẩy mạnh xuất khẩu những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. Khuyến khích phát triển dịch vụ logistics, kinh tế biên mậu và các ngành dịch vụ ứng dụng khoa học công nghệ.
Tại hội nghị, ông Ngô Quang Trung-Cục trưởng Cục Công thương địa phương đã trình bày báo cáo kết quả hoạt động công thương 10 tháng đầu năm của 20 tỉnh khu vực phía Nam. Theo đó, trong 10 tháng đầu năm, dịch Covid -19 đã làm ảnh hưởng đến hầu hết các lĩnh vực công nghiệp và thương mại, nhưng các địa phương cùng những nỗ lực của toàn ngành công thương đã duy trì tốc độ tăng trưởng trong sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại, đóng góp tích cực cho quá trình phục hồi nền kinh tế của các nước.
Khu vực phía Nam, có 13/20 tỉnh thành có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng bình quân của cả nước. Có một số mặt hàng thuộc nhóm sản phẩm công nghiệp thế mạnh của khu vực đạt mức tăng trưởng khá. Tình hình hoạt động thương mại ở khu vực vẫn duy trì ở mức tăng trưởng khá; tổng mức bán lẻ trong 10 tháng đầu năm cả nước đạt 4.590 tỷ đồng, tăng 2% so cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 254,6 tỷ đồng, tăng 5,3% so cùng kỳ.
Tại hội nghị, đại biểu là Giám đốc Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đã tập trung thảo luận đánh giá kết quả thực hiện và bàn các giải pháp để hoàn thành tốt các mục tiêu của năm 2020, kế hoạch 5 năm 2016-2020. Sau tham luận, Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng đã tiếp thu ý kiến, giải đáp thắc mắc của các đại biểu tại hội nghị, đồng thời giao các đơn vị trực thuộc Bộ là đầu mối liên kết, tháo gỡ khó khăn cho các địa phương nhằm hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đề ra.
Ông Dương Văn Thắng-Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu của ngành Công Thương Khu vực Phía Nam đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội trong 11 tháng đầu năm 2020.
Để hoàn thành mục tiêu năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, Bộ Công Thương nhất trí nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra của các địa phương, qua đó Thứ Trưởng Cao Quốc Hưng đề nghị các địa phương, đặc biệt là các Sở Công Thương quan tâm triển khai một số nội dung như sau: Tập trung chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất công nghiệp; húc đẩy mạnh mẽ tiêu dùng, trong đó đặc biệt chú trọng thị trường trong nước góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; Tiếp tục rà soát, hoàn thiện và thực hiện đồng bộ, hiệu quả hơn các chính sách xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu; thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp;
Đẩy mạnh hoạt động liên kết vùng giữa ngành Công Thương các tỉnh, thành phố; Phối hợp với Bộ Công Thương nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường, tích cực ngăn ngừa buôn lậu, gian lận, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng để bảo vệ sản xuất trong nước và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Nhi Trần