BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hội nghị giao ban thường trực HĐND các tỉnh, thành miền Đông Nam Bộ: Phải theo dõi, đôn đốc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri

Cập nhật ngày: 24/03/2009 - 09:34

Ông Lâm Tấn Đông phát biểu tham luận tại hội nghị

Ngày 19.3.2009, tại Thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận đã diễn ra Hội nghị Thường trực HĐND tỉnh, thành phố khu vực miền Đông Nam bộ lần thứ 8. Ông Trịnh Sao Mai, Vụ trưởng Vụ Công tác đại biểu Văn phòng Quốc hội cùng lãnh đạo tỉnh Bình Thuận chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị giao ban lần này, các đại biểu tham dự đã được nghe nhiều tham luận chuyên đề của đại diện các tỉnh, thành trong khu vực, kể cả của hai đại biểu các tỉnh phía Bắc (Thanh Hoá) và miền Tây Nam bộ (Long An). Các bản tham luận đều có nội dung khá cụ thể và chi tiết, sáng tạo, thiết thực... do được đúc kết từ hoạt động thực tiễn, rất cần cho hoạt động tiếp xúc, cũng như giải quyết những kiến nghị của cử tri ở từng địa phương. Thành phố HCM là địa phương có nhiều đổi mới, sáng tạo trong công tác tiếp xúc cử tri thời gian qua với nhiều diễn đàn như: “Nói và làm”, “Đối thoại cùng chính quyền thành phố”, “Khảo sát chỉ số hài lòng về các dịch vụ công”… đặc biệt là diễn đàn “Tham vấn cộng đồng”. HĐND thành phố đã xin ý kiến người dân về những quyết định sắp ban hành hoặc quyết định đã ban hành, đề cập đến những vấn đề nóng và bức xúc như: môi trường, chính sách nhà ở, tái định cư... Một số tỉnh khác như: Đồng Nai, Thanh Hoá, Bình Phước… tổ chức tiếp xúc cử tri theo từng chuyên đề riêng hoặc tiếp xúc khi có vấn đề dư luận quan tâm, bức xúc. Cũng có địa phương thực hiện tiếp xúc cử tri theo từng đối tượng như: tiếp xúc với thầy cô giáo về lĩnh vực giáo dục, tiếp xúc với công nhân về tiền lương, tiếp xúc với các y, bác sĩ về vấn đề y đức… Những cách làm, mô hình đó đã làm cho công tác tiếp xúc cử tri phong phú hơn, thiết thực hơn và giải quyết kiến nghị được khá nhiều vấn đề nhân dân quan tâm. Cũng tại hội nghị, nhiều đại biểu còn khá nhiều trăn trở về những giải pháp, để nâng cao chất lượng các cuộc tiếp xúc cử tri thời gian tới đạt được hiệu quả và đi vào chiều sâu hơn, thiết thực hơn.

Đại diện Thường trực HĐND tỉnh Tây Ninh, ông Lâm Tấn Đông - Uỷ viên TT.HĐND tỉnh đã có bài tham luận một số kinh nghiệm về công tác tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri tại tỉnh nhà. Theo đó, để thực hiện cải tiến, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri, phát huy cao hơn vai trò trách nhiệm của người đại biểu, HĐND tỉnh Tây Ninh tập trung một số vấn đề như: Chuẩn bị tốt các nội dung báo cáo với cử tri, chú trọng các vấn đề trọng tâm cần lấy ý kiến; trả lời kết quả giải quyết của cơ quan chức năng về những vấn đề cử tri đã nêu trong kỳ tiếp xúc trước. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, đại diện UBND của địa phương phải tham dự, để nghe và trả lời những vấn đề thuộc thẩm quyền của địa phương. Ngoài những vấn đề được tổng hợp chuyển đến UBND tỉnh và các ngành chức năng tỉnh xem xét giải quyết, đối với những ý kiến cử tri phản ánh gay gắt nhiều lần thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh, Tổ đại biểu tập hợp báo cáo Thường trực HĐND tỉnh mời lãnh đạo sở, ngành có liên quan trả lời tại hội nghị tiếp xúc cử tri lần sau. Tuỳ theo tình hình, điều kiện cụ thể Thường trực HĐND tỉnh Tây Ninh còn phối kết hợp tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội với đại biểu HĐND tỉnh, huyện nhằm tiết kiệm thời gian của cử tri, giúp cử tri có nhiều nguồn thông tin vừa có điều kiện nắm bắt chủ trương chung của cả nước và của địa phương… Thứ hai là chú trọng việc phân loại, tổng hợp đầy đủ và trung thực ý kiến của cử tri. Sau đợt tiếp xúc cử tri, tổ chức cuộc họp giữa Thường trực HĐND với Ban Thường trực UBMTTQVN và Tổ đại biểu HĐND 2 cấp để đánh giá rút kinh nghiệm tổ chức tiếp xúc cử tri; phân loại, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Nhận định về hiệu quả của hoạt động tiếp xúc cử tri, ông Lâm Tấn Đông cho biết, hoạt động tiếp xúc cử tri của HĐND tỉnh Tây Ninh vẫn còn những khó khăn, hạn chế, đó là: Việc tổng hợp ý kiến cử tri của các tổ đại biểu đôi lúc còn chậm, không phân rõ kiến nghị thuộc lĩnh vực nào, thẩm quyền cấp nào giải quyết, một số kiến nghị thiếu chính xác, nội dung không được rõ ràng dẫn đến khó khăn cho công tác tổng hợp chung. Quá trình tiếp xúc cử tri, một số đại biểu ít nghiên cứu tài liệu, thiếu nắm bắt, cập nhật thông tin nên chưa giải đáp, trả lời với cử tri tại hội nghị tiếp xúc hoặc trả lời, giải đáp chưa cụ thể. Một vài đại biểu HĐND còn vắng mặt trong tiếp xúc cử tri nhưng lý do chưa chính đáng. Một số Tổ đại biểu và đại biểu HĐND chưa tích cực theo dõi, đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri.

L.K.C