Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Chiều 21.4, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị sơ kết 4 năm (2021-2024) thực hiện Quyết định số 558/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí.


Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phụ trách phía Nam Trần Trọng Dũng và Chánh Văn phòng Hội Nhà báo Việt Nam Phan Toàn Thắng chủ trì hội nghị.
Hội Nhà báo Việt Nam đã đề xuất tiếp tục triển khai và mở rộng chương trình sang giai đoạn 2026-2030 với ngân sách tăng ít nhất 200% nhằm đáp ứng yêu cầu mới của báo chí trong thời đại chuyển đổi số.
Từ năm 2021-2023, ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao đối với Hội Nhà báo các địa phương là 27,7 tỷ đồng.
Từ nguồn kinh phí này, chương trình đã hỗ trợ trực tiếp cho trên 4.000 lượt tác giả là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam ở các địa phương và nhận được 4.263 tác phẩm báo chí chất lượng cao. Từ năm 2021-2024, có 62/63 Hội Nhà báo các địa phương thực hiện và đề nghị quyết toán hơn 25,6 tỷ đồng. Số tiền này chi trực tiếp cho tác giả 16,7 tỷ đồng; chi tập huấn, hội thảo nâng cao trình độ nghiệp vụ 3,9 tỷ đồng; chi thẩm định, đánh giá, nghiệm thu tác phẩm 2,7 tỷ đồng...
Trong bối cảnh báo chí Việt Nam đang đứng trước những thách thức chưa từng có từ môi trường truyền thông số, chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao đã trở thành nhân tố quan trọng để tăng cường công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; là công cụ then chốt để đội ngũ nhà sáng tạo các tác phẩm có chiều sâu, kịp thời đấu tranh với các quan điểm sai trái, thông tin xuyên tạc trên không gian mạng.
Chương trình cũng góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ làm báo. Thông qua các lớp bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ được tổ chức bằng kinh phí hỗ trợ, hàng ngàn hội viên Hội Nhà báo đã được trang bị nhãn quan chính trị sắc bén, kỹ năng tác nghiệp hiện đại, nâng cao khả năng thích ứng với chuyển đổi số và thu hẹp khoảng cách thông tin giữa các vùng miền.
Nhờ có nguồn kinh phí hỗ trợ, phóng viên vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có điều kiện đi thực tế dài ngày, phản ánh trung thực "hơi thở cuộc sống", tạo sự cân bằng trong dòng chảy thông tin toàn quốc và tạo bước đột phá về chất lượng tác phẩm.

Những tác phẩm được đầu tư từ nguồn hỗ trợ đã trở thành công cụ tuyên truyền hiệu quả các chủ trương của Đảng; là diễn đàn phản biện xã hội lành mạnh và là vũ khí đấu tranh phòng chống "tự diễn biến", "tự chuyển hoá”.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh: “Từ kinh phí hỗ trợ đã có nhiều bài viết giàu tính chiến đấu, tính giáo dục, định hướng tư tưởng chính trị cao, góp phần ổn định và phát triển xã hội, qua đó khẳng định rõ hơn vai trò, trách nhiệm và nghĩa vụ công dân của người cầm bút”.
Tuy nhiên, trong qua trình triển khai thực hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi cho biết: “Công tác hỗ trợ chưa được triển khai đồng bộ giữa Trung ương và địa phương, chưa có sự thống nhất trong cả nước. Nếu tiếp tục tình trạng này sẽ là trở ngại lớn cho việc hoạch định kế hoạch trung hạn để có thể sáng tạo ra những tác phẩm báo chí có quy mô, tầm cỡ, có giá trị xứng đáng với tầm vóc của cách mạng và của cuộc sống”.
Các cấp Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí và người làm báo trong cả nước đều có nguyện vọng chung mong muốn Nhà nước cho phép tiếp tục thực hiện và mở rộng chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao sang giai đoạn 2026-2030 với ngân sách tăng ít nhất 200% để đáp ứng yêu cầu mới.
Nguyễn Thế