BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hội Phụ nữ xã Bình Minh: Hiệu quả từ mô hình phụ nữ khởi nghiệp 

Cập nhật ngày: 17/10/2022 - 14:15

BTNO - Thực hiện đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, Hội LHPN xã Bình Minh (thành phố Tây Ninh) huy động nhiều nguồn lực, linh hoạt hỗ trợ các hội viên khởi nghiệp, vượt qua khó khăn, xây dựng gia đình ấm no, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Việc kinh doanh của chị Phạm Thị Thuỳ Dung ngày càng ổn định.

Việc triển khai phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng phát triển kinh tế” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Hội LHPN xã Bình Minh tập trung triển khai với nhiều biện pháp, cách làm phù hợp. Hội đã giúp cho nhiều gia đình hội viên phụ nữ thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, trong đó nổi bật là các hoạt động hỗ trợ phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp, kinh doanh phát huy thế mạnh, sở trường, tạo cơ hội phát triển kinh tế gia đình.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Phượng- Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Minh, để mô hình đạt hiệu quả, ngay từ đầu năm, Hội đã phối hợp với các đơn vị rà soát hộ nghèo, cận nghèo để có hướng giúp đỡ phù hợp. Hội còn bám sát địa bàn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chị em, nhất là hội viên khó khăn đang có ý tưởng khởi nghiệp, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch hỗ trợ cụ thể.

Bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, Hội phối hợp tổ chức các lớp tập huấn kiến thức chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, tư vấn kiến thức kinh doanh giúp chị em hiện thực hoá các dự án, ý tưởng kinh doanh; hỗ trợ, tạo điều kiện cho phụ nữ tiếp cận với nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội. 

Từ năm 2020 đến nay, Hội đã hỗ trợ khởi nghiệp cho 20 gia đình hội viên phụ nữ trong xã, trong đó có nhiều ý tưởng khởi nghiệp thành công. Đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các sản phẩm do phụ nữ làm ra gặp nhiều khó khăn nhưng các chị đã tìm tòi, học hỏi bán hàng qua mạng xã hội Zalo, Facebok… mang lại hiệu quả kinh tế cao như trường hợp của chị Phạm Thị Thuỳ Dung ở ấp Kinh Tế, Võ Thị Mỹ Diệu ở ấp Giồng Tre, Nguyễn Thị Thu Vân ở ấp Đồng Cỏ Đỏ…

Ngoài việc bán nước giải khát, bà Diệu còn nuôi gà thả vườn.

Từ một người chỉ bán bánh mì nhỏ lẻ tại nhà, đến nay, chị Phạm Thị Thuỳ Dung (sinh năm 1981) ngụ ấp Kinh Tế, xã Bình Minh đã trở thành chủ của một cơ sở chuyên làm bánh mì. Đây là minh chứng rõ nét cho thấy những kết quả tích cực từ mô hình phụ nữ khởi nghiệp.

Chị Dung cho biết, bản thân lập gia đình từ năm 2004, đến năm 2018 vợ chồng chia tay, ba mẹ con “tay trắng” về ở với mẹ chị tại ấp Kinh Tế, xã Bình Minh. Lúc đó, mẹ chị Dung cho mượn một ít vốn để bán bánh mì kiếm sống qua ngày. Vào năm 2019, Hội LHPN xã giúp đỡ, được hỗ trợ vay 40 triệu đồng từ nguồn vốn khởi nghiệp của Hội LHPN Thành phố và vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Chị Dung mạnh dạn mua lại máy móc của một cơ sở bánh mì, sau đó thuê thợ về làm. Sau một thời gian hoạt động, nhận thấy thu nhập không đủ trang trải cuộc sống, chị quyết định không mướn thợ nữa mà tự học cách làm bánh mì để giảm bớt phần nào chi phí.

Với tinh thần nỗ lực, cố gắng vượt qua mọi khó khăn, lò bánh mì của chị Dung hoạt động ngày càng ổn định. Trung bình mỗi ngày chị làm từ 400 - 500 ổ bánh mì để bán, vào các dịp có đám tiệc số lượng bánh mì có thể tăng từ 800 - 900 ổ/ngày.

Ngoài làm bánh mì, chị còn nấu xôi bán với hy vọng có thêm chút tiền nuôi con ăn học. Trừ tất cả chi phí, chị Dung thu nhập mỗi tháng khoảng 15 triệu đồng. Ngoài ra, chị cũng mua thêm máy móc để mở rộng quy mô sản xuất.

Song song với phát triển kinh tế gia đình, chị Dung luôn gương mẫu trong các phong trào của Hội, hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn. Hằng tháng, chị hỗ trợ bếp ăn Đồng Tâm của Hội Phụ nữ xã 500 ổ bánh mì, tặng gạo, mì gói, bánh mì chay cho người nghèo, bệnh tật, người hoàn cảnh khó khăn trong ấp.

Bà Võ Thị Mỹ Diệu cố gắng kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình.

Bà Võ Thị Mỹ Diệu (Sinh năm 1969) ngụ ấp Giồng Tre, xã Bình Minh là một trong 20 hội viên được vay vốn hỗ trợ khởi nghiệp. Nguồn thu nhập chính của gia đình bà Diệu chủ yếu từ việc nuôi và bán gà thả vườn, ngày nào chi tiêu hết ngày đó, không tích luỹ được gì.

Bà Diệu cho biết: “Từ khi có nguồn vốn khởi nghiệp, tôi mua sắm đồ đạc, mở quán bán cà phê và đồ ăn, mua thêm thức ăn để nuôi gà. Sau một thời gian cố gắng làm việc, thu nhập bình quân mỗi tháng trên 15 triệu đồng, kinh tế gia đình đã bớt khó khăn”. 

Dù việc kinh doanh, chăn nuôi gà thả vườn đã ổn định nhưng khi có lớp tập huấn kiến thức về khởi nghiệp, kinh doanh, bà Diệu vẫn nhiệt tình tham gia, bởi theo bà cần cù, chăm chỉ thôi chưa đủ mà phải nắm vững kiến thức và kinh nghiệm mới thành công.

Bà Huỳnh Thị Kim Oanh- Chủ tịch Hội LHPN thành phố Tây Ninh cho biết: “Thời gian qua, nhờ sự quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện của các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể, nhất là các cấp Hội Phụ nữ, trên địa bàn thành phố ngày càng có nhiều chị em phụ nữ tham gia khởi nghiệp, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Để tiếp tục khơi nguồn sáng tạo cho phụ nữ khởi nghiệp và kinh doanh, các cấp Hội Phụ nữ Thành phố tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của phụ nữ về khởi nghiệp; đẩy mạnh các phong trào thi đua, cuộc vận động nhằm phát huy nội lực của các tầng lớp phụ nữ giúp nhau khởi nghiệp. 

Đặc biệt, phối hợp tổ chức tốt các hoạt động kết nối, tiếp cận, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay, quỹ hỗ trợ. Mỗi chị em cần tích cực học hỏi, mạnh dạn thay đổi, trở thành tấm gương phụ nữ “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang” trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”".

Phương Thảo - Hà Quang