BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hội thảo các giải pháp phát triển KT-XH tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2011 – 2015

Cập nhật ngày: 12/11/2009 - 06:01

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Tiến phát biểu tại hội thảo.

Hội thảo diễn ra hôm 12.11 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Tiến chủ trì với sự tham dự của lãnh đạo các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị cùng một số nhà đầu tư lớn trên địa bàn tỉnh.

Dự thảo đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển Kinh tế - Xã hội 5 năm (2006 – 2010), UBND tỉnh cho rằng, nền kinh tế tỉnh nhà tiếp tục phát triển ổn định đạt mức tăng trưởng khá, theo đó tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) tăng bình quân hằng năm 13,7%, GDP bình quân đầu người (giá hiện hành) tăng từ 616 USD lên 1.473 USD.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp trong GDP. Tỷ trọng nông – lâm – ngư nghiệp; công nghiệp – xây dựng; dịch vụ trong GDP (giá 1994) năm 2005: 38,2% - 25,1% - 36,7% đến năm 2010 đạt 28% - 27,2% - 44,8%.

Cơ cấu thành phần kinh tế chuyển dịch theo tăng tỷ trọng đóng góp vào GDP của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Tỷ trọng khu vực kinh tế Nhà nước; khu vực kinh tế dân doanh và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài trong GDP (giá hiện hành) năm 2005 đạt 21,9% - 62,3% - 15,8% đến năm 2010 đạt 19% - 63% - 18%.

Hoạt động xuất nhập khẩu đạt được tốc độ tăng trưởng khá. Tổng kim ngạch xuất khẩu thực hiện 2.750 triệu USD, tăng bình quân hằng năm 18,1%, với các mặt hàng chủ lực truyền thống (bột mì, hạt điều, cao su) cùng với một số mặt hàng mới từ sản phẩm cao su, hàng dệt da, may mặc tăng mạnh.

Môi trường đầu tư được cải thiện, ngày càng thông thoáng hơn; huy động được nhiều nguồn vốn cho đầu tư phát triển, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư nước ngoài và nguồn vốn đầu tư của khu vực dân doanh. Trong 5 năm, tỉnh đã huy động vốn đầu tư phát triển trên địa bàn được gần 40 ngàn tỷ đồng, tăng bình quân hằng năm 26,2%, bằng 38,4% GDP. Tổng vốn thu hút trong và ngoài nước thực hiện 1.155 triệu USD, bằng 135% KH…

Dù đã đạt được những kết quả khả quan, nhưng UBND tỉnh nhận định rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, sức cạnh tranh chưa cao, cơ cấu chuyển dịch chậm. Trong tổng số 19 chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch đề ra, có 12 chỉ tiêu chưa đạt. Sản xuất nông nghiệp còn mang tính tự phát và không ổn định; Công nghiệp hầu hết là quy mô nhỏ, sử dụng nhiều lao động; Các ngành dịch vụ phát triển nhanh nhưng còn tập trung ở dịch vụ thương mại (mua bán tiêu dùng); Kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển…

UBND tỉnh cho biết, mục tiêu tổng quát của kế hoạch phát triển Kinh tế - Xã hội 5 năm 2011 – 2015 là phát triển nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững. Nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; chủ động hợp tác phát triển, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế; đẩy mạnh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đổi mới mạnh mẽ khoa học và công nghệ; nâng cao rõ rệt chất lượng giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực… Cải thiện đời sống nhân dân đi đối với xoá đói, giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Tại hội thảo, các đại biểu đã có 7 bài tham luận và 12 ý kiến đóng góp cho các giải pháp phát triển Kinh tế - Xã hội giai đoạn 2011 – 2015. Đại diện Ban quản lý các Khu công nghiệp nêu một số hạn chế ở các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Phần lớn, các dự án có quy mô nhỏ, không có công nghệ cao; nhiều dự án gia công sử dụng nhiều lao động, giá trị gia tăng không cao, mặt bằng lương bình quân ở mức trung bình; đa số các dự án đến từ các nước châu Á với quy mô vừa và nhỏ, do đó hiệu quả sử dụng đất chưa cao; đa số lao động từ nông nghiệp chuyển sang nên chất lượng chưa cao, văn hoá trung bình lớp 9/12, kỷ luật lao động còn yếu, thiếu tác phong công nghiệp.

Trong khi đó, đại biểu Trần Hữu Hậu – Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại du lịch đưa ra những giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) – chỉ số được xây dựng từ niềm tin của doanh nghiệp, cảm nhận của doanh nghiệp về những việc mà chính quyền địa phương làm. Theo ông Hậu, lãnh đạo tỉnh cần phải quan tâm đến chỉ số này, vì năm 2008 vừa qua, Tây Ninh xếp hạng 8/8 tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. PCI là công cụ cần thiết với cấp lãnh đạo địa phương nào muốn tìm hiểu xem các Nghị quyết chủ trương đã đi vào cuộc sống ra sao? Cần chấn chỉnh ở những khâu quản lý nào? Biện pháp gì để thúc đẩy sự phát triển?

Tổng GĐ Công ty Xi măng FICO Mai Ngọc Liêm: Nguồn nhân lực của Tây Ninh “phổ cập rộng, nhưng chất lượng yếu”.

Trong bài tham luận và phát biểu ý kiến tại hội thảo, ông Trần Lưu Quang – Chủ tịch UBND huyện Trảng Bàng, đưa ra vấn đề tỉnh cần có giải pháp đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao để đáp ứng nhu cầu của các khu công nghiệp. Ông Quang cũng nhấn mạnh đến việc cần phải có một doanh nghiệp làm đầu tàu, trở thành thương hiệu của tỉnh như nhắc đến Bình Dương nhớ đến Becamex, nhắc đến Gia Lai là biết Hoàng Anh – Gia Lai… UBND tỉnh cần mạnh dạn hơn nữa trong việc thu hồi những dự án “treo”, không thực hiện.

Ông Mai Ngọc Liêm – Tổng giám đốc Nhà máy Xi măng FICO đồng ý với ý kiến của ông Quang về vấn đề nguồn nhân lực, nói nôm na là “phổ cập rộng nhưng chất lượng yếu”. Ông Liêm cho biết, để có được đội ngũ kỹ sư – công nhân đủ sức vận hành các thiết bị máy móc hiện đại của nhà máy, Xi măng FICO đã phải bỏ ra nhiều kinh phí đưa đi đào tạo và đào tại lại suốt 3 năm trời. Ông Liêm cho biết, FICO hoàn toàn có thể trở thành một doanh nghiệp đầu tàu, nhưng tỉnh phải hỗ trợ cơ chế, nguồn lực, tài nguyên…

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Tiến cho rằng, Hội thảo lần này chỉ là “tiền đề” để tỉnh ghi nhận ở mức “sơ khởi” những ý kiến đóng góp cho các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2015. Sắp tới, UBND tỉnh sẽ còn tổ chức thêm nhiều hội thảo khác, có thể ở phạm vi rộng, hoặc hẹp hơn trong một lĩnh vực, để có một “tầm nhìn” sâu sắc hơn nhằm đưa ra mục tiêu chiến lược cho Tây Ninh, phát triển theo hướng nào, nghiêng về công nghiệp hay công nghiệp – sinh thái… từ đó mới có những chính sách đồng bộ và phù hợp với tình hình phát triển.

Đặng Hoàng Thái