BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hội thảo về cơ giới hoá và đầu tư giống mới cho cây mía Tây Ninh

Cập nhật ngày: 31/10/2010 - 09:45

Toàn cảnh hội thảo

Vào thời điểm này, toàn vùng miền Đông Nam bộ có gần 40.000 ha mía thì chỉ riêng tỉnh Tây Ninh đã có xấp xỉ 30.000 ha. Thế nhưng, năng suất cũng như hàm lượng đường trong cây mía vẫn chưa được nâng cao, nên sản lượng thu hoạch không đủ đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho hệ thống công nghiệp chế biến. Vì vậy làm thế nào để nâng cao sản lượng và chất lượng cho cây mía Tây Ninh là chủ đề chính tại buổi hội thảo ngày 27.10.2010 do Công ty TNHH-MTV Mía đường Tây Ninh tổ chức tại Nhà máy đường Nước Trong.

Vụ mía năm 2009-2010 vừa kết thúc, người trồng mía ở Tây Ninh đã hối hả bước vào vụ mía mới với tâm trạng phấn khởi hơn. Điều đó xuất phát từ việc giá mía tăng khá ở vụ rồi, năng suất mía cũng có phần nâng lên hơn trước. 

Trong vụ chế biến 2010-2011, các nhà máy đường ở Tây Ninh không đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu nghiêm trọng như vụ trước. Báo cáo của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh tại hội thảo cho biết: hiện tại cây mía phát triển được trên 29.000 ha, tăng hơn 7.500 ha so với vụ trước.

Trong những năm trước tỉnh Tây Ninh đã cấp tốc triển khai đề án “hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu mía” với mục đích chuyển đổi cây mía từ vùng cao xuống vùng thấp, hy vọng tạo ra thêm 14.000 ha mía từ đất trồng lúa một vụ. Một yếu tố khác góp phần đưa sản lượng mía ở Tây Ninh tăng nhanh từ 1,1 triệu tấn ở niên vụ 2007-2008 lên 1,5 triệu tấn mía cây ở niên vụ vừa qua do các nhà máy chế biến đường trong tỉnh mà cụ thể là Nhà máy đường Nước Trong đã khuyến khích người trồng mía ở Tây Ninh nên trồng các giống mía mới là: VN84-4137, K84-200, K88-65…

Ông Trần Cảnh Lạc, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Mía đường Tây Ninh đã cho biết, hiện với diện tích đất trên 4 ngàn ha, công ty đã xây dựng được vùng nguyên liệu sản xuất với 3 cây thế mạnh chính là cây mía, cây mì và cây cao su. Riêng cây mía là một thuận lợi do trước đó công ty đã kịp thời đầu tư vùng nguyên liệu mía tăng thêm và có những giống mía chín sớm K39-219, K95-156, K95-84 được nhân rộng trên nhiều cánh đồng rãi vụ nên nâng cao sản lượng và năng suất cây mía lên gần 70 tấn/ha.

Ông Nguyễn Văn Đam, một nông dân sản xuất giỏi ở xã Suối Đá, Dương Minh Châu cho biết các loại mía K84-200 và K88- 65 bình quân đạt trên 100 tấn/ha. Bà con nông dân ở vùng nguyên liệu mía Dương Minh Châu, Tân Châu, Tân Biên… rất quan tâm đến chủ trương đưa các giống mía mới xuống đồng trong những vụ mía gần đây.

Nhìn chung, suất đầu tư cũng như kỹ thuật canh tác các giống mía mới không đòi hỏi công sức và quy trình chăm sóc hơn các loại giống mía cũ nhưng năng suất, chữ đường cao hơn rất nhiều. Đó cũng là nét mới ở niên vụ sản xuất mía năm 2010-2011 này.

Thu hoạch mía bằng phương tiện cơ giới

Một nguyên nhân nữa khiến diện tích mía phát triển mạnh, sản lượng cao là do công tác trồng và chăm sóc mía được nhiều người đầu tư bằng khâu cơ giới hoá.   

Tiến sĩ Nguyễn Như Nam, Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh cho biết các giải pháp và các thiết bị cần có như máy bón vôi, dàn cày sâu, máy trồng mía, dàn tề gốc và cày ra… để nông dân Tây Ninh thực hiện tốt khâu cơ giới hoá cho cây mía. Theo T.S Nam, cơ giới hoá khâu làm đất và cơ giới hoá khâu trồng là hai yếu tố quan trọng nhất cho người trồng mía. Nếu thực hiện đúng phương pháp, có thể nâng cao sản lượng mía thêm 20% cho một ha. Đồng tình với giải pháp này, ông Cao Thành Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm khảo nghiệm và sản xuất mía giống Tây Ninh cho rằng việc áp dụng các loại máy phù hợp vào khâu làm đất, trồng và chăm sóc cây mía, thu hoạch mía là yếu tố quan trọng nhất để cây mía ở vùng nguyên liệu Nước Trong và toàn tỉnh nói chung có sản lượng bình quân 70- 80 tấn trong những vụ tới.

HUỲNH MINH ĐỨC