Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Hội thi tập san ngành giáo dục Trảng Bàng: Vườn hoa cho Ngày nhà giáo
Thứ năm: 11:04 ngày 18/11/2010

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Mỗi lần hội thi, đều có khoảng hơn 30 tập san tham gia. Riêng hội thi năm nay tổng số dự thi là 36 tập san với hơn 40 đơn vị trường.

Đã thành thông lệ, hằng năm cứ vào thời điểm này, các trường học ở huyện Trảng Bàng từ mầm non đến THCS lại rộn ràng với hội thi làm tập san chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam do Công đoàn ngành giáo dục huyện tổ chức. Hoạt động này đã trở thành nét truyền thống của ngành.

Mỗi lần hội thi, đều có khoảng hơn 30 tập san tham gia. Riêng hội thi năm nay tổng số dự thi là 36 tập san với hơn 40 đơn vị trường.

Trước tiên nói về hình thức, mỗi tập san dự thi mỗi vẻ, độ dày từ 60 đến 70 trang nhưng cũng có những quyển dày trên 70 trang, thậm chí cả trăm trang. Nhiều tập san được gia công rất cẩn thận: bìa cứng, giấy trắng dày, màu sắc trang trí đẹp, chẳng hạn: Niềm Tin (THCS Gia Bình), Ánh Sáng (TH Lộc Trát + Xóm Sóc), Đất Mới (THCS Trương Tùng Quân), Tia Sáng (THCS An Bình Thành), Quyết Tâm (THCS Lộc Hưng). Một số đơn vị chỉ chọn tông màu trắng đen cho tập san của mình như: Triển Vọng (TH Thanh Hoà), Niềm Tin (TH Nguyễn Văn Chấu+An Thới), Đổi Mới (TH Ngô Văn Tô)… nhưng vẫn đảm bảo được tính mỹ thuật và trang nhã.

Về nội dung chuyển tải trong các tập san, hầu hết chỉ tập trung vào chuyện ngành nghề. Hình ảnh người thầy, tâm tình người thầy chiếm lĩnh trọn vẹn trên các trang viết. Không phải tất cả thầy cô giáo đều có năng khiếu viết văn, làm thơ nên không tránh khỏi có những câu văn, lời thơ còn thô mộc, xù xì tuy nhiên những tình cảm chân thành và ý thức trách nhiệm với nghề nghiệp cao quý thiêng liêng, với cuộc đời, nhất là với đàn trò nhỏ thân yêu vẫn cứ chan chứa, ngập tràn qua từng câu chữ. Đó là những niềm vui trong trẻo, những kỷ niệm tươi xanh gắn liền với bục giảng, với phấn trắng bảng đen trở thành dấu ấn khó phai trong tâm hồn các thầy cô giáo. Đó còn là cái nhìn thương yêu, đồng cảm với cảnh lam lũ, vất vả của những em học trò nghèo khó miền quê sông nước, mỗi buổi đến trường phải “tay cầm dầm, tay xách cặp, quần xắn đến đầu gối” trong “Một ngày ở An Thới” của thầy giáo Nguyễn Văn Bờ. Và còn là những ý tình mộc mạc, chơn chất nhưng đầy cảm xúc của Mai Ngọc Tú trong bài thơ “Hoa học trò”: “Ngày tôi đến em vừa ngồi lớp sáu/ Tóc loe hoe khát nắng hết dăm phần/ Quần áo em cũng đã vài mảnh vá/ Dép đến trường là những vệt bùn non/ Đêm trăng khuyết hay lúc trăng tròn/ Em cặm cụi ngoài đồng soi ếch nhái” (Bách Hoa - Trường THCS An Thới).

Các tập san dự thi hội thi năm 2010.

Những hồi ức đẹp đẽ về buổi ban đầu mới tập tễnh vào nghề cũng được khá nhiều thầy cô giáo chia sẻ: “Chuyện ba mươi năm về trước” của Ngô Thị Kim Oanh (Niềm Tin-THCS Gia Bình), “Buổi đầu tiên ấy” của Đặng Thị Kim Thoa (Niềm Tin - TH Nguyễn Văn Chấu+An Thới). Tản văn “Chút kỷ niệm về cô giáo trẻ” của Lê Thị Oanh (Nhớ Nguồn - THCS An Thành) khá hồn hậu, chân thật và dễ thương, thể hiện chất hồn nhiên không chỉ của học trò mà cả cô giáo mới ra trường.

Một thể loại được khai thác khá phổ biến trong tất cả các tập san là vè. Phải nói những bài vè “tự biên” của các thầy cô giáo rất tươi trẻ, vui vẻ, khoẻ khoắn và rất duyên dáng, như những nét chấm phá gây thú vị cho người đọc. Thông qua đó, những góc, những mảng hiện thực của đời sống xã hội nói chung, ngành giáo dục nói riêng được phản ánh một cách sinh động. Đây là sự hóm hỉnh của thầy giáo Nguyễn Văn Hết trong bài vè “Trường tôi”: Trường tôi ở xóm Lò Rèn/ Tên là Lộc Trát dân khen rất nhiều/ Thầy cô dân mến trò yêu/ Hai mươi – mười một dân đều quan tâm/ Học sinh khoảng được bốn trăm/ Có ba cơ sở hằng năm sửa hoài...” (Ánh Sáng - TH Lộc Trát + Xóm Sóc). Thầy giáo Thanh Trung cũng “nghịch ngợm” không kém qua “Chuyện giáo kiết”: Tối nay dạo phố cùng em nhé/ Ngắm đèn đêm dù chỉ một lần/ Rối ren công việc níu chân/ Một ngày “giáo kiết” chẳng gần được em/ Vườn hoa đẹp chẳng được xem/ Xi nê, nhạc hội để em tiếc hoài/ Một ngày “giáo kiết”… ơ hay!/ Sáng chiều đến lớp mỗi ngày cũng vui! (Nắng Hồng - THCS Phước Lưu). Thầy giáo Trần Văn Lâm - đồng nghiệp cùng trường với thầy Thanh Trung lại băn khoăn về một chuyện vẫn đang là thời sự “nóng”: Nghe vẻ nghe ve/ Nghe vè bạo lực/ Tiếng chuông đánh thức/ Ngưỡng cửa học đường/ Kinh tế thị trường/ Trẻ con hư hỏng… (vè “Bạo lực học đường”).

Yêu nghề, yêu học trò, các thầy cô giáo hôm nay cũng dành một góc riêng trong tâm hồn để tưởng nhớ đến những người thầy thuở xưa của mình. Trong niềm hoài vọng, ngoài sự thành kính, biết ơn đối với thế hệ đi trước còn có cả sự đồng cảm của những người cùng đứng trên bục giảng: “Cô giáo tôi” của Nguyễn Thương Hoài (Nhớ Nguồn - TH Tân Châu), “Nhớ về cô” của Nguyễn Thị Bé (Tia Sáng - THCS An Bình Thành)…

Đây đó còn có sự ray rứt của các thầy cô về một thái độ vô tình, một cách hành xử sơ suất, sai lầm nào đó trót để xảy ra trong cuộc đời nhà giáo của mình. Có thể thấy điều đó qua các mẩu tự sự “Ngày chủ nhật của tôi” - tác giả Hoa Phượng (Đất Mới - THCS Trương Tùng Quân) hay “Ngưỡng cửa” của Hồng Thị Ray (Phương Đông - THCS Hưng Thuận). Những mẩu chuyện tưởng như rất nhỏ nhặt, vặt vãnh nhưng qua đó bật lên những vấn đề rất đời, rất sư phạm và cũng là những kinh nghiệm giáo dục rất thiết thực cho những kỹ sư tâm hồn.

Việc duy trì hội thi tập san - như một vườn hoa đa sắc cứ đến mùa lại rộ nở, là một cố gắng đáng ghi nhận của Công đoàn ngành giáo dục Trảng Bàng. Nếu có gì cần góp ý thì đó là việc còn có những tập san rơi vào tình trạng “bổn cũ soạn lại”, thiếu chất sáng tạo. Có trường, hai ba năm liền vẫn một kiểu trình bày tập san… y chang năm trước. Một số tập san còn khá nghèo nàn, sơ sài cả nội dung lẫn hình thức. Tình trạng “mượn đỡ” tác phẩm của người khác cũng là vấn đề không hay cho lắm. Bên cạnh đó là sự góp mặt còn rất khiêm tốn của khối trường mầm non qua nhiều mùa hội thi liên tiếp.

Còn một điều đáng lưu ý - không thể không nói ra đó là tình trạng lỗi chính tả còn quá nhiều, quá phổ biến trong tất cả các tập san.

NHẤT PHƯỢNG

 

 

 

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh