Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập huyện Tân Châu (13.5.1989 – 13.5.2019):
Hồi ức về những ngày gian khó
Thứ bảy: 10:36 ngày 11/05/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Nhiều lần gặp khi ông còn làm Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, dù biết ông từng là lãnh đạo huyện Tân Châu, nhưng không nghĩ ông giữ “kỷ lục” 15 năm liền là Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ. Chỉ chi tiết ấy thôi cũng đủ hiểu ông là người gắn bó với mảnh đất chang chang nắng ở vùng biên giới này như thế nào.

Trong câu chuyện giữa trưa tháng 4 ở Thị trấn, ông kể nhiều về những ngày Ban Chấp hành lâm thời của Đảng bộ huyện ngược xuôi xin từng cán bộ về củng cố tổ chức bộ máy. 30 năm sau, trong ông cũng đầy ắp những khắc khoải về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ cho huyện, làm sao để vừa có tầm, vừa có tâm!

Những người đi mở đất

Ông Nguyễn Xuân Hồng, còn gọi là Ba Hồng- nguyên Bí thư Huyện uỷ kể rằng, Tân Châu được thành lập từ 8 xã vùng sâu của huyện Tân Biên và 2 xã vùng kinh tế mới của huyện Dương Minh Châu. Sau này mới tách một phần xã Tân Đông để thành lập xã Suối Ngô. Đến năm 1991, lấy ấp Thạnh Hiệp (xã Thạnh Đông) và xã Tân Thạnh để thành lập Thị trấn. 3 năm sau có thêm 2 xã mới là Tân Hà và Tân Hoà.

Ông Võ Văn Phuông- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh (phải) trao lẵng hoa cho ông Nguyễn Xuân Hồng- Phó Bí thư Huyện uỷ tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Tân Châu lần thứ V, nhiệm kỳ 2010 - 2015. Ảnh: Đ.H.T

Năm 1989, khi ông đương giữ chức Bí thư xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu thì ông Tám Một (Võ Thành Thơ - nguyên Bí thư Huyện uỷ, giai đoạn 1989 - 1991) đã xin đưa ông về Tân Châu làm Phó ban Xây dựng Đảng. Cũng có thể, ông Tám Một dò được việc ông Ba Hồng có thâm niên làm công tác tổ chức.

Năm 1989, giải phóng cũng đã được 14 năm, nhưng Tân Châu còn hoang sơ lắm. Trong ký ức của ông Ba Hồng cũng như những người “cựu trào” ở đất này, hồi đó dân cư chủ yếu là người thành phố Hồ Chí Minh đi “kinh tế mới”, người tứ xứ lên đây khai hoang, làm rẫy. Đến khoảng năm 1990, 1991, dân huyện Hiệp Hoà, tỉnh Hà Bắc cũ di cư vào Nam, đến Tân Châu lập xã Tân Hà. Cái tên Tân Hà là do ông Tám Một xin ý kiến tỉnh cho phép ghép chữ đầu của Tân Châu và Hà Bắc mà thành tên xã. 

Lúc mới thành lập, Huyện uỷ, UBND huyện, các ban Đảng làm gì có trụ sở, phải làm việc tạm trong khu nhà gỗ của Cửa hàng ăn uống (cấp 3) huyện Tân Biên cũ tại ngã tư Đồng Pal, chỗ siêu thị bây giờ. Phòng Nông nghiệp huyện mượn nhà dân, còn Phòng Giáo dục, Phòng Lao động, Phòng Văn hoá dồn lại ở chung trong kho lương thực cũ.

Đường sá thì khỏi nói, nắng bụi, mưa lầy, gian nan cực kỳ, chỉ có một con đường ngon ngon một chút từ Thị xã lên Kà Tum, nhưng cũng đầy lỗ hang, nên dân Tân Châu thường gọi là đường Cà Tưng. Ông Ba Hồng nhớ lại, 9 giờ sáng ra bến xe Thị xã đón xe than nóng hầm hập đi Kà Tum, đến 2 giờ chiều mới tới được Nông trường Nước Trong. Con đường Lê Duẩn ở Thị trấn giờ trải nhựa phẳng lì, 30 năm trước, cứ đến mùa mưa nước ngập tới bụng. Mãi sau này, huyện huy động lực lượng đào kênh TC1 từ đầu Thị trấn xuống sông Tha La mới hết cảnh lụt lội.

Con đường huyết mạch đi từ Thị trấn qua Tân Thành, Suối Ngô phải vượt qua sông Tha La nhưng lại không có cầu. Dân đi rừng hạ hai cây dầu bắc ngang sông để cù cây, mùa khô đi xe gắn máy còn dắt qua được, mùa mưa phải đi ghe, đi đò. Chợ Tân Châu bây giờ, Đồng Pal ngày xưa lụp xụp, toàn tranh, tre, nứa, năm nào cũng cháy.

Đất mới, dân tứ xứ, nghèo là chuyện hiển nhiên, trẻ em cũng không mấy đứa đi học. Cả huyện chỉ có duy nhất một trường cấp II được UNICEF viện trợ là xây dựng khá khang trang, còn lại phần lớn đều là vách đất, lợp tranh, người dân xẻ gỗ, cắt ván bìa làm bàn học. Học trò đứa nào giỏi lên được cấp III phải chạy qua Tân Biên hoặc xuống Thị xã trọ học. Cả huyện cũng không có điện, phải về Châu Thành xin máy phát cũ mang lên, để ban đêm một số cơ quan trọng yếu ở Đồng Pal có chút ánh sáng.

Khổ nhất là những người đi mở đất làm rẫy. Bom đạn còn sót lại sau chiến tranh rất nhiều nên năm nào cũng có vài ba vụ nổ trái chết hoặc thương tật vì cuốc nhầm, nhiều nhất là vùng Tân Hội, ở miệt Hóc Thùng Phuy, kế đến là khu vực Suối Ngô.

Xây dựng tổ chức bộ máy, tìm người tăng cường cho cơ sở

Ngày 28.6.1989, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Quyết định số 1080/QĐTU thành lập Đảng bộ huyện Tân Châu và chỉ định Ban Chấp hành lâm thời gồm 18 uỷ viên, do ông Tám Một giữ chức Bí thư, ông Hai Tấn (Nguyễn Văn Tấn) và Võ Văn Thế (Tám Cảnh) giữ chức Phó Bí thư. Ông Ba Hồng nhớ mài mại, lúc đó cả huyện chỉ có vài trăm đảng viên. Thiếu nhân lực nên Huyện uỷ rất tinh gọn, chỉ có 2 ban. Ban Xây dựng Đảng gồm các bộ phận như Kiểm tra, Tổ chức Tuyên giáo, ghép cả Tổ chức chính quyền vào Ban vận động quần chúng gồm các đoàn thể như Mặt trận, Phụ nữ, Nông dân, Đoàn Thanh niên…

Để có người cho hai ban này, hai ông Tám Một và Tám Cảnh phải lặn lội tìm người rồi xin tỉnh hoặc hai huyện Tân Biên và Dương Minh Châu. Như ở Ban Xây dựng Đảng, ngoài ông Ba Hồng từ Phước Minh về làm Phó ban phụ trách tổ chức; bà Hai Ái (Đặng Thị Ái) - Trưởng ban phụ trách công tác kiểm tra và ông Chín Bá - Phó ban phụ trách tổ chức chính quyền, đều là người của huyện Tân Biên; ông Giang Ngọc Trực - Phó ban phụ trách Tuyên giáo do Ban Tổ chức Tỉnh uỷ đưa lên.

Để xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và bộ máy chính quyền cơ sở, hai ông Tám Một và Tám Cảnh đề nghị Tỉnh uỷ, UBND tỉnh làm việc với các sở, ban, ngành tỉnh cử cán bộ lên Tân Châu. Mỗi đơn vị cho một vài người, riêng Giám đốc Sở Lao động khi đó là ông Trần Việt Biên không chỉ cử cán bộ mà cả nhân viên cùng với tủ, bàn, ghế đủ để lập Phòng Lao động huyện.

Ông Nguyễn Xuân Hồng và các vị đại biểu nguyên lãnh đạo huyện qua các thời kỳ tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Tân Châu lần thứ VI, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Ảnh: Công Điều.

“Để tăng cường bộ máy, lãnh đạo huyện xin cán bộ nông trường, vận động bộ đội phục viên, nghỉ hưu ra làm bí thư, chủ tịch xã. Như anh Tám Trẻ, Sáu Trí của Nông trường Đồng Rùm về làm Bí thư xã Suối Dây và Tân Thành; Hai Lộc ở Biên phòng về làm Bí thư xã Suối Ngô; ông Ba Dân- cũng là cựu chiến binh làm Chủ tịch xã Tân Hội (sau về làm Bí thư xã Tân Hà); xin anh Tiến ở Biên phòng về làm Chủ tịch xã Tân Hà; vận động anh Ba Thẩn- Giám đốc Nông trường Tân Hưng về làm Trưởng ban vận động quần chúng”- ông Ba Hồng nhớ lại.

Mới về Tân Châu, ông và bà Hai Ái cùng Bí thư huyện phải xuống Nông trường Tân Hưng “ăn dầm, nằm dề” để củng cố Đảng bộ ở đây vì mất đoàn kết trầm trọng, không tổ chức Đại hội được. Nhớ lại những ngày gian khó đó, ông Ba Hồng nói: “Hồi đó đi cơ sở, đường sá đâu có được như bây giờ, chạy honda cái ù là tới. Đi là phải “nằm vùng” nhiều ngày, vì đâu chỉ có xây dựng tổ chức Đảng mà còn phải củng cố luôn chính quyền. Ăn uống cũng đơn giản, tới bữa ăn với anh em Xã đội, còn không thì vô nhà người quen nấu cơm, thậm chí lục cơm nguội. Tôi ở Dương Minh Châu qua nên còn lạ, chứ còn chị Hai Ái, đi đâu cũng có người quen”.

Năm 1991, tại Đại hội Đảng bộ huyện khoá I, ông Ba Hồng được bầu giữ chức Phó Bí thư Thường trực, và giữ vị trí đó suốt 15 năm, qua 4 đời Bí thư - một “kỷ lục” mà nói vui, cả tỉnh Tây Ninh, cũng khó tìm được người thứ hai. Tôi hỏi ông: “Vậy anh gắn bó với huyện Tân Châu hết thảy là bao nhiêu năm?”. “Anh rời huyện vào năm 2011”.

Hơn 20 năm - đủ để xem Tân Châu là máu thịt và có ngàn chuyện để nhớ, nhưng đối với ông Ba Hồng, đáng để ghi khắc nhất vẫn là những ngày đầu mới thành lập, lãnh đạo huyện không chỉ vất vả đi tìm, đi xin từng cán bộ, mà còn trăn trở cả chuyện đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ.

Năm 1991, sau Đại hội lần thứ nhất, cả Ban Chấp hành Đảng bộ huyện chỉ có 3-4 người có trình độ đại học hoặc có bằng cấp III, còn lại là cấp I, II. Ban Thường vụ Huyện uỷ quyết định phát động phong trào học tập văn hoá, cử ngay 13 uỷ viên Ban Chấp hành và một số cán bộ có triển vọng từ các ngành và xã đi học bổ túc.

“Ai chê thì tôi chịu, chứ nói thật, thời đó nếu không phát động phong trào học bổ túc đó, Tân Châu làm gì có cán bộ, làm nền tảng cho lực lượng sau này!”- ông Ba Hồng chia sẻ. Mà không chỉ có thời ông Tám Một, Tám Cảnh, mà cả những vị Bí thư Huyện uỷ sau này như Nguyễn Văn Tấn (Hai Tấn), Nguyễn Văn Tiến (Sáu Tiến), Phan Minh Đức, Dương Thị Thu Hiền… đều đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ.

Trăn trở cho Tân Châu

“Chắc tại anh có mấy chục năm làm tổ chức, bây giờ hỏi ước mong gì cho Tân Châu, anh vẫn nói về chuyện xây dựng đội ngũ cán bộ. Kinh tế càng phát triển, càng phải có đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý phù hợp, đáp ứng yêu cầu công tác, nhất là phải vừa có tầm, vừa có tâm. Tầm yếu thì Đảng và Nhà nước còn có thể bồi dưỡng, nhưng thiếu cái tâm thì rất khó! Cán bộ phải gắn bó với quần chúng, có tinh thần phục vụ nhân dân thật sự”- ông Hồng tâm sự.

Theo ông Ba Hồng, người làm công tác lãnh đạo cũng vậy, phải đánh giá đúng năng lực cán bộ, xếp họ đúng vai: “Sắp xếp đội ngũ cán bộ như lắp ráp một bộ máy, lắp đúng thì chạy đều, chạy êm. Cần phải gần gũi, theo sát anh em, đừng để cán bộ hư, sa đà…!”.

Trò chuyện bên bàn trà, ông Ba Hồng rất tự hào Tân Châu là một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, thu ngân sách cao, nhưng ông vẫn mong muốn làm sao huyện có nhiều cán bộ giỏi, có trình độ chuyên môn cao để Tân Châu ngày càng phát triển hơn nữa.

Trước khi từ biệt, ông kể chuyện lần về thăm Tân Hà mới đây, gặp lại bà cụ từng dắt díu hai cô con gái từ Hà Bắc vô lập nghiệp, tài sản không có gì ngoài cái giỏ bàng. Bà cụ chìa bàn tay khoe mấy khâu vàng: “Nhờ vô Tân Châu, tui mới biết đeo vàng là gì!”. Chỉ là chuyện nhỏ, nhưng đủ để thấm - đất không phụ người, nếu người biết yêu đất!

Đặng Hoàng Thái

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục