Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Hội Văn học Nghệ thuật Tây Ninh: 40 năm không ngừng lớn mạnh
Thứ bảy: 06:18 ngày 12/10/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sáng 11.10, Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Tây Ninh tổ chức họp mặt kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Hội.

Ông Lê Song Tùng- Trưởng Ban Đại diện phía Nam Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam tặng lẵng hoa chúc mừng họp mặt.

Dự họp mặt có ông Lê Song Tùng- Trưởng Ban Đại diện phía Nam Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam; ông Phạm Hùng Thái- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; bà Nguyễn Thị Xuân Hương- Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ; ông Nguyễn Hồng Thanh- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; ông Nguyễn Văn Vy- Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, Chi hội VHNT các huyện, thị, nguyên lãnh đạo Hội VHNT tỉnh các thời kỳ và hơn 130 hội viên Hội VHNT tỉnh.

Năm 1983, Ban Vận động thành lập Hội VHNT ra đời, do ông Phan Văn- Chủ tịch UBND tỉnh (lúc bấy giờ) làm Trưởng ban. Ban Vận động đã ra sức kết nối, quy tụ những người yêu sáng tạo nghệ thuật chung tay xây dựng đời sống văn hoá, văn nghệ của tỉnh nhà thời kỳ sau chiến tranh. Ngày 13.10.1984, Hội VHNT Tây Ninh chính thức thành lập theo quyết định của UBND tỉnh. Tính đến nay, trải qua chặng đường 40 năm, Hội VHNT Tây Ninh có 304 hội viên với 6 chi hội chuyên ngành và 4 chi hội huyện, thị xã. 

Ông Nguyễn Hồng Thanh- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Ở loại hình văn học, bên cạnh các nhà văn, nhà thơ Vân An, Xuân Thới, Phan Phụng Văn, Xuân Sắc... Tây Ninh có thêm nhiều cây bút như Nguyễn Đức Thiện, Nguyễn Quốc Việt, Phan Kỷ Sửu, Phan Vĩnh, Vũ Xuân Chinh, Thu Trâm, Bích Như, Thiên Huy, Trần Hoàng Vy, Vũ Miên Thảo, Nhất Phượng, Nguyễn Văn Tài...

Đến nay, văn học Tây Ninh có lực lượng khá đông đảo, gồm nhiều lứa tuổi, trong đó có nhiều tên tuổi đã tạo được dấu ấn riêng trên văn đàn như: Vũ Thiện Khái, Phước Hội, Hương Nhu, Đặng Mỹ Duyên, Mai Tuyết, Trần Nhã My, Trương Tuệ Đăng, Đào Phạm Thuỳ Trang... Một số tác giả đã đoạt được giải thưởng văn học cấp tỉnh, khu vực, toàn quốc.

Ở loại hình âm nhạc, lực lượng sáng tác khá mạnh. Sau thế hệ nhạc sĩ - chiến sĩ Xuân Hồng, Tây Ninh xuất hiện các nhạc sĩ như Lê Chí Trung, Lê Chí Khôi, Lê Hữu Trịnh, Lê Hoàng Minh, Lê Hồng Tăng, Nguyễn Đình Hồng, Nguyễn Quốc Đông, Nguyễn Quốc Tây, Hoài Nguyên, Anh Thư, Trần Quang Cường, Nguyễn Trọng Quý...

Ở loại hình múa, phong trào múa của Tây Ninh đã đồng hành cùng VHNT tỉnh suốt nhiều năm qua, có mặt ở hầu hết các chương trình, sự kiện quan trọng của tỉnh.

Bên cạnh đó, ở loại hình nhiếp ảnh, các nghệ sĩ nhiếp ảnh Tây Ninh phục vụ đắc lực, kịp thời nhiệm vụ chính trị của tỉnh nhà trong từng giai đoạn lịch sử, góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá, nghệ thuật của công chúng. Hơn 10 năm gần đây, nhiều tay máy Tây Ninh giành được giải thưởng quốc tế, toàn quốc hoặc khu vực, qua đó góp phần quảng bá vẻ đẹp con người, vùng đất Tây Ninh đến công chúng trong và ngoài nước.

Loại hình mỹ thuật, nhiều hoạ sĩ Tây Ninh đạt kết quả tốt khi tham gia các cuộc triển lãm trong, ngoài tỉnh. Nổi trội trong số đó có các hoạ sĩ Võ Đồng Minh, Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Hữu Thoại, Đặng Văn Thức, Trần Văn Chinh, Phạm Bá Cường, Nguyễn Nam, Nguyên Hoà, Nguyễn Thị Ngọc Thư, Trương Thị Tho, Phạm Trường An, Nguyễn Thanh Vấn.

Ông Lê Song Tùng- Trưởng Ban Đại diện phía Nam Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam trao tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp VHNT Việt Nam cho các cá nhân.

Về sân khấu, lực lượng sáng tác khá đông, cho ra đời nhiều tác phẩm chất lượng cao. Hiện Tây Ninh có 15 hội viên Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, 3 nghệ sĩ ưu tú và 10 nghệ nhân ưu tú đã có tác phẩm đoạt giải cấp tỉnh và toàn quốc.

Ở loại hình điện ảnh, Tây Ninh có 3 hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam đang hoạt động trên địa bàn tỉnh và sinh hoạt ghép với Chi hội Diễn viên thuộc Hội Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh. Các nghệ sĩ thực hiện một số phim đã giành được thứ hạng cao tại liên hoan phim hoặc giải thưởng VHNT toàn quốc, như phim tài liệu "Chân dung Xuân Hồng- chiến sĩ, nhạc sĩ"; phim phóng sự "Đi tìm đồng đội". Đặc biệt, điện ảnh Tây Ninh có phim truyện nhựa 2 tập "Kỳ tích Bà Đen" chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Xuân Sắc, do Công ty Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh phối hợp với Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu sản xuất năm 1989.

Lĩnh vực văn nghệ dân gian, Tây Ninh có 3 hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và 3 Nghệ nhân dân gian. Các nghệ sĩ đã truyền dạy đờn, ca nhạc tài tử tại một số trường phổ thông, các điểm sinh hoạt văn hoá trong tỉnh. Chi hội Văn nghệ dân gian tuy ít người nhưng có nhiều hoạt động đáng ghi nhận, như phường Gia Bình (thị xã Trảng Bàng) đưa văn hoá dân gian đến với giới trẻ; mở lớp Đồng ấu truyền dạy nhạc tài tử Nam Bộ cho thiếu nhi; tổ chức Ngày hội văn hoá dân gian, phổ biến các tri thức dân gian với nhiều hình thức sinh động, góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá tỉnh.

Lãnh đạo Hội VHNT tỉnh tặng giấy khen cho các cá nhân.

Bà Đặng Thị Phượng- Chủ tịch Hội VHNT tỉnh tặng giấy khen cho các cá nhân.

Ông Lê Song Tùng- Trưởng Ban Đại diện phía Nam Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam tặng bằng khen của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cho Hội VHNT tỉnh.

Tap chí Văn nghệ Tây Ninh- phương tiện tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về văn hoá văn nghệ, cũng là nơi tập hợp, quảng bá tác phẩm của những người yêu thích sáng tác đến với công chúng. Tạp chí ấn hành 2 tháng/số và ngày càng đổi mới về nội dung lẫn hình thức...

Phát biểu tại buổi họp mặt, ông Nguyễn Hồng Thanh- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh ghi nhận, suốt 40 năm qua, Hội VHNT tỉnh Tây Ninh không ngừng lớn mạnh, khẳng định vị thế của mình trong đời sống văn hoá nghệ thuật của tỉnh. Những hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm, tổ chức các cuộc thi, hội thảo, trại sáng tác đã tạo ra một sân chơi bổ ích cho các văn nghệ sĩ, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng nghệ thuật và phát triển phong trào văn hoá văn nghệ quần chúng.

Lãnh đạo Hội VHNT Việt Nam, lãnh đạo tỉnh gặp gỡ các thành viên Hội VHNT Tây Ninh.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh lưu ý, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Hội VHNT tỉnh cần nhìn nhận những thách thức và hạn chế mà Hội đang đối mặt. Việc phát triển các tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, phù hợp với yêu cầu của thời kỳ mới vẫn còn nhiều điều cần cải thiện. “Chúng ta cần phát huy tiềm năng của vùng đất Tây Ninh, khai thác những giá trị văn hoá đặc sắc, đồng thời chú trọng đến việc đào tạo và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ, tạo điều kiện cho họ có cơ hội thể hiện tài năng và sáng tạo”- ông Nguyễn Hồng Thanh nói.

Nhân dịp này, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam đã trao tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp VHNT Việt Nam cho 8 cá nhân; UBND tỉnh tặng bằng khen cho 1 cá nhân; Hội VHNT tỉnh tặng giấy khen cho nhiều cá nhân đã có đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển Hội VHNT tỉnh.

Đại Dương

Tin cùng chuyên mục