Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Hôm nay (1.1.2020): Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia chính thức có hiệu lực
Thứ tư: 20:03 ngày 01/01/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Kể từ 1.1.2020, người dân phải chọn "Đã uống bia rượu thì không lái xe" hoặc "Lái xe, dù là xe đạp, cũng không được uống một giọt bia rượu".

Hôm nay (1.1.2020) Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được Quốc hội ban hành ngày 14.6.2019 đã chính thức có hiệu lực. Luật ra đời nhận được sự quan tâm của người dân cả nước nói chung và người dân Tây Ninh nói riêng, với kỳ vọng sẽ kéo giảm tình trạng người tham gia giao thông sử dụng rượu bia vi phạm luật, gây tai nạn.

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định các biện pháp giảm mức tiêu thụ; quản lý việc cung cấp; giảm tác hại; điều kiện bảo đảm cho hoạt động phòng, chống tác hại và quản lý Nhà nước, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia. 

Đáng chú ý, Luật có điều khoản cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia đang được nhiều người quan tâm.

CSGT kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông- Ảnh minh hoạ

Theo đó, các hành vi sau đây sẽ bị nghiêm cấm: Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc và nghỉ giữa giờ làm việc...

Kể từ 1.1.2020, người dân phải chọn "Đã uống bia rượu thì không lái xe" hoặc "Lái xe, dù là xe đạp, cũng không được uống một giọt bia rượu".

Khi được hỏi về Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, đa số người dân đều cho biết đã rõ về luật mới ra đời và đồng tình với những quy định trong luật nhằm hạn chế tai nạn giao thông cũng như những mâu thuẫn không đáng có trong đời sống hàng ngày.

Anh N.V.T (ngụ xã Bình Minh, TP.Tây Ninh) cho biết, thông tin về Luật anh đã tìm hiểu qua báo, đài, mạng xã hội và cá nhân anh hoàn toàn ủng hộ Luật với quy định đã uống rượu bia thì không được điều khiển phương tiện giao thông. Anh hy vọng từ đó sẽ kéo giảm được tai nạn giao thông...

Còn em N.V.Q- một người tham gia giao thông khác thì cho rằng, chúng ta nên theo xu hướng của quốc tế, cấm tất cả người tham gia giao thông uống rượu bia và có chế tài xử phạt thật nặng để hạn chế tai nạn giao thông xảy ra cũng như những xung đột không đáng có trong cuộc sống.

Theo thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia, có khoảng 36% người điều khiển xe máy bị phát hiện có nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép, gần 40% các vụ tai nạn giao thông xảy ra do người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có uống rượu bia. Tỷ lệ người dân tự lái xe sau khi uống rượu bia chiếm đến 68% (xe máy 62%, ô tô 6%) gây tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông.

Theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông, từ đầu năm 2019 đến nay, lực lượng CSGT Công an tỉnh đã lập biên bản xử lý 17.432 trường hợp (riêng tháng 12.2019 xử phạt 947 trường hợp) người điều khiển phương tiện vi phạm có sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. 

Về chế tài xử phạt, ngày 30.12.2019, Thủ tướng Chính phủ chính thức ký ban hành Nghị định số 100 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, thay thế Nghị định số 46/2016 của Chính phủ với nhiều điểm mới và có hiệu lực từ ngày 1.1.2020.

Theo đó, đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất sẽ phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 22 - 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; đối với người điều khiển xe mô tô vi phạm Luật bị phạt từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng; người điều khiển xe đạp, xe thô sơ vi phạm phạt từ 400-600 ngàn đồng.

Như vậy, các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia được tăng nặng mức xử phạt… nhằm tăng cường hơn nữa công tác đảm bảo ATGT, giảm tai nạn giao thông.

Thực tế, để đưa bất cứ điều luật mới nào thực thi trong cuộc sống đều phải trải qua một quá trình dài. Điển hình như quy định bắt buộc người điều khiển xe mô tô, gắn máy phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông cũng gặp phải nhiều ý kiến trái chiều.

Tuy nhiên, sau hàng chục năm thực hiện, chứng kiến một xã hội ổn định về trật tự, những vụ tai nạn, thương vong giảm bớt, dần dần cả xã hội ủng hộ. Từ đó có thể thấy, để Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đi vào cuộc sống cần phải có sự chung tay của toàn xã hội có như vậy mới đạt được nhiều kết quả như mong muốn.

Phạm Công - Tấn Lực

Tin cùng chuyên mục