Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Hôm nay 1/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, dự kiến 2024
Thứ tư: 10:04 ngày 01/11/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Quốc hội dành cả ngày làm việc tại hội trường tiếp tục thảo luận về Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến năm 2024; Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025…

Các đại biểu Quốc hội họp tại hội trường chiều ngày 31/10.

Dự kiến Quốc hội dành cả ngày làm việc tại hội trường tiếp tục thảo luận về Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; Đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2025.

Các đại biểu cũng thảo luận về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; Kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Trước đó, chiều ngày 31/10, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường các đại biểu bày tỏ quan tâm, tập trung thảo luận, cho ý kiến về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.

Đầu tư công là động lực để phát triển kinh tế - xã hội

Nhấn mạnh vốn đầu tư công là nguồn lực, là động lực để phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Đại Thắng, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cao nhất của năm 2023, đầu tư công cần “bung ra” mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, để tăng cầu, tổng cầu của nền kinh tế.

Theo đó, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có giải pháp quyết liệt hơn nữa, tháo gỡ những khó khăn, điểm nghẽn, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng cho rằng cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án. Giải ngân vốn đầu tư công cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư giải ngân.

Chính phủ cần rà soát, đánh giá hiệu quả các dự án đầu tư công và có chế tài cụ thể, xác định rõ quyền và trách nhiệm của cơ quan giám sát để kịp thời ngăn chặn các khoản đầu tư vào các dự án không hiệu quả, chưa cần thiết, gây lãng phí.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng cho rằng, cần chủ động rà soát để điều chuyển vốn sớm ngay từ đầu năm theo thẩm quyền giữa các dự án chậm giải ngân sang dự án có khả năng giải ngân tốt hơn của vốn theo quy định; đẩy nhanh các thủ tục đầu tư dự án.

“Theo quy định của pháp luật hiện hành, khi có tiền, xác định rõ nguồn vốn mới được lập dự án đầu tư nên cần phải mất một thời gian chuẩn bị đầu tư dự án mới có thể giải ngân được. Đây là một trong những vướng mắc, điểm nghẽn, là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc triển khai giải ngân vốn đầu tư công gặp khó khăn và chậm tiến độ”, đại biểu Nguyễn Đại Thắng nhận định

Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành liên quan có giải pháp để tháo gỡ, kịp thời bố trí nguồn ngân sách để lập dự án đầu tư, bảo đảm khi được bố trí vốn đầu tư, việc triển khai thực hiện dự án thuận lợi và giải ngân được ngay.

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu tại hội trường.

Rà soát các quy định để triển khai mạnh mẽ công trình, dự án trọng điểm quốc gia

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, thời gian qua, có nhiều khó khăn thách thức nặng nề, nhưng nhờ sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, sự đồng hành phối hợp của Quốc hội và các cơ quan trong hệ thống chính trị, kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm đã đạt được kết quả khá toàn diện.

Đại biểu đánh giá cao công tác triển khai các công trình, dự án trọng điểm quốc gia, đặc biệt là tạo đột phá về hạ tầng giao thông. Các dự án này hoàn thành đúng tiến độ sẽ tạo diện mạo mới về giao thông cho đất nước, tạo xung lực cho nền kinh tế để cất cánh trong điều kiện khó khăn.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, còn một số tồn tại, hạn chế, đặc biệt là trong hoàn thiện thể chế. Cụ thể, một số dự luật, đề nghị xây dựng luật chưa đảm bảo yêu cầu về chất lượng, nhiều văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, vướng mắc, chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế.

Qua rà soát, nhiều văn bản pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai, đấu giá, tài sản công, tài chính…

Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, rà soát các quy định của pháp luật còn chồng chéo, vướng mắc, bất cập, chủ động đề xuất xem xét, điều chỉnh, bổ sung, thay thế kịp thời để tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, khai thông nguồn lực, tạo điều kiện đẩy mạnh việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội.

Nguồn baoquocte

Tin cùng chuyên mục