Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Sáng nay (5/9), học sinh và giáo viên trên cả nước cùng khai giảng năm học mới với chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới theo chiều sâu, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”.
Trước đó, năm học 2022-2023 có chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”.
Năm học này được "tư lệnh ngành" - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn - nhận định là năm học nhiều khó khăn và thách thức với ngành giáo dục, khi vừa phải tiếp tục cùng cả nước khắc phục, nỗ lực vượt qua khó khăn do hậu quả của đại dịch Covid-19, vừa phải củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo.
Đây cũng là năm học đầu tiên ngành giáo dục triển khai tổ chức dạy học môn Tiếng Anh, Tin học theo Chương trình Giáo dục dục phổ thông (GDPT) 2018 đối với lớp 3 và triển khai Chương trình GDPT đối với cấp THPT.
Năm học 2023-2024, ngành giáo dục tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025...
Bộ GD-ĐT mới đây đã ban hành 12 nhiệm vụ cho năm học 2023-2024 để thực hiện chủ đề cũng như các mục tiêu đặt ra. Tuy nhiên, một trong những nỗi lo lớn nhất của ngành giáo dục ở thời điểm hiện tại là việc thiếu hơn 118.000 giáo viên các cấp.
Học sinh tiểu học ở Hà Nội trong lễ khai giảng năm học 2023-2024. Ảnh: Thanh Hùng
Theo thống kê, hiện nay cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên, tăng thêm 11.308 người thiếu so với năm học 2021-2022 (cấp mầm non tăng 7.887 người, cấp tiểu học tăng 169 người, cấp THCS tăng 1.207 người, cấp THPT tăng 2.045 người).
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 diễn ra giữa tháng Tám vừa qua, một trong những chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính là các bộ, ngành, cơ quan, địa phương xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với ngũ giáo viên; có giải pháp tài chính hỗ trợ giáo viên vùng sâu, vùng xa, giáo viên mầm non; nâng cấp, bổ sung điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.
"Bộ Tài chính phối hợp với Bộ GD-ĐT và các bộ, ngành liên quan có giải pháp tài chính hỗ trợ giáo viên vùng sâu, vùng xa, giáo viên mầm non. Đề nghị 2 Bộ trưởng gặp nhau khẩn trương để xem xét về phụ cấp cho giáo viên" - Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu.
Tại Hà Nội, học sinh các trường tập trung và nhà trường tổ chức đón học sinh đầu cấp từ 7h.
Lễ khai giảng tại các trường bắt đầu với việc chào cờ Tổ quốc, hát Quốc ca và bao gồm các hoạt động như: Đọc thư của Chủ tịch nước gửi cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhân ngày khai trường; các hoạt động tập thể (văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian...).
Học sinh hát Quốc ca trong lễ khai giảng. Ảnh: Thanh Hùng
Theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT Hà Nội, lễ khai giảng được các trường tổ chức gọn nhẹ, với học sinh là trung tâm, chú trọng việc tổ chức đón học sinh đầu cấp, đảm bảo thực sự trở thành ngày hội khai trường của học sinh.
Sau khai giảng, các trường cần duy trì nề nếp hát Quốc ca trong các buổi sinh hoạt đầu tuần, lễ kỷ niệm, tổng kết, tuyên dương, khen thưởng...
Sáng nay, tại TP.HCM lễ khai giảng được tổ chức ở đồng loạt các trường với tất cả học sinh được tham dự.
Theo yêu cầu của Sở GD-ĐT, lễ khai giảng diễn ra ngắn gọn trong khoảng 45 phút, với những hoạt động văn nghệ chào mừng, đón học sinh đầu cấp, cắt băng khánh thành (đối với trường mới), diễn văn khai giảng của hiệu trưởng, đánh trống khai trường, trao học bổng...
Sau phần lễ, các trường tổ chức phần hội để tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho học sinh.
Đối với giáo dục mầm non, các trường tổ chức ngày hội “Bé vui đến trường”, tận dụng không gian để tổ chức trò chơi vận động, hoạt động phát triển thẩm mỹ, trò chơi dân gian, xem xiếc, múa rối…
Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu tất cả học sinh các trường phải tham dự lễ khai giảng. Trong trường hợp nhà trường không đủ điều kiện phải đảm bảo học sinh đầu cấp, cuối cấp tham dự phần lễ và tất cả học sinh được tham dự phần hội.
Khai giảng năm học mới 2023-2024. Ảnh: Thanh Hùng
Chỉ 1 ngày trước khai giảng - ngày 4/9, ông Trần Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi ký văn bản yêu cầu lãnh đạo tỉnh đến tham dự nhưng sẽ không phát biểu và không đánh trống khai giảng ở các trường.
Ông Tuấn chia sẻ việc không đánh trống, phát biểu sẽ làm đơn giản hóa buổi lễ khai giảng, lãnh đạo tỉnh chỉ đến trường thăm, động viên thầy cô, học trò năm mới, tặng hoa hoặc quà cho học sinh nghèo vượt khó, hiếu học tùy từng điểm trường. Tỉnh Quảng Ngãi có khoảng 600 trường học, chủ trương của tỉnh là buổi lễ đơn giản, tránh kéo dài, rườm rà.
Tương tự, Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng cũng chỉ đạo lễ khai giảng được tổ chức với tinh thần ngắn gọn, không có phần phát biểu của lãnh đạo các cấp, không thả bóng bay.
Bài phát biểu chào mừng năm học mới tập trung chào mừng các em học sinh đến trường, nhất là học sinh đầu cấp... kết thúc là lời cảm ơn và chúc mừng năm học mới.
12 nhiệm vụ năm học mới 2023-2024
1. Hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về giáo dục.
2. Thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
3. Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp.
4. Bố trí, phân bổ ngân sách Nhà nước và huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục.
5. Quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH; đẩy mạnh thực hiện tự chủ ĐH; nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực gắn với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo.
6. Hội nhập quốc tế trong giáo dục.
7. Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành.
8. Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo.
9. Tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục quốc phòng an ninh.
10. Tăng cường giáo dục thể chất, hoạt động thể thao, y tế trường học.
11. Bảo đảm an toàn trường học, chủ động phòng chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh.
12. Tăng cường truyền thông giáo dục; tiếp tục thực hiện các phong trào thi đua trong toàn ngành.
Nguồn Vietnamnet