Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ông Thường cho biết thêm, sở dĩ gia đình ông chở lá đem xuống tận chợ Bình Trị Ðông để bán vì từ 40 năm trước, người ta đã “quen mặt, quen nghề” nên mỗi người đều được “xếp chỗ” trước để bán vào ban đêm.
Anh Tú lặt lá tre lục trúc.
Hằng năm, vào dịp Tết Ðoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch), nhà ông Nguyễn Văn Thường (68 tuổi, tự Ba Cao), ngụ ấp Trường Ðức, xã Trường Ðông, huyện Hoà Thành trở lại với công việc hái lá tre cung cấp cho thị trường thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, ông Thường đã làm công việc này trên 40 năm.
Theo lời ông Thường, gia đình ông có hơn 1.000 m2 đất trồng tre lục trúc để thu hoạch lá. Mỗi năm, vào dịp Tết Ðoan Ngọ, gia đình ông thu về 30-40 triệu đồng từ tiền bán lá, chưa kể tiền bán măng.
Tại cơ sở thu mua lá tre của ông Thường, những bó lá xanh tươi đã được sắp xếp ngay ngắn, buộc lại cẩn thận chờ đến giờ xuất hàng. Trong vườn tre đối diện căn nhà, người thân ông Thường thoăn thoắt dùng tay lặt từng lá tre to dày cho vào bao.
Ông Thường cho biết, thời điểm để hái lá tre (chở về chợ Bình Trị Ðông, quận Bình Tân, TP.Hồ Chí Minh) chỉ kéo dài 2 ngày- 29 và 30 tháng tư âm lịch. Ðây là khu chợ có truyền thống bán lá tre từ lâu.
Mỗi năm, vào dịp Tết Ðoan Ngọ, ngoài nguồn lá tre trong vườn, gia đình ông còn thu gom của các hộ xung quanh, sau đó chở xuống chợ bán. Chợ lá ở Bình Trị Ðông chỉ bán vào ban đêm. Rộ nhất là vào đêm 30 tháng tư, kéo dài đến đêm mùng 1, mùng 2, đến mùng 3 là tan.
Ông Thường cho biết thêm, sở dĩ gia đình ông chở lá đem xuống tận chợ Bình Trị Ðông để bán vì từ 40 năm trước, người ta đã “quen mặt, quen nghề” nên mỗi người đều được “xếp chỗ” trước để bán vào ban đêm.
Khách hàng là các lò bánh từ tỉnh Long An, Tiền Giang, Ðồng Nai… “Bình quân, mỗi ký lá được bán với giá 30-40.000 đồng. Tính ra, sau khi trừ hết chi phí, mỗi vụ tôi thu về gần 40 triệu đồng”- ông Thường nói.
Tuy nhiên, nghề bán lá tre không phải lúc nào cũng thuận lợi. Lá tre chở ra chợ phải đẹp, to, dày, đặc biệt phải xanh tươi, thẳng mép. Ðể làm được như vậy, lá sau khi được hái từ trên cây xuống, ông xếp lại thành bó và ngâm trong bể nước sạch, khoảng 1 giờ thay nước khác, sao cho lá giữ được độ tươi xanh, không bị cuống kèn. Nếu lá tre bị sẫm màu, cuống kèn lại, người mua sẽ chê, không thể bán được.
Chia sẻ về những khó khăn với nghề bán lá tre, ông Thường cho hay, có năm, ông và người con trai phải “bỏ của chạy lấy người” vì lá tre bị “ế đậm”, không ai mua.
Trong hoàn cảnh đó, không chỉ riêng gia đình ông mà còn rất nhiều người bán lá tre cũng bỏ lá xanh cả một khu chợ trở về nhà, thậm chí chặt bỏ vườn tre. Không nản chí, ông quyết tâm giữ lại nghề truyền thống của gia đình, cố gắng duy trì vườn tre, vừa nuôi lá, vừa nuôi gốc để lấy măng.
Theo anh Tú (39 tuổi, con trai ông Thường), mỗi dịp mùng 5 tháng 5, cả gia đình, hàng xóm cùng phụ giúp nhau hái lá tre. Tiền công dao động từ 150.000 đồng - 200.000 đồng/người/ngày.
“Nhờ duy trì nghề này mà từ nhiều năm nay, gia đình tôi và hàng xóm luôn có sự khắng khít, gắn bó, giúp đỡ nhau mỗi khi cần”, anh Tú nói.
Cũng theo anh Tú, mỗi vụ, gia đình anh cung cấp cho thị trường khoảng 2 - 3 tấn lá tre. Ngoài ra, măng lục trúc cũng là mặt hàng được nhiều người ưa chuộng. Trung bình mỗi ngày, gia đình anh thu hoạch khoảng 30kg búp măng (mỗi búp măng nặng từ 1-3 kg) với giá 13.000-15.000 đồng/kg.
Từ cây tre lục trúc, mỗi năm gia đình ông Thường có thu nhập trên 100 triệu đồng. Theo ông Thường, các lò bánh rất thích sử dụng lá từ tre lục trúc. Ngoài bản to, dày, lá còn có mùi thơm rất đặc trưng sau khi gói bánh.
Tâm Giang