Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Hơn 50 năm gắn bó với nghề ảo thuật
Thứ bảy: 08:39 ngày 09/03/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ông Nguyễn Hữu Phước, ngụ phường Hiệp Tân, thị xã Hoà Thành là người gắn bó cả cuộc đời với ảo thuật ở Tây Ninh.

Ông Nguyễn Hữu Phước biểu diễn tiết mục ảo thuật với dây.

Đam mê

Nhớ lại nghiệp sân khấu, ông Phước kể, những năm trước giải phóng, thỉnh thoảng ở sân bóng đá huyện Phú Khương (nay là thị xã Hoà Thành) có tổ chức chương trình đại nhạc hội. Trong đó, có những tiết mục do các ảo thuật gia đến từ Sài Gòn biểu diễn. Nhà ở gần sân bóng đá nên ông Phước cùng các bạn thường xuyên leo tường rào vào xem. Ông nhanh chóng bị thu hút bởi các tiết mục biểu diễn ảo thuật trên sân khấu và chăm chú theo dõi từng động tác khéo léo của người biểu diễn. Về nhà, ông tự tìm tòi, chế tạo đạo cụ và tập tành làm theo.

Ông Phước tâm sự: “Tôi có khiếu với nghề này. Chỉ cần nhìn thấy người khác biểu diễn trên sân khấu một lần là tôi có thể làm theo được”. Cứ như thế, mỗi lần có đại nhạc hội là ông Phước lại học lỏm thêm được vài ngón nghề. Năm 1973, khi còn là học sinh, ông bắt đầu biểu diễn ảo thuật ở trường học trước đông đảo thầy cô, bạn bè. Cứ thế, ông tích luỹ thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm. “Mỗi lần biểu diễn xong, tôi thường đi xuống khán giả để nghe họ bàn tán, nhận xét. Họ phát hiện ra bí mật của tiết mục nào là tôi liền về nhà nghiên cứu biểu diễn khéo léo hơn, để thu hút khán giả”- ông Phước chia sẻ.

Khăn voan trở thành... cá chép.

Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, hoạt động văn hoá văn nghệ của tỉnh được quan tâm, đẩy mạnh, ông Phước xin vào Đội Văn nghệ của Nhà Văn hoá thông tin tỉnh (nay là Trung tâm Văn hoá tỉnh). Từ đó, ông cùng với các thành viên trong đội thường xuyên lưu diễn khắp nơi trong tỉnh. “Hằng năm, vào những dịp ngày lễ, tết; các đợt tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật, nghị quyết mới của Đảng, Nhà nước; nhận quân, làm công tác dân vận, Đội Văn nghệ đi biểu diễn ở các xã, phường, thị trấn, đơn vị lực lượng vũ trang, tôi đều có mặt để góp phần làm phong phú chương trình văn nghệ”- ông Phước nói.

Trong những ngày Tết Giáp Thìn- 2024 vừa qua, Trung tâm Văn hoá tỉnh tổ chức chương trình ca múa nhạc tổng hợp với chủ đề “Sắc xuân trên quê hương” ở khu vực quảng trường Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen; và dịp kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng Việt Nam và 35 năm Ngày Biên phòng toàn dân, Đội Văn nghệ của BĐBP tỉnh phối hợp với Trung tâm Văn hoá tỉnh tổ chức chương trình nghệ thuật với chủ đề “Xuân biên giới”, ông Phước đều tham gia biểu diễn nhiều tiết mục ảo thuật đặc sắc. Những màn biểu diễn của ảo thuật gia Hữu Phước luôn thu hút đông đảo khán giả với những tràng vỗ tay không ngừng vang lên.

Sau khi xem chương trình nghệ thuật “Xuân biên giới” ở Tiểu đoàn Huấn luyện cơ động, những chiến sĩ mới mà chúng tôi có dịp tiếp xúc đều đặc biệt ấn tượng với những tiết mục ảo thuật của ông Phước.

Tiết mục “hô biến” ra những bông hoa của ông Nguyễn Hữu Phước.

Chuyện của nghề

Ông Phước nhớ lại: “Thời bao cấp, đường giao thông dẫn đến các đồn biên phòng toàn là đường đất cát, đất đỏ, đi lại rất khó khăn. Biểu diễn xong ở đồn biên phòng này, anh em trong Đội Văn nghệ ngủ tại chỗ, ngày hôm sau mới di chuyển sang đồn khác. Cứ như thế, mỗi lần đi diễn, khoảng nửa tháng mới về tới nhà một lần”.

Ảo thuật đòi hỏi người làm nghề phải không ngừng nỗ lực rèn luyện. Tính đến nay, ảo thuật gia quê ở Hoà Thành đã biểu diễn thành thục hàng trăm màn ảo thuật, nhưng trước khi lên sân khấu, ông đều dành ra một ngày để chuẩn bị đạo cụ và tập dượt lại từng động tác. Ông kể một sự cố trong nghề: “Những năm trước, khi cả nước giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid- 19, các hoạt động văn nghệ đều tạm ngưng, tôi cũng ngưng tập dượt các ngón nghề. Đến khi sân khấu sáng đèn trở lại, trong một lần biểu diễn tiết mục thắt những chiếc khăn quanh cổ, khi cầm chiếc khăn trên tay, tôi quên mất động tác kế tiếp là gì. May mắn là tôi có nhiều năm kinh nghiệm nên đã khéo léo chuyển tiếp sang tiết mục khác mà khán giả không nhận ra”.

Tính đến thời điểm hiện nay, chỉ có người con trai của ông Phước, là anh Tuấn Anh, nối được nghiệp của cha, nhưng cũng hoạt động bán chuyên nghiệp. Hiện, anh Tuấn Anh đang làm việc trong hệ thống siêu thị Co.opMart Tây Ninh. Khi nào ông Phước không đi biểu diễn được, ảo thuật gia trẻ này mới thay cha lên sân khấu. Trong quá trình ông Phước lưu diễn khắp nơi, có nhiều người yêu thích loại hình nghệ thuật này tìm đến ông xin học nghề, nhưng cuối cùng, hầu như không có ai theo nghề ông đến cùng.

Ông Phước phân tích, một trong những lý do dẫn đến tình trạng trên là thu nhập từ nghề ảo thuật ở tỉnh ta không cao, trong khi đó, có những màn ảo thuật phải tốn chi phí khá nhiều. Như màn ảo thuật biến ra tiền thật để tặng khán giả, “thiệt hại” bằng phân nửa tiền công biểu diễn trong đêm. Ngoài ra, có nhiều tiết mục mà để biểu diễn được nó phải tốn nhiều tiền mua sắm đạo cụ. “Ví dụ như màn ảo thuật khiến một chiếc bình tự nở ra hoa, hiện nay giá bán đạo cụ trên thị trường khoảng 7 triệu đồng, trong khi tiền công được trả mỗi đêm biểu diễn của tôi chỉ 300 ngàn đồng. Đó là chưa kể trong quá trình đi lưu diễn khắp nơi trong tỉnh, đạo cụ này có thể bị va đập, rơi vỡ. Vì vậy, có những màn ảo thuật tôi có thể làm được nhưng lại không biểu biễn vì chi phí đắt đỏ”- ảo thuật gia nói thêm.

Ông Nguyễn Hữu Phước biến những lá bài to thành nhỏ và ngược lại.

Sau hơn 50 năm cống hiến cho nghệ thuật, ông Phước đã nghỉ hưu, an nhiên bên người thân, con, cháu. Mặc dù đã 65 tuổi và không còn làm trong Đội Văn nghệ của Trung tâm Văn hoá tỉnh nữa, nhưng ông Phước vẫn giữ nguyên ngọn lửa đam mê với nghề. Ông thường xuyên được đơn vị này mời cộng tác biểu diễn. “Còn đủ sức khoẻ, tay chân còn lanh lợi là tôi vẫn có thể bước lên sân khấu biểu diễn”- ông Phước bộc bạch.

Đại Dương

Báo Tây Ninh
mồi câu nhái giả Tìm hiểu mbti và cách áp dụng giám sát an toàn là gì
Tin liên quan