Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Hơn 60 giờ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Vienna, Áo
Thứ năm: 08:44 ngày 09/09/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Hơn 2 ngày với khoảng hơn 20 hoạt động liên tục tại thủ đô Vienna (Áo), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã có một chuyến đi tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 (WCSP5) ý nghĩa và hiệu quả.


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5, ngày 7/9 tại thủ đô Vienna, Áo. (Nguồn: TTXVN)

Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Áo Nguyễn Trung Kiên trả lời phỏng vấn của TG&VN ngay sau khi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kết thúc chuyến công tác tại Áo và chuẩn bị cho chuyến thăm làm việc với Nghị viện châu Âu, Vương quốc Bỉ.

Thưa Đại sứ, thời gian qua, nhiều hoạt động đối ngoại đa phương bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19, WCSP5 được tổ chức trực tiếp thành công có ý nghĩa như thế nào?

WCSP5 được tổ chức trực tiếp tại Cộng hòa Áo trong bối cảnh thế giới và các nước châu Âu bắt đầu phục hồi sau đại dịch Covid-19. Hội nghị lần này có ý nghĩa rất đặc biệt đối với sự phát triển của ngoại giao nghị viện, củng cố vai trò của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), làm sống động, nâng tầm ngoại giao đa phương sau một thời gian dài gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19 cũng như xu hướng trỗi dậy của chủ nghĩa đơn phương trong quan hệ quốc tế.

Trong bối cảnh đó, WCSP5 lần này không chỉ là một Hội nghị định kỳ mà còn là dấu ấn cho sự trở lại của ngoại giao nghị viện đa phương truyền thống, làm gia tăng ý nghĩa chính trị của Phiên họp trực tuyến WCSP5 vào tháng 8/2020. Sự hứng khởi được thế hiện rất rõ ở mỗi đại biểu trực tiếp tham dự phiên khai mạc WCSP5. Họ thực sự cảm nhận được rằng, không có gì có thể thay thế được hình thực giao lưu trực tiếp.

Việc Nghị viện, Chính phủ Áo tổ chức Hội nghị trực tiếp cho thấy tình hình đại dịch Covid-19 được kiểm soát không chỉ ở Áo mà cả ở các nước châu Âu khác. Hội nghị thể hiện quyết tâm của Hội đồng Quốc gia Áo và Nghị viện các nước châu Âu đem lại sức sống mới, khôi phục niềm tin của người dân khu vực châu Âu đối với chính sách và sự phát triển của Liên minh châu Âu, đồng thời, gắn kết quan hệ trên kênh nghị viện giữa các quốc gia trên thế giới.

WCSP5 là sự kiện quốc tế lớn nhất, quy tụ đông đảo nhất các quốc gia tham gia với sự hiện diện của nhiều lãnh đạo nghị viện các nước. Chính vì vậy, đây là cơ hội để lãnh đạo nghị viện các nước tăng cường tiếp xúc song phương trong khuôn khổ Hội nghị.

Trong bối cảnh đó, khi dịch Covid-19 tại Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, việc Chủ tịch Quốc hội ta tham dự Hội nghị cho thấy một quyết tâm rất cao của Đảng và Chính phủ Việt Nam, vừa nỗ lực phòng chống dịch bệnh, vừa duy trì các hoạt động ngoại giao, kinh tế.

Việc duy trì các hoạt động ngoại giao, kinh tế trong thời điểm này cũng chính là để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh. Các hoạt động ngoại giao vaccine, mua bán trang thiết bị y tế cũng là một trong những trọng tâm chính trong chuyến thăm châu Âu lần này của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp nhận 300.000 bộ kít xét nghiệm Covid-19 của ông Menahem Esnhoren, Chủ tịch Công ty Me Capital Beteilgungen. (Nguồn: TTXVN)

Hoạt động của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Áo bắt đầu từ khoảng 15h ngày 5/9 và kết thúc vào tối ngày 7/9. Hơn hai ngày của Chủ tịch Quốc hội đã diễn ra như thế nào, thưa Đại sứ?

Với khoảng hơn 20 hoạt động trong hơn hai ngày là nhịp độ làm việc rất khẩn trương, tối đa hóa các cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn ta.

Từ đó, có thể nói rằng, chuyến đi tới Áo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã thành công, với nhiều kết quả vượt ngoài mong đợi.

Về đa phương, chuyến đi chuyển tải thông điệp, hình ảnh về đất nước Việt Nam với một Quốc hội hành động, là quốc gia có trách nhiệm, chủ động, tích cực trong hợp tác đa phương, có chính sách đối ngoại rộng mở, khát khao phát triển, nỗ lực vươn lên trong đại dịch; đồng thời thể hiện sự coi trọng của Quốc hội và Việt Nam đối với Hội nghị WCSP5, với Nghị viện châu Âu và với nghị viện các nước đối tác. Đồng thời, việc tham dự Hội nghị WCSP5 còn thể hiện sự ủng hộ của Quốc hội Việt Nam đối với Nghị viện Áo.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có 2 bài phát biểu quan trọng (tại phiên khai mạc và phiên thảo luận chuyên đề) gửi gắm thông điệp từ thực tiễn của Việt Nam trong khuôn khổ Hội nghị.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh 3 điểm: Thứ nhất, người dân phải là trung tâm cho mọi nỗ lực và chính sách quốc gia. Thứ hai, thực hiện công bằng vaccine cho mọi người, củng cố hệ thống y tế tự cường, hợp tác sản xuất vaccine.

Thứ ba, Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và các cơ chế đa phương hiệu quả là cơ sở cho kết nối hài hòa giữa chủ nghĩa đa phương ở cấp độ toàn cầu với thực tiễn của khu vực và quốc gia vì hòa bình, phát triển bền vững.

Về song phương, bên lề Hội nghị WCSP5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp xúc 12 cuộc với các đoàn đại biểu Quốc hội châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh, với các đối tác quan trọng như Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, Ấn Độ, Chile…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã có cuộc gặp với Trưởng Văn phòng Liên hợp quốc và Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tại Áo.

Từ nỗ lực vận động của Đại sứ quán và sự tham gia của Việt Nam trong hoạt động của IAEA, nhân dịp này, Tổng Giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi đã chính thức tuyên bố tặng Việt Nam 3 bộ trang thiết bị theo công nghệ nguyên tử chẩn đoán Covid-19 sớm, giá trị lên tới 470.000 USD.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ còn dành thời gian gặp gỡ các Đại sứ Việt Nam tại Áo, Hungary, Ba Lan, Séc, Đức và Slovakia. Sau đó, Chủ tịch Quốc hội gặp gỡ 70 đại diện kiều bào ta tại 6 nước này. Vì tình hình dịch bệnh, cuộc gặp diễn ra hạn chế về số lượng nhưng thực chất và hiệu quả, Chủ tịch Quốc hội và kiều bào cùng chia sẻ nhiều vấn đề như xây dựng luật, phát triển văn hóa, duy trì dạy tiếng Việt; kêu gọi kiều bào hướng về Tổ quốc, đóng góp cho Quỹ phòng chống dịch…

Đặc biệt, sáng 6/9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Áo do Phòng Thương mại Công nghiệp Áo phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Đại sứ quán Việt Nam tại Áo tổ chức. Sự kiện thu hút 60 doanh nghiệp 2 bên, trong bối cảnh dịch Covid-19 đây là một nỗ lực rất lớn.

Sau sự kiện, Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Phòng thương mại Liên bang Áo đã ngay lập tức gửi thư cho Đại sứ quán và đánh giá cao chất lượng của Diễn đàn, cảm ơn những nỗ lực từ phía Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng dành thời gian tiếp nhiều doanh nghiệp Áo. Nhiều doanh nghiệp đã ủng hộ các nỗ lực chống dịch của Việt Nam với hơn 1,5 triệu kit xét nghiệm nhanh Covid-19 và 30.000 khẩu trang y tế.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chụp ảnh lưu niệm với cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Áo. (Nguồn: TTXVN)

Để phục vụ cho chuyến thăm diễn ra suôn sẻ, là những đêm không ngủ, những “bước chân không mỏi”?

Đại sứ quán Việt Nam tại Áo, với số lượng người khá ít, phải chuẩn bị cho các hoạt động từ đa phương tới song phương, do đó, khá căng thẳng.

Tuy nhiên, ngay từ khi có những thông tin sơ bộ về việc Hội nghị WCSP5 có khả năng diễn ra trực tiếp và Chủ tịch Quốc hội ta được mời tham dự, Đại sứ quán đã bắt đầu sát sao chuẩn bị. Trong bối cảnh dịch Covid-19, chúng tôi càng nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động đối ngoại đa phương lần này, do vậy, tập trung mọi nguồn lực và cố gắng hết mình.

Thủ đô Vienna là nơi có số lượng trụ sở các tổ chức đa phương lớn thứ ba thế giới, vì vậy, hoạt động song phương và đa phương luôn phải phối hợp cùng nhau. Đây cũng là một thuận lợi để cán bộ của sứ quán có nhiều kinh nghiệm “tác chiến” linh hoạt. Ba ngày qua thực sự với chúng tôi rất “căng” nhưng với những gì nhận lại được thì rất đáng giá.

Xin cảm ơn Đại sứ!

Áo là một trong những nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam khi cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của Việt Nam còn chưa kết thúc. Trong những năm qua, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Áo được củng cố và phát triển.

Quan hệ nghị viện giữa hai nước được duy trì trên cả bình diện song phương và đa phương; hai bên duy trì tiếp xúc và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn liên nghị viện quốc tế và khu vực như IPU, Diễn đàn Đối tác nghị viện Á-Âu (ASEP). Về kinh tế - thương mại, Áo là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Việt Nam trong EU. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng tích cực, tăng đều qua các năm, đạt khoảng 3,18 tỷ USD năm 2020.

Nguồn baoquocte

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục