Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Thăm dò của YouGov cho thấy 97% người Việt ủng hộ cách chính phủ ứng phó Covid-19, đứng đầu các nước được khảo sát.
97% người Việt Nam tham gia khảo sát cho rằng chính phủ đang xử lý đại dịch "rất" hoặc "khá" tốt, theo số liệu cập nhật ngày 12/5 trên trang web của YouGov, công ty phân tích dữ liệu và nghiên cứu thị trường dựa trên Internet quốc tế, trụ sở tại Anh. Cuộc khảo sát được thực hiện ở hơn 20 nước ở châu Á, châu Mỹ và châu Âu.
Nhưng điều này không có nghĩa là người Việt đang mất cảnh giác với dịch bệnh, bởi Việt Nam cũng nằm trong số 26 quốc gia "sợ" Covid-19 nhất. 90% "rất" hoặc "hơi" lo sợ bị nhiễm nCoV, theo số liệu ngày 27/4. Tỷ lệ này giảm xuống còn 81% vào 12/5.
Nhân viên y tế tiến hành đo thân nhiệt tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, ngày 28/3. Ảnh: Giang Huy.
Phát hiện này được xem là thú vị, bởi thông thường, nhiều người cho rằng nỗi sợ hãi có thể giảm xuống khi người dân tin rằng chính phủ đang kiểm soát được dịch bệnh.
Một nghiên cứu mới đây của Đại học Tokyo, Nhật Bản, tìm cách giải thích tại sao nỗi sợ Covid-19 và việc ứng phó dịch bệnh hiệu quả lại có thể không trùng khớp.
Khảo sát tiến hành đối với 2.800 người trưởng thành ở Nhật Bản cho thấy, ngay cả những chỉ thị không bắt buộc của chính phủ cũng có thể làm gia tăng sự thận trọng của người dân, từ đó khuyến khích những thay đổi cần thiết về mặt hành vi nhằm ngăn virus lây lan. Nói cách khác, trong đại dịch, khả năng ứng phó của chính phủ có thể tạo ra nỗi sợ hãi "lành mạnh" cho công dân, cũng chính là một trong những cách hiệu quả khiến họ giữ gìn sức khỏe.
Cùng với Việt Nam, các quốc gia đang xử lý khủng hoảng tốt, ít nhất là trong mắt công dân, bao gồm Ấn Độ, Australia, Đan Mạch, Na Uy, Canada và Phần Lan. Trong khi đó, chưa đến một nửa người dân Mỹ, 49%, cho rằng chính phủ đang xử lý đại dịch "rất" hoặc "khá" tốt. Một cuộc thăm dò gần đây của Pew Reseach, nhóm chuyên gia Mỹ có trụ sở tại Washington D.C., cho hay có 65% người Mỹ cảm thấy chính phủ liên bang quá chậm trễ thực hiện các biện pháp nhằm ứng phó Covid-19.
Ba quốc gia gồm Tây Ban Nha, Pháp, Nhật Bản, số người đồng tình với cách chính phủ xử lý đại dịch thấp hơn. Mỗi nước này ghi nhận dưới 40% người dân ủng hộ chính phủ xử lý khủng hoảng y tế. Riêng tại Thụy Điển, số người dân đồng tình cách chính phủ xử lý khủng hoảng tăng so với một tháng trước đó. Hiện khoảng 57% người Thụy Điển cho rằng chính phủ đang xử lý đại dịch một "rất" hoặc "khá" tốt, so với con số 41% hồi tháng trước.
Không giống hầu hết các nước phát triển, Thụy Điển quyết định không đóng cửa các doanh nghiệp và trường học. Một bài đăng trên Bloomberg mới đây cho thấy tỷ lệ nhiễm và tử vong do Covid-19 đang bắt đầu đạt đỉnh ở Thụy Điển, sự ủng hộ Thủ tướng Thụy Điện Stefan Lofven cũng tăng vọt.
Dư luận chỉ là một khía cạnh, tình hình thực tế cũng rất quan trọng. Việt Nam hiện là một trong những quốc gia được đánh giá là dẫn đầu trong vấn đề này. Dù dân số 95 triệu người và gần với nơi khởi phát dịch, Việt Nam báo cáo 324 ca nhiễm và chưa ghi nhận ca tử vong do Covid-19.
Hơn 210 quốc gia, vùng lãnh thổ đã xuất hiện Covid-19, sau khi dịch khởi phát hồi tháng 12/2019 ở Vũ Hán, Trung Quốc, khiến gần 5,2 triệu người nhiễm, gần 335.000 người chết. Mỹ hiện là vùng dịch lớn nhất thế giới.
Nguồn VNE