Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Họp Ban Chỉ đạo thực hiện những giải pháp mang tính đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh
Thứ ba: 12:47 ngày 16/07/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 15.7, Ban Chỉ đạo thực hiện những giải pháp mang tính đột phá để phát triển kinh tế- xã hội tỉnh giai đoạn 2017-2021 (BCĐ) tổ chức hội nghị đánh giá hoạt động tháng 5, tháng 6 và đề ra nhiệm vụ trong tháng 7, tháng 8 năm 2019.

Ông Phạm Viết Thanh- Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng BCĐ, ông Phạm Văn Tân- Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng BCĐ chủ trì hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Thời gian qua, các nhóm công tác đã có nhiều nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, đạt một số kết quả nổi bật. Một giải pháp mang tính đột phá nổi bật khi tỉnh Tây Ninh là một trong những tỉnh đi đầu trong việc xây dựng trục liên thông dữ liệu nội tỉnh, tích hợp, thống nhất các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Đồng thời đã kết nối liên thông với trục liên thông văn bản quốc gia và ứng dụng ký số trong việc ban hành văn bản của UBND tỉnh và các cơ quan từ tỉnh xuống tới xã.

Hiện tỉnh đang triển khai nâng cấp cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP, Thông tư số 01/2018/TT-VPCP; cơ bản hoàn thiện phần tích hợp các dữ liệu hiện có của tỉnh vào Trung tâm giám sát điều hành về kinh tế-xã hội (giai đoạn 1); phối hợp với Tập đoàn VNPT triển khai thí điểm phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu đất đai (ILIS) trên nền tảng hệ tọa độ GIS tại huyện Tân Châu và Gò Dầu.

Nhóm công tác đột phá về nông nghiệp tiếp tục hoàn chỉnh các thủ tục theo yêu cầu của Ngân hàng ADB để tiếp nhận nguồn vốn vay triển khai đầu tư thực hiện các hạng mục công trình, nhằm nâng cao năng lực chuỗi giá trị rau quả, cây ăn trái trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Công ty TNHH Knowledge Intelligence Applications GMBH (Gọi tắt là Công ty KIAG) triển khai thực hiện phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử KIPUS cho doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân trên địa bàn tỉnh. Tỉnh cũng đã được Bộ NN&PTNT cấp 46 mã vùng trồng với tổng diện tích 1.975 ha cây nhãn, chuối già Nam Mỹ, chôm chôm, mít, thanh long.

Trong tháng 5 và 6.2019, trình thông qua Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đề án “Chuỗi giá trị và cụm ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh”. Hiện đang hoàn chỉnh Đề án theo kết luận cuộc họp Chủ tịch, Phó chủ tịch. Đồng thời chuẩn bị xây dựng Kế hoạch triển khai Đề án Chuỗi giá trị và cụm ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh trên bò sữa và các loại cây bưởi, chuối, mì…; triển khai quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch tả heo Châu Phi.

Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Đối với nhóm công tác phát triển du lịch, hiện đang phối hợp với chuyên gia tư vấn của Đại học Fulbright hoàn chỉnh lại Đề án cụm ngành Du lịch; tiếp tục triển khai thực hiện Đề án Thống kê du lịch.

Trong tháng 5 và tháng 6.2019, nhóm đã tham mưu UBND tỉnh nội dung ký kết Thỏa thuận hợp tác với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines). Hiện nay, đang cụ thể hóa nội dung thỏa thuận hợp tác về phát triển du lịch ở các công việc cụ thể như có văn bản đề nghị Tổng Công ty Hàng không Việt Nam phối hợp cùng tổ chức và hỗ trợ cho các hoạt động sự kiện “Ngày Tây Ninh tại Hà Nội” lần II.2019.

UBND tỉnh giao Sở VHTT&DL phối hợp với Tạp chí Heritage thực hiện video clip quảng bá, giới thiệu trên màn hình máy bay về Du lịch núi Bà Đen, Toà Thánh Tây Ninh- công trình kiến trúc độc đáo gắn với 2 lễ hội lớn (Vía Đức Chí Tôn và Hội yến Diêu trì cung); giới thiệu trên tạp chí về tổng quan du lịch Tây Ninh; đặc sản ẩm thực bánh tráng và bánh canh Trảng Bàng…

Đối với hoạt động của nhóm công tác hạ tầng giao thông, đã đẩy mạnh thực hiện các dự án quan trọng, xử lý các vướng mắc về mặt bằng và triển khai thi công 5/6 gói thầu vướng giải phóng mặt bằng Dự án Tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông, giải ngân vốn kế hoạch năm 2019 đến nay đạt 151,84 tỷ đồng (đạt 57,73% kế hoạch).

Bên cạnh đó, UBND thành phố Hồ Chí Minh và UBND tỉnh Tây Ninh cùng trao đổi, đề xuất phương án thực hiện Dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Đối với dự án đường tuần tra biên giới đã bàn giao mặt bằng cho các nhà thầu thi công được 121,41/125,41km. Ba dự án: đường và cầu bến Cây Ổi, đường từ ngã ba ĐT.781 - Bờ hồ Dầu Tiếng đến ĐT.785 ngã tư Tân Hưng đã được khởi công.

Đáng chú ý, nhóm công tác hạ tầng giao thông đã tổ chức thị sát luồng tuyến sông Sài Gòn, qua đó nhận thấy, khoảng cách theo sông Sài Gòn từ xã Hưng Thuận, huyện Trảng Bàng đến cảng Sài Gòn khoảng 90 km (đến cảng Cát Lái khoảng 110km), rất thuận lợi cho phát triển đường thủy nội địa từ Tây Ninh đi các cảng trên địa bàn TP.HCM, góp phần phát triển giao thông đường thủy nội địa ở tỉnh. Do đó, nhóm sẽ tham mưu UBND tỉnh đề xuất Bộ Giao thông Vận tải bổ sung quy hoạch Cảng thuỷ nội địa và cảng cạn ICD trên sông Sài Gòn.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh, Trưởng Ban Chỉ đạo đề nghị các nhóm công tác nghiên cứu chuẩn bị nội dung cho giai đoạn 2020-2025. Đồng thời các nhóm cần quan tâm khắc phục hiệu quả những vướng mắc, bất cập trong hoạt động của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên cấp huyện đã được nêu ra tại các kỳ họp HĐND.

Với việc tỉnh Tây Ninh đã được trung ương giao thêm chỉ tiêu giáo viên mầm non đáp ứng nhu cầu thiếu giáo viên hiện nay, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị sở, ngành liên quan cần rà soát, tuyển chọn những đối tượng đủ điều kiện, tiêu chuẩn đang hợp đồng làm việc ưu tiên tuyển dụng.

Theo Bí thư Tỉnh ủy, đối với công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, cả hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc với tư tưởng, cách làm thống nhất trong giải quyết các vấn đề bức xúc của người dân.

Đối với nhóm nông nghiệp, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, với tinh thần hợp tác, chia sẻ, hỗ trợ, cần giúp nhà máy Tanifood giải quyết những vướng mắc để hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó, nhóm cần nghiên cứu đề xuất chủ trương chung thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiệu quả.

Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu nghiêm túc đánh giá, nhìn nhận lại Chỉ số PAPI năm 2018 của tỉnh, cho thấy chính quyền chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân, từ đó nhóm công tác cần nghiên cứu đề xuất giải pháp để cải thiện chỉ số này.

Ông Nguyễn Thanh Ngọc- Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Ông Phạm Văn Tân- Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Ban Chỉ đạo yêu cầu trong 2 tháng tới, song song với việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ đột phá, lãnh đạo các sở, ngành cũng cần quan tâm thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên để nâng cao mức tăng trưởng của tỉnh, nhất là cần nắm bắt kịp thời những cơ hội mới trên các lĩnh vực khác nhau.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo cụ thể một số nhiệm vụ cho từng nhóm công tác. Đối với nhóm thể chế cần có những giải pháp thiết thực hơn nhằm khơi dậy tính năng động của chính quyền các cấp; cán bộ công chức, viên chức làm hết việc chứ không làm hết giờ.

Đối với nhóm nông nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cần có kế hoạch cụ thể để thực hiện hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp một cách có trọng tâm, đẩy mạnh kêu gọi đầu tư quyết liệt hơn vào nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị, để tăng giá trị gia tăng/ha đất. Ngành Nông nghiệp cần tạo đột phá trong 5 năm tới, tầm nhìn đến năm 2050, để tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh, tạo sự phát triển bền vững.

Chủ tịch UBND cũng yêu cầu nhóm cần phải tập trung, đeo bám để thực hiện hai dự án đường cao tốc, giải phóng mặt bằng thực hiện hoàn thành tiến độ của dự án Tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông, dự án Đường tuần tra biên giới đảm bảo theo kế hoạch, tập trung phát triển giao thông đường thủy (quy hoạch cảng, khởi công cầu An Hòa, giải quyết vấn đề lục bình), gấp rút hoàn thiện các tuyến đường giao thông kết nối, tạo bước đột phá cho sự phát triển của địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các nhóm cần rà soát lại các chỉ tiêu có khả năng không đạt, xem chỉ tiêu nào chưa đạt thì tập trung có biện pháp thực hiện phấn đấu đạt theo Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh đã đề ra.

Thế Nhân

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục